Giám đốc cơ quan tình báo Nam Triều Tiên đệ đơn từ chức

Giám đốc cơ quan tình báo Nam Triều Tiên là bộ trưởng mới nhất xin từ chức trong điều được coi là một vụ cải tổ ban chính sách an ninh quốc gia của tổng thống Roh Moo-hyun. Vụ từ chức này diễn ra sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân hôm mùng 9 tháng 10.

Một phát ngôn viên của tổng thống Roh Moo-hyun hôm nay nói rằng ông Kim Seung-kyu, giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Nam Triều Tiên đã đệ đơn từ chức.

Ông Kim là giới chức an ninh cao cấp thứ ba xin từ chức trong tuần này sau vụ thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bộ trưởng quốc phòng Yoon Kwang-ung, và bộ trưởng bộ thống nhất Lee Jeong-seok cũng đã đệ đơn từ chức. Còn ngoại trưởng Ban Ki-moon thì sắp rời chức vụ để đảm nhiệm chức vụ mới là tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Nhiệm vụ chính của bộ trưởng thống nhất Lee Jeong-seok là thực thi chính sách hợp tác kinh tế và giao tiếp với Bắc Triều Tiên. Theo chính sách đó rất nhiều tiền bạc và vật phẩm viện trợ đã được chuyển giao cho miền Bắc với hy vọng thuyết phục họ đừng phát triển vũ khí hạt nhân.

Ông Lee, cùng giám đốc tình báo Kim và các giới chức khác đã bị chỉ trích gay gắt tại Nam Triều Tiên kể từ khi có vụ thử nghiệm hạt nhân, và những người chỉ trích nói rằng chính sách giao tiếp với miền Bắc đã là một sự lầm lẩn .

Sau khi đơn xin từ chức của ông được loan báo, ông Lee đã xin lỗi về việc không ngăn chặn được vụ thử nghiệm hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nói rằng hậu quả chính trị do vụ nầy gây ra đã khiến ông không thể ở lại chức vụ.

Ông Lee nói rằng kể từ khi có vụ thử nghiệm hạt nhân, tất cả những nỗ lực của ông để đối phó với Bắc Triều Tiên đã bị tấn công và chính trị hóa một cách bừa bãi. Ông nói rằng trong tình thế này tốt hơn hết là để một người khác đảm nhiệm chức vụ của ông.

Tổng thống Roh, mà nhiệm kỳ sẽ hết hạn sau các cuộc bầu cử được ấn định mở vào tháng 12 năm tới, đang bám sát vào nguyên tắc tiếp xúc với miền Bắc tuy rằng chính phủ ông đã công nhận là cần phải thay đổi.

Ông Kim Byung-ki, một học giả về quan hệ quốc tế tại vịện đại học Triều Tiên tại Hán thành, nói rằng tổng thống Roh đang bị áp lực từ chính đảng Uri của ông để điều chỉnh lại chính sách này.

Cánh thực tế hơn trong đảng đương quyền coi đây là một chính sách thất bại, và điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng. Và những vụ thay đổi trong chính phủ thật ra chỉ là để chính phủ nắm quyền trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống, để giúp cho tổng thống có lợi thế gây ảnh hưởng chính trị sau này.

Các giới chức cao cấp tại văn phòng tổng thống nói rằng có khả năng là cả 3 đơn xin từ chức này sẽ được chấp thuận. Họ nói rằng những thay đổi này sẽ diễn ra khi một nhân vật được bổ nhiệm để thay thế ngoại trưởng Ban Ki-moon, sắp giữ chức tổng thư ký LHQ vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị Nam Triều Tiên nói rằng vụ cải tổ này sẽ không thay đổi cam kết cơ bản của Hán Thành là duy trì quan hệ với miền Bắc. Giới truyền thông trong nước đang đoán rằng một vài bộ trưởng đang từ chức có thể lại xuất hiện trở lại để nắm giữ các chức vụ cao cấp khác.