Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan bắt đầu mở điều tra về các vụ hối lộ

Nhóm tướng lĩnh đảo chính đang cầm quyền tại Thái Lan đã thành lập một cơ quan chống tham nhũng đầy quyền lực để điều tra những vụ nhận hối lộ của chính quyền cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, người vừa bị lật đổ tuần trước trong một cuộc đảo chính không đổ máu. Từ Bangkok, thông tín viên Nancy-Amelia có bài tường trình chi tiết sau đây.

Bắt đầu từ ngày thứ hai ủy ban mới gồm 9 người, trong đó có các giới chức ngân hàng trung ương Thái Lan, bên khởi tố và các kiểm toán gia của chính phủ, đã bắt đầu các cuộc điều tra về những cáo buộc cho rằng các thành viên trong chính quyền của ông Thaksin đã lạm dụng quyền lực để mưu lợi cá nhân.

Quân đội Thái Lan cho hay việc họ lật đổ ông Thaksin hồi tuần trước là do chính quyền này đã tham nhũng và gây chia rẽ đất nước.

Ông Somphob Manarangsan, Trưởng khoa kinh tế tại đại học Thammasat Bangkok cho rằng những người lãnh đạo cuộc đảo chính cần thiết lập một cơ chế hiệu quả chống nạn hối lộ.

Tôi cho rằng một điều mà người dân Thái Lan lên án chính phủ là sự tham nhũng, và quân đội đảo chính đã sử dụng lý do này như một trong những lý do chính để lật đổ chính phủ của ông Thaksin. Vì vậy, tôi cho rằng sau đảo chính, họ cũng phải làm trong sạch lại đất nước.

Ủy ban mới này sẽ có một năm để hoàn tất cuộc điều tra và chuyển vụ việc này đến Tổng chưởng lý để khởi tố.

Giới lãnh đạo cuộc đảo chính đã trao cho ủy ban này quyền tịch thu hay phong tỏa tài sản của các chính trị gia và thành viên gia đình họ nếu phát hiện có tham nhũng, điều này khiến cho cơ quan này có nhiều quyền lực hơn so với cơn quan chống hối lộ hiện hành của Thái Lan.

Tuần trước giới lãnh đạo cuộc đảo chính đã phục hồi Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia để điều tra các vu ïtham nhũng nói chung, tuy nhiên ủy ban này không được phong tỏa tài sản mà chỉ được khởi tố các vụ tham nhũng ra tòa.

Ông Somphob thuộc trường đại học Thammasat University nói rằng cả hai cơ quan chống tham nhũng cần phải minh bạch để tạo dựng lòng tin của dân chúng.

Tôi cho rằng chính họ cần phải hành xử một cách rất minh bạch, rất rõ ràng, và phải có khả năng quản trị tốt, họ phải có trách nhiệm cao và có uy tín.

Ông Thaksin, từ một trùm tư bản viễn thông đã trở thành một chính trị gia, hiện đang sống lưu vong tại London, nơi mà ông nói ông đang tạm nghỉ ngơi khỏi chính trường.

Vợ của ông, bà Pojaman Shinawatra cũng đã sang London vào ngày thứ Hai. Bà và ba người con của họ giữ phần lớn tài sản của gia đình.

Người dân Thái Lan đã kêu gọi ông Thak từ chức sau khi gia đình ông kiếm được 1 tỉ 900 triệu đô la hồi tháng Giêng từ vụ bán công ty viễn thông do thủ tướng sáng lập mà không hề đóng thuế. Công chúng rất phẫn nộ trước việc nhà lãnh đạo này có thể kiếm một khoản lợi kếch xù mà không hề phải đóng thuế, các cuộc biểu tình đã diễn ra hàng tháng trời trên các đường phố của Thái Lan để phản đối vụ việc này.

Các giới chức lãnh đạo cuộc đảo chính đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật và đình chỉ hiến pháp năm 1997, cấm các cuộc hội họp chính trị và thắt chặt kiểm soát các hoạt động báo chí.

Nhóm tướng lĩnh đảo chính cũng hứa sẽ đưa một thủ tướng dân sự lên nắm quyền vào tuần tới, và tiến hành bầu cử vào tháng 10 năm 2007.

Mặc dù trong các cuộc thăm dò dư luận, hầu hết người dân Thái Lan hoan nghênh vụ đảo chính, tuy nhiên chính phủ và các nhóm nhân quyền trên khắp thế giới đã chỉ trích vụ việc này.