Thủ tướng Thái Lan vừa được quân đội bổ nhiệm Surayud Chulanont đã đến Việt Nam hôm thứ năm, kết thúc cuộc công du một số quốc gia trong vùng nhắm trấn an các lân bang sau cuộc đảo chính hồi tháng trước.
Ông Surayud đến Hà Nội lúc 10 giờ 15 sáng và được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nghênh tiếp.
Theo dự trù, thủ tướng Thái sẽ đến thăm chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết và hội kiến tổng bí thư Nông Đức Mạnh trước khi trở về nước.
Báo Nhân Dân ghi nhận đây là chuyến thăm theo thông lệ của các nhà lãnh đạo ASEAN sau khi nhậm chức.
Bộ ngoại giao Thái thì nói rằng chuyến viếng thăm nhắm mục đích “tăng cường bang giao mật thiết đưa tới hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam.”
Tuy nhiên, cũng giống như các chuyến thăm trước ở các nước khác, ông Surayud tìm cách trấn an Việt Nam rằng cuộc đảo chính ngày 19 tháng 9 sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của Thái Lan.
Phân tích gia chính trị Somjai Phagaphasvivat nói rằng “ngoại giao cá nhân” là quan trọng trong tình hình hiện tại vì cả Thái Lan lẫn Việt Nam đều có các chính phủ mới.
Chính phủ Hà Nội luôn tôn trọng nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào nội bộ của các nước thành viên, cho nên có phần chắc là ông Surayud sẽ không bị làm áp lực chấm dứt quân luật trong nước, như ông đã phải đối phó tại Indonesia và Philippines trong tuần qua.
Một nhà ngoại giao Việt Nam yêu cầu không nêu danh tính nói với hãng tin AFP rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ vẫn thận trọng về bất cứ thay đổi chính trị nào tại Thái Lan trong tương lai gần đây, nhưng họ sẽ tránh xen vào nội bộ Thái Lan. Theo nhà ngoại giao này, hai nước có lợi ích chung trong sự phát triển quan hệ song phương hiện đang tốt đẹp hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975.
Nhưng thủ tướng Thái sẽ phải cứu xét áp lực về mặt kinh tế từ phía Việt Nam, một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, sau Trung quốc và Ấn Độ.
Tăng trưởng cũng dự trù sẽ mạnh trong năm tới, vì Việt Nam có nhiều cơ may được thu nhận làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới vào tháng tới.
Nền kinh tế của Thái Lan thì đã hơi khựng lại và gặp trở ngại vì giá nhiên liệu tăng và cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài cả năm, khiến cho các nước láng giềng như Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Các cuộc hội đàm của thủ tướng Thái với giới lãnh đạo Việt Nam dự trù bao gồm vấn đề hợp tác song phương, mậu dịch và đầu tư. Các cơ quan truyền thông nhà nước Việt Nam cho hay Thái Lan là nước đầu tư vào Việt Nam đứng hàng thứ 12, với 140 dự án trị giá tổng cộng 1 tỷ 400 triệu đôla.
Hai nước đã đạt thành quả hợp tác tốt đẹp trong những năm gần đây và đã mở cuộc họp nội các chung đầu tiên hồi tháng 2 năm 2004 tại một ngôi làng ở tỉnh Nakhon Phanom miền đông bắc Thái Lan.
Một cuộc họp tương tự cũng dự trù diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng đã bị hoãn lại nhiều lần, một phần vì tình hình bất ổn chính trị tại Thái Lan.
Ông Surayud đến thăm Việt Nam sau khi đi thăm Lào, Kampuchia, Malaysia, Indonesia và Philippin. Ông không có kế hoạch đi thăm Singapore, Brunei hay Miến Điện.
Theo dự kiến, ông sẽ đi thăm Trung Quốc vào ngày thứ hai tới để đánh dấu kỷ niệm 15 năm bang giao giữa Trung Quốc và ASEAN. Ông sẽ trở lại Hà Nội vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh APEC.