Người ta trông đợi chuyến viếng thăm Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh trong tuần này sẽ khiến cho quan hệ về chính trị và kinh tế giữa hai nước trở nên thân thiết hơn.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đến Tokyo vào thứ tư trong chuyến công du dài 4 ngày, trong đó ông sẽ cùng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thảo luận về nhiều vấn đề.
Chuyến đi thăm Nhật Bản của nhà lãnh đạo Ấn Độ diễn ra khi những lợi ích của hai nước có những điểm tương đồng. Nền kinh tế của cả hai nước đều phát triển mạnh mặc dù rất khác biệt nhau và cả Ấn Độ và Nhật Bản đều muốn tăng cường an ninh trong vùng biển.
Trong khi đó, Washington cũng nôn nóng mở rộng quan hệ với Ấn Độ và vừa qua Thủ tướng Singh đã lên tiếng ủng hộ chương trình hợp tác bốn bên giữa Nhật Bản, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Australia.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Fumio Kyuma tán thành ý kiến này.
Ông Kyuma nói với đài VOA rằng 4 quốc gia này có cùng mối quan tâm bảo vệ tàu bè chống lại bọn hải tặc và những những mối đe dọa khác trong vùng Ấn Độ Dương. Theo ông thì Nhật Bản nên hậu thuẫn những cuộc thực tập và huấn luyện chung và những công cuộc hợp tác khác giữa 4 nước.
Các nhân viên tuần duyên của Nhật Bản và Ấn Độ đã thực hiện các cuộc thực tập hằng năm, và vấn đề thực hiện cuộc thực tập hải quân chung giữa hai nước cũng đã được nói đến. Đây là hành Động có thể khiến cho Trung Quốc lo ngại.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật thừa nhận mối lo ngại về quan điểm của Trung Quốc đối với mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Tokyo và New Delhi.
Theo ông Kyuma thì dĩ nhiên bất cứ sự hợp tác nào giữa Nhật Bản và Ấn Độ cũng nên trách đừng làm cho Trung Quốc lo ngại.
Ông Aftab Seth, một cựu đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, hiện là giáo sư tại Học viện nghiên cứu an ninh Quốc tế của đại học Keio ở Tokyo, đồng ý rằng Trung Quốc không nên lo ngại về công cuộc hợp tác của Nhật Bản và Ấn Độ trong vùng biển cả . Ông nói:
Bất cứ một cuộc hợp tác nào giữa Nhật Bản và Ấn Độ, hay giữa Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ấn Độ, hoặc là với cả Australia, không nên để cho người ta coi như một sự chống đối lại bất cứ nước nào, mà đó chỉ là một biện pháp chung để bảo đảm an ninh trên các thủy lộ cho tất cả những người sử dụng đường biển.
Kinh tế là một đề tài rộng lớn khác trong nghị trình chuyến công du của Nhà lãnh đạo Ấn Độ. Nhật Bản tỏ ra chậm chạp trong việc đầu tư vào Ấn Độ, một phần vì các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ trong 3 năm, sau khi New Delhi thực hiện các vụ thử nghiệm hạt nhân năm 1998.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tăng trưởng với tỉ lệ giữa 8 và 10% mỗi năm. Nền mậu dịch của Nhật Bản với Ấn Độ ước tính kém hơn 5% công cuộc giao thương của Nhật Bản với Trung Quốc.
Đầu tư của Nhật Bản tại Trung Quốc vượt xa số đầu tư tại Ấn Độ gấp 15 lần.
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Ấn Độ sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận về công cuocä hợp tác kinh tế có thể vượt quá vấn đề ký kết một thỏa hiệp mậu dịch tự do.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Nhật, ông Tomohiko Taniguchi cho biết hành động này có thể diễn tiến nhanh chóng:
Chúng tôi sửa soạn thực hiện một cuộc thương thuyết chính thức, có thể mất một thời gian nhưng chính phủ Ấn Độ và chính phủ Nhật Bản đều nghĩ rằng rút ngắn được tiến trình này càng nhiều càng tốt.
Nạn quan liêu và hạ tầng cơ sở của Ấn Độ đã khiến một số công ty Nhật nản lòng không muốn thiết lập các dự án chung trong các lãnh vực xe hơi và hóa chất. Chuyến công du của nhà lãnh đạo Ấn Độ có thể là dấu hiệu bắt đầu có sự thay đổi.