Tiểu Nhật Bản tại Sài Gòn

Chương trình Ngày Văn Hóa Nhật Bản được khởi sự vào ngày 17 tháng 9 tại thành phố Hồ Chí Minh để đánh dấu 33 năm ngày thiết lập các quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đây là cơ hội để đôi bên có thể tìm hiểu các sinh hoạt văn hóa của nhau, trong đó có triển lãm hình ảnh và trình diễn ca nhạc, đồng thời cũng là dịp để những người Việt biết thêm về nghệ thuật ẩm thực của Nhật và thưởng thức món Sushi độc đáo của nước này. Sau đây là một số chi tiết về một khu vực được gọi là Tiểu Nhật Bản tại Saigon, và những mối quan hệ Việt Nhật sau Thế Chiến Thứ Hai, do Trần Nam ghi nhận qua các nguồn tin từ Việt Nam và tại Hoa Kỳ:

Theo các tin tức được phổ biến trên VietnamNet thì cùng với khu vực có sự hiện diện đông đảo của người Tây Phương trên các con đường Phạm Ngũ Lão và Đề Thám, hay khu vực người Hàn Quốc ở chung quanh đường Phạm Văn Hai ở Quận Tân Bình, khu vực được gọi là Tiểu Nhật Bản tại Saigon ở đường Lê Thánh Tôn đã làm cho hình ảnh của đời sống tại Saigon trở nên sinh động và nhiều màu sắc hơn.

Trong 5 năm qua, nhiều người Nhật đã đến cư ngụ tại khu vực này và dần dần nó đã trở thành một cộng đồng nhỏ bé của người Nhật tại Sài Gòn.

Theo thời gian, người dân địa phương cũng đã trở nên quen thuộc với những Bảng hiệu của Nhật hay những cái tên của Nhật như Umi, Nagomi, Sanshimai, Toyota, Zen, Kishu.

Người ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt về cách thức trang trí của những hiệu buôn và các nhà hàng ăn của người Nhật tại khu vực này so với những cửa hàng trong khu vực có nhiều người Tây phương. Trong khi tại khu vực Tây phương các tiệm buôn và hàng ăn đều luôn luôn mở cửa, đôi khi bàn ghế và hàng hóa đều bày cả ra ngoài vỉa hè, thì những cửa hàng ở khu phố Nhật Bản thường hay đóng kín.

Lúc đầu khu vực này chỉ có vài nhà hàng ăn để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của một số người Nhật cư ngụ trong khu vực này. Tuy nhiên con số nhà hàng đã gia tăng nhanh chóng để đáp ứng với nhu cầu ẩm thực càng ngày càng tăng của người Nhật tại đây.

Theo các con số thống kê thì trong khoảng 52 nhà hàng của Nhật tại Saigon, có đến 20 hàng ăn nằm trong khu vực Tiểu Nhật Bản.

Thức ăn với tất cả vật liệu nấu nướng được nhập khẩu từ Nhật Bản và bầu không khí rất Nhật trong khu vực này đã khiến cho nhiều người Nhật xa xứ có cái cảm giác như đang sống tại quê nhà.

Ông Kazumi Nakamura, một giáo sư dạy tiếng Nhật tại Việt Nam nói rằng ông thích những món ăn tại đây vì chúng có hương vị giống những những món ăn tại Nhật nhưng giá tiền thì chỉ bằng khoảng phân nửa.

Theo tin trong nước thì có khoảng 500 gia đình người Nhật tại thành phố Hồ Chí Minh, trong số đó có đến 300 gia đình sống trong khu vực Tiểu Nhật Bản, mà hầu hết đều có công ăn việc làm vững chắc tại các công ty hoặc các cơ sở khác trong thành phố này.

Cũng có người cho rằng khu vực Tiểu Nhật Bản tại Sài Gòn là rất khác biệt so với các khu vực của người Nhật tại Hawaii, tại Bangkok hay tại Thượng Hải. Sự khác biệt đó là tại khu Tiểu Nhật Bản ở Saigon, các gia đình người Nhật, người Việt, và những gia đình người nước ngoài khác đều sống trong một bầu không khí cộng đồng cởi mở hơn, và dường như không có một biên giới nào giữa những người Nhật hay người Việt, trong khi các khu vực Tiểu Nhật Bản ở những nước khác là hoàn toàn riêng biệt và chỉ có người Nhật mới sống trong những khu vực đó. Sự kiện này đã khiến cho cộng đồng người Nhật tại Sài Gòn trở nên đa dạng hơn.

Một phụ nữ Nhật sống tại Việt Nam khoảng 3 năm nay là bà Mayumi nói rằng chỉ có sống tại Việt Nam thì bà mới biết được thế nào là các mối dây thân hữu nồng ấm với những người láng giềng. Chẳng hạn như trong vùng phụ cận Tokyo, bà đã sống tại đó mà không hề biết một điều gì về những người hàng xóm của bà. Tuy nhiên ở Việt Nam thì khác. Bà kể lại rằng có một hôm bà bước ra khỏi nhà thì một phụ nữ sống ở gần đó lân la đến hỏi bà những câu, đại loại như tại sao chồng bà trở về Nhật lâu thế, và tôi nghe nói bà sẽ đi Hà Nội trong tuần tới phải không?

Lúc đầu bà Mayumi cảm thấy rất khó chịu với những câu hỏi như thế nhưng dần dần bà trở nên quen thuộc với cái tính tò mò kiểu này và nhận thấy rằng người Việt rất thân thiện, và nhờ đó bà không còn cảm thấy cô đơn mỗi khi chồng bà phải đi xa.

Trong khu vực này tiệm cà phê Utopia đã được xem là điểm nối kết giữa những người sống trong khu vực này, cũng như giữa cộng đồng người Nhật tại Sài Gòn với Nhật Bản. Người quản lý của tiệm cà phê này, ông Ebuchi Shinya đã khởi đầu việc kinh doanh của ông vào năm 2000 và dần dần biến cơ sở này thành một nửa bán cà phê và một nửa là thư viện, trong đó có đủ các loại sách báo từ bên Nhật gửi sang. Đây cũng là nơi cung cấp những thông tin cần thiết cho những người Nhật mới đến muốn biết về đời sống tại Việt Nam, cũng như cho những người Việt Nam muốn đi thăm nước Nhật.

Hai người Nhật làm chủ quán cà phê này và một người Nhật khác trong cộng đồng của họ đã thực hiện một ngân quĩ dành cho những người Việt mà họ nói là các nạn nhân hóa chất màu da cam. Dưới sự quản trị của Hiệp Hội Y Sĩ Kyoto, họ đã tài trợ cho một bệnh xá ở Tây Ninh, nơi đã săn sóc sức khỏe cho khoảng 50 bệnh nhân mỗi ngày. Ông Ebuchi nói rằng công tác đó đã làm cho họ cảm thấy hữu ích hơn trong khi sống tại Việt Nam.

An toàn, yên tĩnh và cuộc sống dễ dàng là điều mà một số người Nhật cư ngụ tại đây ưa thích.

Đối với bà Mayumi thì bà thích nơi này vì sự tiện lợi mặc dù tiền thuê nhà là 500 đô la một tháng, một số tiền không nhỏ đối với bà. Bà chỉ cần khoảng 5 phút là có thể đi đến trung tâm thành phố. Cũng theo lời bà thì tại đây chẳng những có thức ăn Nhật mà thức ăn Việt Nam cũng rất ngon, và bà có thể thay đổi thực đơn hằng ngày trong gia đình bằng các loại thực phẩm tại địa phương.

Đối với nhiều người Việt thuộc thế hệ thứ nhất đặt chân đến Hoa Kỳ sau tháng 4 năm 1975 thì những ký ức về người Nhật trong quá khứ tại Việt Nam cũng cay đắng chẳng khác nào những người Trung Hoa và Triều Tiêu khi nhớ lại những gì đã xảy ra trong thời kỳ đất nước của họ bị quân đội Nhật chiếm đóng trong Thế Chiến Thứ Hai.

Đó là cái chết vì nạn đói của khoảng 2 triệu người Việt tại miền Bắc vào mùa Hè năm 1945 dưới thời kỳ thống trị của Nhật Bản sau khi Nhật đánh bại Pháp tại Việt Nam vào ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945.

Mải đến khi Nhật đầu hàng vô điều kiện vào tháng 8 và ký hiệp ức đầu hàng hồi đầu tháng 9 năm 1945 thì quân đội Nhật mới bắt đầu vắng bóng tại Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam vẫn là nơi mà người Nhật muốn trở lại dù dưới bất cứ hình thức nào.

Theo các tài liệu trong các Thư Viện và Văn Khố Hoa Kỳ thì trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam từ các thập niên 1960 và 1970 Nhật Bản đã khuyến kích một sự dàn xếp chấm dứt chiến tranh. Ngay cả khi cuộc chiến chưa kết thúc, Nhật Bản cũng đã tìm cách liên lạc với Bắc Việt và đạt được một thỏa thuận thiết lập bang giao với Hà Nội vào tháng năm 1973. Tuy nhiên việc thực thi thỏa hiệp này đã bị đình hoãn vì Hà Nội muốn Nhật Bản phải trả cho Miền Bắc một số tiền được gọi là bồi thường thiệt hại trong Thế Chiến Thứ Hai, tương đương với 45 triệu đô la trong hạn kỳ là 2 năm dưới hình thức viện trợ hợp tác kinh tế. Đáp ứng đòi hỏi của Việt Nam, Nhật Bản đã trả số tiền này và chính thức thiết lập một Sứ Quán tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1975 sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc.

Ngày nay, các mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đã được đặt trên cơ sở phát triển kinh tế và vai trò của Nhật trong lãnh vực đầu tư và viện trợ tại Việt Nam.

Theo một cuộc khảo sát mới đây nhất của Tổ Chức Ngoại Thương Nhật Bản thì hiện nay Việt Nam là nơi lựa chọn đầu tiên của các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong số các nước ASEAN, nhất là trong lãnh vực sản xuất.

Còn theo Cơ Quan Đầu Tư Nước Ngoài thuộc Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam thì vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 2004 đến năm 2005, và trong 3 tháng đầu của năm 2006 con số này đã cao hơn 5 lần so với cùng thời kỳ này năm ngoái.

Và vì vậy người ta có lý do để tin rằng khu vực Tiểu Nhật Bản có thể sẽ còn phát triển nhiều hơn trong một tương lai gần, chẳng những tại Sài Gòn mà còn tại một số thành phố lớn khác ở Việt Nam.