Nhật Bản đã áp dụng biện pháp trừng phạt tài chánh đối với Bắc Triều Tiên vì hành động khiêu khích của nước Cộng sản này qua việc cho phóng thử nghiệm các phi đạn cách đây 2 tháng.Từ Tokyo, TTV đài VOA, Steve Herman, gởi về bài tường trình chi tiêt sau đây.
Lệnh trừng phạt này có hiệu lực đối với việc cấm bất cứ một cá nhân, hay tổ chức, nào có liên hệ với chương trình phi đạn, hay chế tạo vũ khí có sức tàn phá qui mô của Bình Nhưỡng, chuyển tiền từ Nhật Bản sang Bắc Triều Tiên.
Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm nay tuyên bố hành động của chính phủ Nhật phù hợp với một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, lên án việc Bình Nhưỡng cho phóng thử nghiệm các phi đạn hồi tháng 7.
Ông Abe cho biết ông không biết Bình Nhưỡng sẽ phản ứng như thế nào, nhưng ông nói thêm rằng ông hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ lưu ý đến hành động của Liên Hiệp Quốc bằng cách ngưng ngay lập tức các hành động khiêu khích qua việc phóng thử nghiệm phi đạn, và quay lại bàn hội nghị 6 nước để bàn về chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ, cũng như thực hiện lời cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân mà họ đã đưa ra.
Ông Abe, người nổi tiếng về lập trường “diều hâu” của ông đối với Bắc Triều Tiên, là người sẽ kế nhiệm Thủ tướng Junichiro Koizumi lãnh đạo nước Nhật vào tuần tới sau khi đảng Dân chủ tự do chọn tân lãnh tụ đảng vào ngày thứ Tư.
Bộ trưởng tài chính Nhật, ông Sadakazu Tanigaki, cho biết biện pháp trừng phạt có hiệu lực ngay tức khắc.
Ông Tanagaki giải thích rằng hành động của chính phủ nhắm vào 15 nhóm và một cá nhân có liên hệ với Bắc Triều Tiên. Ông cho biết thêm là chính phủ sẽ kiểm tra các cơ sở tài chánh Nhật để bảo đảm là họ tuân thủ lệnh trừng phạt, mà theo ông sẽ tác động đáng kể đối với Bắc Triều Tiên.
Hôm nay, chính phủ Australia cũng ban hành các biện pháp trừng phạt tài chánh tương tự như của Nhật Bản đối với Bắc Triều Tiên. Bộ trưởng ngoại giao Alexander Downer của Australia gọi các biện pháp trừng phạt này nhất quán với lập trường của quốc tế mạnh mẽ chống lại việc phổ biến vũ khí có sức tàn phá qui mô.
Các biện pháp chế tài được đưa ra đúng một năm sau ngày Bắc Triều Tiên thỏa thuận với Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga là sẽ đình chỉ chương trình hạt nhân của họ. Để đổi lại, quốc gia nghèo khó này sẽ nhận được cam kết viện trợ về năng lượng và hợp tác về kinh tế.
Tuy nhiên từ ngày đó đến nay, Bình Nhưỡng đã từ chối không chịu quay lại đàm phán về việc thực thi thỏa hiệp đã đạt được.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã áp đặt các trừng phạt tài chánh đối với một số công ty Bắc Triều Tiên bị cáo buộc làm bạc giả và rửa tiền, và Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không quay lại bàn hội nghị cho tới khi nào Washington bãi bỏ sự trừng phatï đó.
Nhật Bản và Bắc Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao, nhưng giữa hai nước có sự trao đổi mậu dịch hạn chế và nhiều người Triều Tiên sinh sống tại nước Nhật vẫn gởi tiền về Bắc Triều Tiên. Số tiền lên tới hằng trăm triệu đôla được gởi từ Nhật về nước mỗi năm là một nguồn tài trợ chủ yếu về kinh tế cho Bắc Triều Tiên.