Chi tiết xoay quanh việc di dời hài cốt của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc từ Kampuchia về VN

Hôm thứ tư vừa qua, một buổi lễ di dời hài cốt của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, người sáng lập đạo Cao Đài, từ Kampuchia về Việt Nam đã được cử hành tại thủ đô Phnom Penh. Diễn tiến này đã gặp phải sự chống đối kịch liệt của hàng giáo phẩm Cao Đài ở hải ngoại và một số tín đồ trong nước.

Q: Ngày 29 tháng 11, tức là ngày thứ tư vừa qua, Ban Tôn giáo Tỉnh Tây Ninh cùng Hội đồng chưởng quản Hội thánh Cao Đài Tây Ninh đã tổ chức lễ di dời kim liên Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc từ Thánh thất Cao Đài Phnom Penh ở Kampuchia về Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh ở Việt Nam. Trong khi đó, một số chức sắc và tín đồ đạo Cao Đài đã lên tiếng phản đối hành động này. Xin anh Duy Ái cho biết lý do vì sao mà những người này lại chống đối một việc vốn dĩ là một việc đáng mừng như vậy?

A: Thưa chị Minh Phượng và thưa quí thính giả, theo bản tin của tờ Nhân Dân ở Việt Nam, việc hồi hương liên đài Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc trở về Tòa thánh Tây Ninh là theo đúng ý nguyện của vị giáo chủ này trước khi ông qua đời vào năm 1959 sau khi sang sống lưu vong ở Kampuchia từ năm 1956. Tuy nhiên, một số người theo đạo Cao Đài và tự nhận là thành phần trung kiên của đạo này thì cho rằng việc di dời kim liên của Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc về Việt Nam vào thời điểm này là không thỏa đáng. Họ đưa ra hai lý do chính thứ nhất là điều này đi ngược với di ngôn mà giáo chủ của họ đã để lại cho cựu hoàng Norodom Sihanouk, và lý do thứ hai là giới hữu trách Việt Nam vẫn chưa phục hồi danh dự của Hộ pháp Phạm Công Tắc. Về việc này, tôi đã tiếp xúc với một vị Chánh tri sự của đạo Cao Đài ở tỉnh Đồng Tháp và được ông cho biết:

Ngày nào Việt Nam được hòa bình trung lập thì khối tín đồ bần đạo sẽ đem di hài của bần đạo về Tòa thánh Tây Ninh. Di ngôn là như vậy.

Ngoài ra, một nhân sĩ khác của đạo Cao Đài ở California là Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm cũng cho biết như sau về di ngôn này:

Ba ngày còn nằm trên giường bệnh, Ngài viết một lá thư cho Thái tử Norodom Sihanouk. Đức Hộ pháp với Thái tử Norodom Sihanouk là bạn thân nên ông mới gởi gắm thi hài của ông cho ông Sihanouk, cho chính phủ vương quốc Cao Miên. Oâng có nói là ngày nào nước Việt Nam được thống nhất, độc lập, hòa bình, và trung lập, tín đồ của chúng tôi sẽ di thi hài về Tòa thánh Tây Ninh.

Q: Việt Nam hiện nay đã hòa bình thống nhất rồi mà sao những người này vẫn nói rằng việc đưa kim liên của ông Phạm Công Tắc về Việt Nam là không đúng với di ngôn, thưa anh?

A: Thưa chị, về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết như sau:

Thống nhất thì có thống nhất nhưng mà thống nhất bằng vũ lực. Hòa bình thì có hòa bình thiệt, nhưng mà không có hòa giải dân tộc. Còn trung lập, Cộng sản không bao giờ nói họ trung lập. Vì vậy, chúng tôi thấy ước muốn, ước nguyện của giáo chủ chúng tôi không được trọn nguyện.

Q: Thế còn lý do thứ nhì, tức là vấn đề phục hồi danh dự, thì những người chống đối việc hồi hương hài cốt Đức Hộ pháp Phạm Công Tắc họ nói như thế nào ?

A: Thưa chị, việc này có liên quan tới điều vẫn thường được gọi là bản án Cao Đài. Về bản án này vị chánh tri sự ở Đồng Tháp có cho biết như sau:

Trong bản án Cao Đài thì nói Đức Hộ Pháp là bán nước hại dân, là thân với Pháp, Nhật để bán nước hại dân.

Vị chánh tri sự này cũng tỏ ý không hài lòng với Hội đồng Chưởng quản đạo Cao Đài và cho biết rằng khoảng 100 người, gồm tín đồ và chức sắc Cao Đài đã đến trụ sở chính quyền thành phố Hồ Chí Minh hôm thứ Hai vừa qua để đòi giới hữu trách phục hồi danh dự cho giáo chủ của họ. Ông cho biết thêm như sau:

Bản án chưa được giải quyết một cách thỏa đáng mà hôm nay Hội đồng Chưởng quản lấy liên đài Đức Hộ pháp từ Kampuchia về Tây Ninh. Anh em đồng đạo trung kiên cảm thấy bức xúc, cho nên có gởi đơn đồng thời cũng tới Trung ương 2 ở thành phố Hồ Chí Minh để đòi chính phủ xóa giùm bản án của Cao Đài. Nhưng mà đơn đưa tới chính phủ không được giải quyết mà công an tỉnh Đồng Tháp mời anh em tới làm khó khăn đủ điều.

A: Giới hữu trách Việt Nam có phản ứng như thế nào trước sự chống đối này, thưa anh?

Q: Hiện giờ thì chưa thấy họ có phản ứng như thế nào, và có lẽ phải đợi tới ngày thứ 3 tới đây, khi lễ nhập bảo thất của Hộ pháp Phạm Công Tắc được cử hành ở Tây Ninh, thì dựa vào phẩm trật của buổi lễ mà người ta có thể thấy được đôi chút về lập trường hiện nay của nhà chức trách đối với việc phục hồi danh dự cho vị giáo chủ của khoảng 6 triệu tín đồ đạo Cao Đài trên thế giới. Tuy nhiên, theo một số các quan sát, giới hữu trách Hà nội cho đến nay vẫn chưa có thái độ dứt khoát trong việc “bình thường hóa” quan hệ với những đoàn thể tôn giáo ở miền Nam trước năm 1975, đặc biệt là đối với Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và Hội thánh Cao Đài – là những đoàn thể tôn giáo do người Việt Nam sáng lập và đồng thời cũng là những lực lượng chính trị không tán đồng các chính sách của đảng Cộng sản Việt Nam.