Vấn đề nhân quyền và Việt Nam trước hội nghị APEC

  • Michael Mathes

Lời dẫn: Chỉ còn khoảng một tháng nữa là các nhà lãnh đạo 21 nước thuộc khu vực Châu Á -Thái Bình Dương sẽ tụ tập tại Hà Nội để tham dự Hội Nghị APEC. Hà Nội đang tận lực làm việc để đưa ra bộ mặt tốt đẹp nhất giữa lúc Việt Nam đứng ra chủ trì diễn tiến quốc tế nổi bật nhất từng xảy ra tại đây, tính từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cách đây 30 năm. Nhưng như lời tường thuật của Trưởng Ban Việt Ngữ đài VOA Michael Mathes từ Điện Capitol, trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, một số người đang lên tiếng kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy tiếp tục cải thiện về một số đề tài được coi là nhạy cảm.

Giới chỉ trích xem diễn đàn APEC, và sự kiện Việt Nam có thể gia nhập WTO như dự kiến vào cuối năm nay, là một cơ hội để đưa ra những lời tố cáo cho rằng giới lãnh đạo Cộng Sản tại Việt Nam đã không giải quyết một cách thỏa đáng hai vấn đề cồn tồn đọng bấy lâu: nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.

Hà Nội khẳng định những quyền vừa kể đã được ghi trong hiến pháp Việt Nam, thế nhưng Hà Nội lại bắt giữ những người lên tiếng chống đối quyền cai trị độc đảng của họ và những nhân vật tôn giáo đòi quyền được hoạt động độc lập với Hà Nội. Nhưng bất chấp sự chú ý của quốc tế, giới hữu trách Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những nhân vật bất đồng chính kiến nay đã mạnh bạo mẽ lên tiếng hơn xưa, và một số dân biểu tại Quốc Hội Hoa Kỳ không sẵn sàng bỏ qua cung cách hành xử của nhà cầm quyền Hà Nội.

Dân biểu Frank Wolf, đại diện bang Virginia, là một trong những nhân vật được coi là người hùng tranh đấu bênh vực nhân quyền kiên cường nhất tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Lên tiếng tại một buổi tiếp tân trong tuần này được tổ chức để vinh danh những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực nhân quyền, kể cả tại Việt Nam, ông Frank Wolf nói với hàng trăm người ủng hộ ông, rằng việc duy trì một mặt trận đoàn kết để tăng sức ép đối các chính quyền đàn áp để họ phải thay đổi, là điều thiết yếu.

Dù quý vị là người Uighur, hay người Thượng, hay bất kể trường hợp nào, chúng ta nên sát cánh với nhau, cho nên bất kỳ khi nào có một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ đi thăm Việt Nam, họ sẽ nêu vấn đề của Giáo Hội Công Giáo, họ sẽ nêu vấn đề liên quan tới người Thượng, hay những vấn đề của những tín đồ Phật Giáo…

Dân biểu Frank Wolf nói với VOA rằng ông đang dùng giai đoạn thế giới đang dồn nhiều chú ý về Việt Nam để đẩy mạnh những thay đổi tại nước này. Trong một cuộc biểu quyết tại Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ được theo dõi sát, có lẽ sẽ diễn ra vào tháng 11, Dân biểu Frank Wolf tuyên bố ông sẽ biểu quyết chống đề nghị của Washington trao quy chế PNTR, tức quy chế bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn, cho Việt Nam. Lý do, theo dân biểu Wolf, là vì những cải thiện tại Việt Nam đang diễn ra một cách quá chậm chạp.

Cá nhân tôi sẽ không ủng hộ việc trao cho Việt Nam quy chế PNTR, hoặc hậu thuẫn Việt Nam gia nhập WTO. Tại Việt Nam hiện nay, vẫn còn quá nhiều sự đàn áp đối với Giáo Hội Công Giáo. Nếu chúng ta theo dõi những phúc trình về nhân quyền, thì những người Phật Giáo vẫn đang trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn. Người Thượng cũng đang trải qua một thời kỳ khó khăn. Điều mà chúng tôi yêu cầu, là Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush nên tiếp kiến một nhóm người Mỹ gốc Việt, họ là những công dân Mỹ đến từ Việt Nam, thuộc đủ mọi thành phần, trước khi Tổng Thống đi Việt Nam, để ông có thể biết được và được tận tai nghe những gì thật sự đang diễn ra tại đó…

Dân biểu Frank Wolf nói khi đến Hà Nội, Tổng Thống Bush cũng nên đòi được gặp những nhân vật bất đồng chính kiến đã mạnh dạn lên tiếng, tương tự như điều mà Tổng Thống Ronald Reagan đã làm khi ông đến thăm Liên Bang Xô Viết trong những năm 1980.

Dân biểu Frank Wolf đã từng đi thăm Việt Nam. Ông nói ông là một người mạnh mẽ ủng hộ việc liên kết những vấn đề nhân quyền với quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, một điều mà Hà Nội từ lâu đã chống đối.

Việt Nam có thể sẽ được gia nhập WTO, và PNTR. Họ hết sức mong muốn đạt được những mục tiêu ấy. Và chính vì thế mà đây là thời điểm để liên kết hai vấn đề này làm đòn bẫy để bảo đảm Việt Nam sẽ cải thiện nhiều hơn nữa về các mặt ấy.

Bà Katryn Porter, Chủ Tịch của Hội Đồng Lãnh Đạo vì Nhân Quyền, là một ủng hộ viên của Dân biểu Frank Wolf. Trong khi bà Porter bất đồng với ông Wolf về việc liên kết các vấn đề nhân quyền với thương mại, bà nói Tổng Thống Bush nên áp lực để Hà Nội giải thích vì sao họ tiếp tục bắt bớ và giam cầm những người bất đồng chính kiến bày tỏ ý kiến trên mạng, và những nhân vật khác chỉ trích chính quyền Việt Nam. Bà Porter nói:

Tôi rất quan tâm về những vấn đề đó. Họ cần phải nói lên sự thực. Chúng ta cần phải tìm hiểu những gì đang thực sự xảy ra, và Tổng Thống Hoa Kỳ cần phải nêu những vấn đề ấy ở những cấp bậc cao nhất trong các phiên họp của ông ở Việt Nam. Tôi khá tin tưởng là ông sẽ làm điều đó.

Trong khi Việt Nam vẫn còn có tên trong danh sách Các Quốc Gia cần Quan Tâm Đặc Biệt của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ liên quan tới các quyền tự do tôn giáo, thì một phúc trình của chính phủ Hoa Kỳ mới đây nhắc đến những tiến bộ đáng kể của Việt Nam liên quan tới vấn đề này. Một giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói với ĐÀI VOA rằng bà không thể tiên đoán liệu Việt Nam có sẽ tiếp tục bị ghi tên trên danh sách Các Nước Cần Quan Tâm Đặc Biệt, ấn bản mới theo dự kiến sẽ được công bố trước khi Tổng Thống Bush lên đường dự hội nghị APEC, hay không.

Một phái đoàn gồm những người Mỹ gốc Việt vận động cho tôn giáo đã tụ tập tại thủ đô Washington trong tuần này để đệ một bức thư lên Tòa Bạch Ốc, kêu gọi Tổng Thống Bush hãy duy trì Việt Nam trong danh sách Các Nước Cần Quan Tâm Đặc Biệt, và cùng lúc đòi hỏi nhà nước Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm.

Trong khi chờ đợi, vào ngày 12 tháng 10 tại Việt Nam, nhóm tranh đấu cho dân chủ 8406 đã công bố một bức thư ngỏ gửi đến các nhà lãnh đạo nước ngoài trong khối APEC, tức Diễn Đàn Hợp Tác Khu Vực Á Châu-Thái Bình Dương, kêu gọi các nhà lãnh đạo này hãy ủng hộ nhóm 8406 để đóng góp vào nền dân chủ tại Việt Nam.

Các giới chức chính phủ đã gạt sang ngoài lề những nhân vật bất đồng chính kiến bằng cách không thừa nhận sự hiện diện của những người này. Phát ngôn viên của chính phủ Việt Nam, ông Lê Dũng, mới đây nói rằng ông không hề biết về nhóm 8406. Ông Lê Dũng chỉ nói rằng mới đây, một số cá nhân đã dùng danh nghĩa dân chủ để bóp méo tình hình tại Việt Nam, gây phương hại cho quyền lợi của nhân dân Việt Nam.