Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO

Sau nhiều năm đàm phán và chờ đợi, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày thứ năm. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới đang mở ra một cánh cửa của một kỷ nguyên mới cho thương mại và đầu tư tại một trong số những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Châu Á này.

Bản tin của AP cho biết, hôm thứ năm người ta có thể thấy một tấm biểu ngữ rất lớn màu xanh với hàng chữ “Chào mừng Việt Nam” bằng ba thứ tiếng tại trụ sở chính của Tổ chức thương mại thế giới.

Ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc WTO ngợi khen Việt Nam đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ để khuôn khổ luật pháp của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn của Tổ chức thương mại thế giới.

Tuy nhiên là một thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới,Việt Nam cũng sẽ phải rỡ bỏ hàng rào thuế quan và mở cửa những thị trường cho cả những ngành kinh tế mà trước đây các công ty nước ngoài không được phép đầu tư. Trong khi sẽ có nhiều thay đổi ngay lập tức thì cũng có những thay đổi theo từng giai đoạn. Ví dụ như ngành ngân hàng, các ngân hàng nước ngoài sẽ không được phép mở chi nhánh cho tới ngày 1 tháng 4 năm nay.

Để đổi lại, Việt Nam sẽ được tiếp cận sâu rộng hơn với các thị trường nước ngoài, và sẽ được trọng tài trung lập phân xử những vụ tranh chấp thương mại với các đối tác hùng mạnh hơn.

Tại Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Lê Dũng phát biểu với các phóng viên báo chí rằng “đây là một sự kiện trọng đại trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, điều này đã chứng tỏ Việt Nam đã tham gia toàn diện và sâu rộng vào hệ thống thương mại tòan cầu”.

Bản tin của AFP trích thuật lời ông Lê Đăng Doanh, một nhà kinh tế cao cấp tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư noí rằng "đây là một bước ngoặt quan trọng”. Ông nói thêm gia nhập WTO có nghía là Việt Nam sẽ khởi đầu một giai đoạn cải cách mới. Giai đoạn cải cách này sẽ dẫn tới một sự phát triển năng động và đầy hứa hẹn và tất nhiên có cả cơ hội và thách thức.

Trong khi nhiều công ty của Việt Nam xem việc gia nhập WTO sẽ mạng lại nhiều cơ hội, thì nhiều công ty khác đang phải cố gắng để chống chọi với sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài.

Bản tin của AP trích thuật lời Ông Nguyễn Văn Thoại, phó giám đốc công ty Mỹ phẩm Sài Gòn cho biết theo tính toán của công ty, thì khi Việt Nam gia nhập WTO, họ sẽ mất khoảng 20% thị phần vào tay các đối thủ nước ngoài.

Cũng theo bản tin của AP trích thuật lời ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội, cho biết việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của WTO không thể thay đổi được bức tranh kinh tế của nước này trong một sớm một chiều.

Ông cho rằng mặc dù Việt Nam đã dần dần thay đổi chính sách thương mại và đầu tư để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đã khiến nơi đây trở thành một điểm đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều rào cản và thách thức. Ông nói rằng Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và điều này có nghĩa là chính phủ vẫn đóng vai trò chỉ đạo trong nhiều công ty quốc doanh lớn của Việt Nam.

Các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới đã chấp thuận đơn xin gia nhập tổ chức này của Việt Nam, thỏa thuận gia nhập đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngay sau đó. Theo qui định của WTO thì qui chế thành viên chính thức của Việt Nam bắt đầu có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi Việt Nam chính thức thông báo cho WTO về việc phê chuẩn này.