Các biện pháp kiểm duyệt nghệ thuật tại Việt Nam

Tháng giêng vừa qua, cảnh sát Việt Nam đã ra lệnh buộc nghệ sĩ Trương Tân phải dời một tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của mình ra khỏi một cuộc triển lãm tại Hà Nội do chính phủ Đức bảo trợ. Hành động này cho thấy biện pháp kiểm duyệt mà giới hữu trách Hà Nội áp đặt lên các nghệ sĩ vẫn còn được áp dụng tuy những điều lệ độc đoán về sự diễn đạt của nghệ sĩ đã giảm bớt đôi chút trong vài năm gần đây.

Khi quyết định thực hiện một cuộc triển lãm về nghệ thuật Đức chịu ảnh hưởng của ngành thiết kế nội thất, Viện Goethe ở Hà Nội cũng mời hai nghệ sĩ Việt Nam trưng bày tác phẩm của mình. Một trong các tác phẩm của Đức tại cuộc triển lãm này là những cây cối làm bằng vải dùng làm đồng phục của cảnh sát. Tác phẩm vừa kể đã gợi hứng cho nghệ sĩ Trương Tân của Việt Nam. Ông Franz-Josef Augustin, Giám đốc Viện Goethe ở Hà Nội, giải thích như sau về tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mà Ông Trương Tân trưng bày tại cuộc triển lãm:

Đó là một tác phẩm độc đáo nói về nạn tham ô. Đó là một cái tã, một cái tã khổng lồ có hình dạng của một chiếc ghế sofa và làm bằng những chiếc túi giống nhau. Theo lời giải thích của Ông Trương Tân, khả năng hút nước của cái tã đó là vô hạn.

Những cái túi hút nước mà Ông Tân tự khâu lấy được làm cho giống như những cái túi trên bộ đồng phục của cảnh sát.

Cũng giống như tình trạng ở những nơi mà quyền tự do diễn đạt bị hạn chế, việc phê phán hành vi tham ô của cảnh sát là một hành động có tính chất mạo hiểm. Cuộc triển lãm ở Viện Goethe khai mạc hôm 10 tháng Giêng, và cảnh sát Việt Nam đã nhanh chóng phản ứng. Ông Augustin cho biết như sau về phản ứng này:

Hai ngày sau đó tôi nhận được một cú điện thoại từ Sài gòn. Tôi được báo cho biết rằng cảnh sát đã yêu cầu chúng tôi phải loại bỏ hai tác phẩm đó ra khỏi cuộc triển lãm.

Giới hữu trách đã yêu cầu loại bỏ những tác phẩm của cả hai nghệ sĩ Việt Nam với lý do là Viện Goethe chỉ xin phép để triễn lãm các tác phẩm của Đức. Để tránh phiền phức, các nghệ sĩ này đã làm theo đòi hỏi của nhà chức trách.

Ông Trương Tân, 42 tuổi, từng giảng dạy tại trường Mỹ Thuật Việt Nam. Ông đã sinh sống ở Pháp trong nhiều năm trước khi về nước hồi năm 2004. Ông cho biết Ông sang Pháp vì cảm thấy khó chịu trước nạn kiểm duyệt ở Việt Nam. Ông giải thích như sau:

Tôi không muốn đưa cho họ xem tác phẩm của tôi để xin phép họ cho tôi sáng tác. Bởi vì sự sáng tác của tôi là tự do, mà họ thì không bao giờ nghĩ rằng nghệ sĩ phải được tự do. Những người ở đây lúc nào họ cũng nói rằng chúng ta có tự do, có cởi mở. Nhưng sinh hoạt nghệ thuật lại thiếu tự do.

Cái tã khổng lồ của Ông Trương Tân giờ đây được đặt ở phòng làm việc của Ông. Ông cho biết tác phẩm này nói lên sự thiếu minh bạch và là một sự phê phán đối với một khẩu hiệu mới của ngành du lịch Việt Nam “Duyên dáng Việt Nam.”

Tôi muốn mọi người nhìn vào bên trong những cái túi của các nhà lãnh đạo đất nước. Nhìn xem bên trong có những gì? Tác phẩm của tôi có tên là “Vẻ đẹp ngầm”. Lúc này nhiều người ở Việt Nam cứ nói về duyên ngầm, về nét đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. Nhưng riêng tôi, tôi không biết có những gì ẩn chứa trong đó?

Khi đến thăm một phòng trưng bày tác phẩm nghệ thuật ở Việt Nam, người ta không dễ nhìn thấy dấu vết của những hoạt động kiểm duyệt. Các nghệ sĩ ở đây được tự do nói về những đề tài có tính chất riêng tư, cá nhân; và họ cũng được phép phê phán một cách nhẹ nhàng đối với những vấn đề xã hội.

Tuy nhiên, tất cả các dự án nghệ thuật hoặc các cuộc triển lãm nghệ thuật đều phải có phép của Bộ Văn hóa Thông tin. Điều này khiến cho môi trường sáng tác bị trì trệ và gây khó chịu cho các nghệ sĩ quốc tế có liên hệ với các nghệ sĩ Việt Nam.

Anh Marcus Mitchell là một trong những nghệ sĩ trẻ của Mỹ thuộc phòng trưng bày Campus đang được nhiều người yêu thích ở Hà Nội. Anh cho biết một khó khăn lớn của các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay là nạn kiểm duyệt khiến họ bị cô lập với thế giới nghệ thuật đương đại. Anh nói thêm rằng các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam ít khi cảm nhận được sự cô lập này.

Những người thuộc thế hệ này nghĩ rằng họ đã tiếp cận với nghệ thuật đương đại trên toàn cầu, vì họ truy cập được internet và được xem các tạp chí. Nhưng điều đáng buồn là những gì mà họ tiếp nhận được chỉ là những thứ mà ta có thể gọi là thuộc loại hàng lạc xon, in hệt như những chiếc giày Nike hàng nhái, hoàn toàn có tính chất giả tạo.

Hiện nay các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được bán rất chạy ở các phòng tranh tại Hồng kông, Los Angeles và New York. Anh Mitchell giải thích như sau về hiện tượng này:

Chỉ vì nó mới lạ. Người ta đua nhau mua các tác phẩm của Châu Á, và thị trường ở Trung Quốc giờ đây đã hoàn toàn bão hòa. Mọi người đang ra sức tìm kiếm những gì có thể trở thành cái mốt của những ngày sắp tới.

Khi tiếp chuyện với chúng tôi tại căn nhà của Ông ở Hà Nội, nghệ sĩ Trương Tân cho biết Ông tin rằng tệ kiểm duyệt sẽ không thể tồn tại mãi mãi.

Tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay có khả quan hơn trước, nhưng họ cần phải cởi mở nhiều hơn nữa. Bởi vì họ phải suy nghĩ, và ý nghĩ của con người ta phải thay đổi, và quả thực là đang có thay đổi.

Ông Augustin của Viện Goethe cho rằng Việt Nam cần phải từ bỏ điều ông gọi là những hành vi kiểm duyệt nhỏ nhen và kỳ quặc. Đối với các nhà quan sát người nước ngoài và các nghệ sĩ Việt Nam, phản ứng của giới hữu trách Hà Nội đối với cái tã khổng lồ của Ông Trương Tân chính là một dấu hiệu cho thấy rằng sự thay đổi sẽ không có được trong một sớm một chiều.