Các tướng lĩnh cầm quyền tại Thái Lan đệ trình lên quốc vương bản dự thảo hiến pháp

Nhóm tướng lĩnh cầm quyền đảo chính tại Thái Lan đang soạn thảo bản hiến pháp lâm thời, và các tướng lĩnh lãnh đạo nói họ đang tiến gần tới việc đưa một thủ tướng dân sự lên nắm quyền. Từ Bangkok, thông tín viên Nancy-Amelia Collins có bài tường trình chi tiết sau đây:

Các tướng lĩnh nói họ sẽ đệ trình bản thảo hiến pháp mới lên nhà vua Bhumibol Adulyadej để ngài phê chuẩn. Họ cũng cho biết đang sàng lọc các ứng cử viên cho chức thủ tướng.

Một người phát ngôn của nhóm cầm quyền, Trung tướng Thawit Netniyon nhấn mạnh rằng bản hiến pháp này chỉ có ý nghĩa tạm thời.

Bản hiến pháp này chỉ để trao cho chính phủ lâm thời một số trọng trách để điều hành chính phủ cho đến khi Quốc hội được thành lập để soạn thảo hiến pháp mới, tiếp sau đó sẽ là cuộc tổng tuyển cử, và đến thời điểm đó bản hiến pháp lâm thời sẽ hết hiệu lực.

Cuộc đảo chính không đổ máu được tiến hành một tuần trước nhằm lật đổ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Kể từ đó nhóm đảo chính cầm quyền đã ban bố thiết quân luật, hủy bỏ bản hiến pháp hiện hành, cấm các hoạt động và hội họp chính trị và thắt chặt kiểm soát các hoạt động báo chí.

Các tướng lĩnh lãnh đạo cuộc đảo chính hứa sẽ đưa một vị thủ tướng dân sự lên nắm quyền vào tuần tới và mở bầu cử tự do vào tháng 10 năm sau.

Một nghiên cứu gia chính trị tại đại học Chualalongkorn ở Bangkok, ông Panitan Wattanayagorn cho rằng việc lựa chọn một vị thủ tướng sẽ phải đạt được hai mục đích: một là cho chính vụ đảo chính và hai là lý do lựa chọn người này lên làm thủ tướng.

Người sẽ lên nắm quyền lãnh đạo Thái Lan trong vài ngày tới sẽ ở một vị trí hết sức quan trọng bởi người đó sẽ phải đưa đất nước đi theo phương hướng hay tình huống mà có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, gồm cả việc giải quyết tình trạng tham nhũng mà nhóm đảo chính đã lấy đó làm lý do cho vụ đảo chính.

Nhóm tướng lĩnh cầm quyền cũng đã thành lập ủy ban chống tham nhũng và ủy ban này cũng hợp tác chặt chẽ với một ủy ban hiện hành, cả hai ủy ban cùng điều tra các cáo buộc tham nhũng của chính quyền của ông Thaksin.

Ủy ban mới được thành lập có quyền lực cao hơn và có quyền phong tỏa tài sản của ông Thaksin cùng các cộng sự của ông nếu có bằng chứng về sai phạm của họ. Khi vụ đảo chính nổ ra, ông Thaksin đang tham dự các phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Ông Thaksin hiện đang ở London.

Nhiều nhóm nhân quyền và chính phủ trên khắp thế giới đã chỉ trích cuộc đảo chính này. Tuy nhiên đa số người dân Thái Lan lại hoan nghênh việc lật đổ chính quyền và có rất ít các hành động phản đối diễn ra ở nước này.