World Bank và IMF: Chống tham nhũng sẽ là mục tiêu chính

Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế đã đưa vấn đề chống tham nhũng làm mục tiêu chính cho cuộc gặp thường niên được nhóm họp từ ngày 19 tháng 9 tại Singapore. Tổ chức tài chính quốc tế cho biết, những người nghèo là những người chịu tổn hại nhiều nhất do tham nhũng, bởi các khoản ngân sách dành cho phát triển bị rút ra để bỏ vô túi các quan chức và giai cấp thượng lưu trong xã hội. Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ trích cho rằng, quá chú trọng vào vấn đề tham nhũng sẽ khiến cho các nguồn lực dành cho phát triển bị phân tán. Phóng viên Daniel Schearf của đài VOA có bài tường thuật như sau:

Ngân hàng thế giới cho biết nạn tham nhũng đã giảm ở các nước cộng sản cũ ở Đông Âu và Trung Á, tuy nhiên các nước đang phát triển khác vẫn đang phải đấu tranh với vấn nạn này.

Trong năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã ngưng các khoản vay có giá trị hàng triệu đô la cho các nước như Kenya, Bangladesh, Yemen và Uzbekistan do quan ngại về nạn tham nhũng và thiếu minh bạch.

Bà Nancy Boswell, trưởng văn phòng chống tham nhũng của Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International) tại Hoa Kỳ nói rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một sự thay đổi lớn của ngân hàng, và nó cho thấy ngày càng có nhiều quan ngại đối với vấn đề bòn rút công quỹ như là một rào cản đối với công tác giảm nghèo.

Ông Paul Wolfowitz, trên cương vị chủ tịch mới của Ngân Hàng Thế giới, nói rõ rằng tham nhũng là một trở ngại lớn cho các mục tiêu xoá đói nghèo của Ngân Hàng Thế giới, và quý vị cũng đã được nghe nhận định của ngân hàng rằng khoản tiền hối lộ hàng năm đã lên tới hơn một nghìn tỉ đô la. Chúng ta phải đối mặt với một vấn đề hết sức nghiêm trọng bất cứ khi nào khoản tiền đó bị phân tán và không được sử dụng đúng mục đích”.

Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa vào danh sách đen những công ty và cá nhân mà tổ chức này cho rằng có tham nhũng.

Ngân hàng đã cấm hơn 330 công ty và cá nhân không được hoạt động trong các dự án do Ngân Hàng Thế giới tài trợ, kể từ khi Ngân hàng bắt đầu cuộc chiến chống tham nhũng.

Bà Nancy Boswell cho hay việc đưa vào danh sách đen các công ty có tham nhũng cần được tiến hành rộng rãi, và thông tin này cần được chia sẻ giữa các tổ chức cho vay cũng như được công bố trước công chúng.

Bà nói thêm, các tổ chức cho vay không nên e ngại việc đình chỉ hay ngưng các khoản vay nếu thấy quan ngại về tham nhũng, tuy nhiên ngưng viện trợ một cách hoàn toàn chỉ nên được sử dụng như biện pháp cuối cùng.

Cắt viện trợ nên được tiến hành trong những trường hợp đặc biệt nhất khi cảm thấy không tin tưởng rằng chính phủ đó sẽ sử dụng khoản viện trợ đúng mục đích. Trong trường hợp đó, tôi cho rằng chúng ta cần tìm các giải pháp khác để tiếp cận chính phủ, thay đổi phương thức viện trợ, làm việc trực tiếp với các tổ chức xã hội, và với những nhóm hay tổ chức có khả năng giúp đưa được những khoản viện trợ này đến đúng đối tượng”

Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ đưa ra thêm chiến lược chống tham nhũng tại cuộc họp thường niên với Tổ chức Tiền tệ Quốc tế tại Singapore trong tuần này.

Năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã cho các nước đang phát triển vay gần 3 tỉ đô la để tài trợ cho các dự án tăng cường quản trị quốc gia, hệ thống luật pháp, cải cách khu vực nhà nước. Ngân hàng cũng đã chi 10 triệu đô la để điều tra và có các biện pháp trừng phạt đối với các hành động tham nhũng.

Tuy nhiên một số người chỉ trích cho rằng, Ngân Hàng Thế giới tập trung quá nhiều đến vấn đề tham nhũng và cần thận trọng để không sao lãng sứ mệnh của mình là đẩy mạnh phát triển.

Bà Lucy Hayes, một giới chức về xóa đói giảm nghèo của Mạng lưới về Nợ và Phát triển của Châu Âu tại Brussels, phát biểu rằng Ngân hàng Thế giới cần tìm các biện pháp loại trừ nguyên nhân của tham nhũng chứ không phải tìm triệu chứng của vấn nạn này.

Tôi nghĩ rằng trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng được quảng bá rầm rộ mà Ngân hàng Thế giới tiến hành gần đây, mối quan hệ giữa tham nhũng và sự không phát triển của một quốc gia cũng tỏ ra hơi trắng đen và hơi đơn giản. Tham nhũng không phải là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo mà chính đói nghèo là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng”

Ngân hàng Thế giới cũng bị chỉ trích về việc giữ kín các quyết định và dự án hợp tác với các quốc gia như là những hoạt động riêng của tổ chức này.

Bà Lucy Hayes nói rằng Ngân hàng cần minh bạch hơn trong cách thức cho vay và tài trợ cho các dự án nếu muốn tiến hành một cách nghiêm túc cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Ông Wolfowitz đã phát biểu rằng một tổ chức quản trị tốt là một tổ chức minh bạch và có trách nhiệm. Nhưng chỉ đánh giá mình trên phương diện một tổ chức thì cũng chưa hẳn là minh bạch hay có trách nhiệm cao"

Ngân hàng đã quyết tâm tăng cường trách nhiệm của mình và đã ban hành những yêu cầu công khai về tài chính đối với các giới chức cao cấp và gia đình họ.

Trong tháng 8, ngân hàng đã khởi động chương trình phát hiện sai phạm bằng cách kín đáo dành quyền miễn tố cho những công ty nào đã công nhận các hành động tham nhũng của họ trong quá khứ và hứa hẹn sẽ làm trong sạch các hoạt động của họ trong tương lai.

Sau khi đã thành công trong vụ lấy lại được khoản tiền nửa tỉ đô la từ cựu độc tài Nigeria, Sani Abacha, tháng này Ngân hàng cũng thông báo một biện pháp mới nhằm giúp các nước nghèo lấy lại những tài sản đã bị giới lãnh đạo tham nhũng đánh cắp.