LHQ đồng ý giúp Libăng điều tra vụ ám sát bộ trưởng Gemayel

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một yêu cầu của chính phủ Libăng giúp đỡ trong việc điều tra về vụ ám sát Bộ Trưởng Pierre Gemayel. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc gồm 15 nước thành viên đã đáp ứng mau lẹ trước yêu cầu của Thủ Tướng Siniora xin giúp đỡ trong việc điều tra vụ ám sát ông Gemayel.

Ông Siniora đã viết thư cho Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc , ông Kofi Annan, yêu cầu đưa thêm vụ ám sát ông Gemayel vào cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc về vụ ám sát cựu Thủ Tướng Rafik Hariri của Libăng hồi năm ngoái. Thư yêu cầu này đã được chuyển tới Liên Hiệp Quốc chỉ hơn 24 giờ sau khi vị Bộ Trưởng có chủ trương chống Syria nổi tiếng này bị bắn hạ tại vùng ngoại thành thủ đô Beirut.

Sau phiên họp được triệu tập vội vã tối hôm qua, Chủ tịch Hội Đồng Bảo An trong tháng 11, Đại sứ Peru, ông Jorge Voto-Bernales, nói rằng, có sự đồng thanh chấp thuận nới rộng nhiệm quyền cho cuộc điều tra về vụ ám sát ông Hariri.

Tôi vừa ký vào lá thư này. Chúng tôi sẽ gởi thư này tới ông Kofi Annan ngay tối hôm nay để ông có thể tiến hành.

Hồi tháng Sáu vừa qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận cho phép ủy ban điều tra do công tố viên Bỉ, ông Serge Brammertz, lãnh đạo mở rộng phạm vi cuộc điều tra, gộp chung 14 vụ ám sát chính trị khác tại Libăng vào với vụ ám sát ông Hariri. Trước đây ông Brammertz đã phúc trình rằng, các vụ ám sát này dường như có liên hệ với nhau.

Đại sứ Đan Mạch tại Liên Hiệp Quốc, bà Ellen Margrethe Loj, xuất hiện sau phiên họp của Hội Đồng Bảo An ngày hôm qua nói rằng, các thủ tục thông thường cho việc mở rộng cuộc điều tra bao gồm vụ ám sát ông Gemayel đã được thông qua vì tính cách khẩn cấp của vụ việc này.

Thông thường thì chúng tôi có bản nghị quyết dưới hình thức văn bản, nhưng vì tính cách cấp bách của việc tiến hành cuộc điều tra nên nếu chúng tôi đáp ứng mau lẹ chừng nào cho ông Tổng Thư Ký thì ông Brammertz sẽ có thể giúp đỡ về phương diện kỹ thuật cho cuộc điều tra của Libăng mau chừng ấy.

Một ngày trước đó, Hội Đồng Bảo An đã chấp thuận việc thành lập một tòa án quốc tế để xét xử các nghi can trong vụ ám sát ông Hariri. Nhưng vụ ám sát ông Gemayel có thể gây phương hại tới những nỗ lực thiết lập tòa án này.

Ông Gemayel, một người thường lên tiếng chỉ trích Syria, hồi tuần trước đã cùng với phe đa số chống Syria trong chính phủ của Thủ Tướng Siniora bỏ phiếu chấp thuận kế hoạch thành lập tòa án này. Cuộc biểu quyết đó đã diễn ra sau khi sáu Bộ Trưởng đối lập từ chức, khiến phe thân Syria của Tổng Thống Emile La Houd tuyên bố là cuộc biểu quyết này vô giá trị.

Với cái chết của ong Gemayel và sáu Bộ Trưởng từ chức, chính phủ Siniora đã giảm xuống còn 17 thành viên, tức là chỉ hơn con số tối thiểu mà hiến pháp đã quy định có một người. Nếu có thêm hai Bộ Trưởng nữa qua đời hoặc từ chức thì chính phủ sẽ không thể chấp thuận việc thành lập tòa án này.

Tối hôm qua, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, ông Kofi Annan, nói rằng, ông hết sức lo ngại về bầu không khí chính trị tại Libăng.

Tình hình tại Libăng rất tế nhị, rất dễ tan vỡ, và chúng ta phải làm tất cả những gì có thể làm được để ủng hộ cho nhân dân và chính phủ Libăng, và khuyến khích họ đoàn kết.

Trong một phúc trình gởi cho Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước, ông Annan đã yêu cầu thành lập một tòa án xét xử vụ ám sát ông Hariri ở bên ngoài Libăng.

Bản dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đề nghị thành lập một tòa án với nhiều thẩm phán quốc tế hơn thẩm phán Libăng và một công tố viên quốc tế. Ông Annan nói rằng, việc có đa số thẩm phán quốc tế hơn thẩm phán Libăng sẽ giúp tòa án này bảo đảm được tính cách độc lập của mình.

Syria đã cực lực phủ nhận những tố cáo là họ có liên quan tới các vụ sát hại vừa kể, và trong tuần này đã đưa ra một tuyên bố lên án vụ ám sát ông Pierre Gemayel là một “hành vi tội ác tàn nhẫn.” Các giới chức Syria nói rằng, các vụ ám sát chính trị tại Libăng nằm trong một âm mưu phá hoại ảnh hưởng của Syria đã có từ lâu tại lân quốc Libăng.