VN thành công trong việc đề xuất các cải cách cần thiết để gia nhập WTO

Việt Nam đã thành công trong việc đề xuất các cải cách cần thiết để được thu nhận vào Tổ chức Thương mại thế giới và trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức quốc tế, theo như một dự thảo báo cáo của WTO mà hãng tin AFP có được hôm thứ hai.

Báo cáo dài 263 trang của một nhóm các nhà ngoại giao có can dự vào các cuộc thương lượng của quốc gia cộng sản này với cơ quan có trụ sở tại Geneve nói rằng họ đã cứu xét các chính sách ngoại thương của Việt Nam và kết luận rằng nên mời Việt Nam tham gia Hiệp định Marrakech thiết lập WTO.

Báo cáo đề ngày 19 tháng 10 sẽ được trình bày tại một hội nghị vào cuối tuần này. Theo dự trù, ủy ban sẽ đề nghị 149 nước thành viên WTO nhóm một cuộc họp vào tháng 11 để chính thức mời Việt Nam gia nhập.

Một khi Việt Nam được chấp thuận gia nhập, Việt Nam sẽ phải phê chuẩn thỏa hiệp, Sau đó thì Việt Nam có thể trở thành thành viên chính thức sau 30 ngày, nghĩa là Việt Nam có thể gia nhập WTO sớm nhất là vào tháng 12, nhưng vẫn không kịp trước khi chủ trì diễn đàn APEC vào giữa tháng 11.

Việt Nam đã khắc phục được một trở ngại lớn khi kết thúc các cuộc thương lượng song phương chung quyết về tiếp cận thị trường, mặc dù Quốc hội Hoa Kỳ chưa biểu quyết về việc dành cho Việt Nam quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn.

Một đề tài còn chưa được giải quyết là việc chính phủ Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng các quyền lao động phải được bao gồm trong các điều kiện gia nhập. Tuy nhiên, báo cáo này không đề cập đến các tiêu chuẩn làm việc.

Nếu được thu nhận vào WTO, thì Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích qua việc bãi bỏ các quota hạn chế hàng dệt may xuất sang Châu Âu và Hoa Kỳ. Nhưng các công nghiệp cũng sẽ không còn được chính phủ tài trợ và giảm thuế, khiến các công nghiệp này chịu áp lực phải nâng cao tiêu chuẩn mà không được nhà nước bảo vệ.

Phía Mỹ thì các công ty dệt may đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng cho phép Việt Nam vào WTO sẽ đưa đến tình trạng hàng dệt may tràn vào Hoa Kỳ và khiến nhiều người thất nghiệp.

Hồi đầu tháng này, Liên hiệp Châu Âu đã quyết định áp dụng các sắc thuế chống phá giá trên giầy dép nhập từ Việt Nam.