Ủy viên thương mại của Liên hiệp Châu Âu, ông Peter Mandelson mô tả các biện pháp chống phá giá là thích đáng và đúng mức, trong khi ông Jacques Rostaing, chủ tịch một công ty sản xuất sản phẩm da của Pháp tại Việt Nam nói rằng các tập đoàn lớn sẽ không chịu thiệt hại mấy, vì họ là những guồng máy lớn sẽ đi tìm các nước khác để đặt hàng, nhưng các nhà sản xuất Việt Nam sẽ bị tác động nặng nề.
Theo Hiệp hội Giầy da Việt Nam, còn gọi tắt là LEFASO, khu vực giầy da địa phương tuyển dụng trực tiếp khoảng 500 ngàn nhân công, và thêm khoảng 1 triệu người làm những công việc có liên hệ đến công nghệ này. Khoảng 80 phần trăm lực lượng lao động là phụ nữ.
Tháng 6 vừa rồi, khi vấn đề được đưa ra thảo luận, tổ chức chống nghèo ActionAid ước tính rằng các sắc thuế chống phá giá sẽ ảnh hưởng đến gần 1 triệu người tại Việt Nam, nhiều người sống với mức thu nhập chỉ chừng 1 đôla một ngày.
Cục Thống kê Nhà nước Việt Nam cho biết Việt Nam thu được 2,64 tỷ đôla từ giầy dép xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phòng Thương mại Mỹ ủng hộ LEFASO và gợi ý rằng quyết định của Liên hiệp Châu Âu có thể là một biện pháp “bảo hộ mậu dịch.”
Ông Walter Blocker, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại thành phố Hồ Chí minh nói với hãng tin AFP rằng điều chưa được rõ ràng là không biết liệu trường hợp này có phải là kết quả của vấn đề về phá giá hay là một vấn đề về rào cản mậu dịch.”
Theo bài phân tích của BBC News tại Hà Nội, thì một số các hãng giầy nổi tiếng nói rằng các sắc thuế mới này chưa chắc đã giúp Châu Âu có thêm công ăn việc làm.
Bài này nêu dẫn chứng về tình trạng lương bổng của một phân xưởng làm giầy ở Hải Phòng cung cấp cho các hãng giầy nổi tiếng Clarks của Anh và Timberland của Mỹ. Các công nhân làm việc tại đây lãnh lương trung bình từ 60 đến 80 đôla một tháng. Mức lương này sẽ bị coi là tàn tệ ở châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng tại Việt Nam, mức lương đó gấp đôi số lương tối thiểu trong khu vực nhà nước.
Ông Graeme Fiddler, quản đốc của hãng Clarks tại Việt Nam cho biết bất kể các sắc thuế chống phá giá, công ty của ông sẽ không đưa công ăn việc làm trở lại Liên hiệp Châu Âu. Ông cho biết công ty sẽ duy trì phần lớn công tác sản xuất tại Việt Nam, và có thể sẽ cứu xét việc đưa một phần sang Kampuchia, Thái Lan và Ấn Độ, bởi vì Ấn Độ là một nền kinh tế đang phát triển và đã có sẵn một công nghiệp giầy dép.