Bạo động ở miền Nam Thái Lan không giảm sút

Các giới chức Thái Lan cho biết hôm Chủ nhật, 2 binh sĩ đã thiệt mạng bởi mìn bẫy bên ngoài một ngôi làng thuộc tỉnh Yala miền Nam nước này. Tình hình bạo động ở khu vực có đông người hồi giáo sinh sống này không có dấu hiệu giảm sút bất chấp các nỗ lực hòa giải của chính phủ ở đây.

Hai binh sĩ đã thiệt mạng và ba binh sĩ khác đã bị thương sau khi 4 người khác bị bắn chết và 6 người bị thương cách đó vài giờ trong những trận đấu súng và tấn công bằng bom ở tỉnh Yala và hai tỉnh lân cận.

Các binh sĩ đã bị thiệt mạng khi xe của họ rời ngôi làng Bajor ngay sau khi tư lệnh của họ chấp thuận yêu cầu của người dân, rút lui khỏi căn cứ tạm thời mà họ đã dựng tại một trường học địa phương.

Giới hữu trách Thái Lan cho biết khoảng 30 đến 40 binh sĩ và cảnh sát được giao nhiệm vụ canh gác khu vực biên giới với Malaysia đã phải đối mặt với 300 người dân trong làng, hầu hết là phụ nữ và các em gái, những người đã biểu tình phản đối sự hiện diện của họ tại đây.

Những người dân làng cáo buộc binh sĩ của đội đã giết hại một người dân làng hôm thứ sáu. Cảnh sát cho hay người đàn ông này là người lãnh đạo địa phương của những cuộc giao tranh ở miền nam Thái Lan. Những cuộc giao tranh này đã gây nên cái chết của hơn 1700 người trong vòng ba năm qua.

Sau 5 giờ thương thảo với những người biểu tình, Trung tướng cảnh sát Surapong Khemsingkhi thuộc lực lượng tuần tra biên giới đã đồng ý rút quân khỏi làng Bajor.

Ông Surapong cho biết ông quyết định rút các binh sĩ khỏi ngôi làng này nhằm tránh sự xung đột hay hiểu nhầm với những người dân ở đây. Ngay sau đó một số binh sĩ đã bị tử thương.

Chính phủ lâm thời của Thủ tướng Surayud Chulanont đã đặt vấn đề hòa bình ở các tỉnh miền nam Thái Lan lên ưu tiên hàng đầu. Tuần trước ông Surayud đã đến thăm khu vực này và xin lỗi những người hồi giáo Malay về những hành động khắt khe của người tiền nhiệm ông, ông Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ hồi tháng 9 bởi một cuộc đảo chính quân sự. Ông Surayud cũng đã đề nghị hội đàm với các nhóm nổi dậy.

Tuy nhiên nhiều phân tích gia cho rằng lời xin lỗi là chưa đủ. Những kẻ đứng sau các vụ bạo động vẫn chưa có phản ứng gì đối với lời đề nghị của chính phủ, và tình trạng bạo lực vẫn chưa hề thuyên giảm.

Nhiều người Thái nói tiếng Malay đã phàn nàn rằng họ bị đối xử thô bạo và bị chính phủ trung ương gạt ra ngoài lề. Một số chuyên gia muốn giới hữu trách kiểm soát lực lượng cảnh sát và cải cách hệ thống tòa án để đối phó với sự mất lòng tin ngày càng lan rộng ở những tỉnh miền nam Thái Lan. Một số người còn gợi ý rằng chính phủ nên cân nhắc đến khả năng để những người dân ở địa phương tự quản những vấn đề nhạy cảm này.