Phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ

Phúc trình thường niên của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới phổ biến hôm thứ sáu đã chỉ trích một số nước và nêu lên các tiến bộ của một số nước. Việt Nam nằm trong số các nước sau, như trong bài tường trình do Thông Tín Viên David Gollust gửi về từ trụ sở Bộ Ngoại Giao.

Phúc trình này là công việc hàng năm của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, để tuân thủ bộ Luật về Tự do Tôn giáo quốc tế được Quốc Hội phê chuẩn năm 1998. Phúc trình năm nay được công bố chỉ vài ngày sau khi kỷ niệm 5 năm xảy ra sự kiện ngày 11 tháng 9.

Phúc trình ghi nhận Việt Nam có những cải tiến đáng kể về tự do tôn giáo trong năm vừa qua, xuất phát từ những cam kết mà chính phủ Hà Nội đã đưa ra cho chính phủ Hoa Kỳ trong những lần trao đổi công hàm vào tháng 5 năm 2005.

Tại cuộc họp báo để giới thiệu tổng quát về phúc trình, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Condoleezza Rice, nói rằng vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 làm người Mỹ ý thức nhiều hơn về sự đa dạng tôn giáo trong nước, giúp họ quyết tâm hơn trong việc duy trì những lý tưởng của một xã hội dân chủ, trong đó bảo vệ và tôn trọng những khác biệt tôn giáo.

Tự do tôn giáo đã bám rễ thật sâu vào những nguyên tắc và lịch sử của quốc gia Hoa Kỳ. Tự do đó bây giờ đã trở thành một phần trong các nỗ lực của Hoa Kỳ để chống lại chủ nghĩa khủng bố và những tư tưởng thù hận đưa đến chủ nghĩa đó. Trong thế giới ngày nay, mục tiêu của Hoa Kỳ – phát huy tự do và dung chấp tôn giáo ra bên ngoài biên giới quốc gia – là một thành tố càng quan trong hơn cả, cho nền an ninh quốc gia.

Phúc trình hằng năm nói về tự do tôn giáo của gần 200 quốc gia và vùng lãnh địa trên khắp thế giới, được dựa trên báo cáo của các nhà ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ công tác tại những nơi đó.

Bộ luật năm 1998 của Quốc Hội buộc phải có biện pháp trừng phạt những quốc gia nào xét thấy có vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất.

Năm ngoái , các quốc gia nằm trong danh sách cần quan tâm đặc biệt, thường gọi là danh sách CPC, là Trung Quốc, Eritrea, Iran, Miến Điện, Bắc Triều Tiên, Ả rập Saudi, Sudan và Việt Nam.

Ông John Hanford, Đại sứ về Tự do Tôn giáo nói tại cuộc họp báo rằng vài tuần lễ nữa bộ Ngoại Giao mới loan báo danh sách CPC mới. Điều này gợi ý cho thấy có thể sẽ có những cuộc điều đình vào phút chót với những nước có thể được nêu tên trong danh sách này.

Nhưng khi được hỏi dồn dập, ông Hanford có vẻ như muốn tiết lộ Uzbekistan sẽ được thêm vào danh sách CPC, vì quốc gia ở vùng Trung Á này vốn đã là một quốc gia khép kín nhật trong khu vực , và bây giờ lại đưa ra thêm những biện pháp mà ông gọi là “đáng hổ thẹn” để ngăn cản người dân trong chuyện hành đạo.

Ông Hanford nói luật mới tại Uzbekistan gây khó khăn cho những ai không theo Hồi giáo, và ngay cả nhiều nhóm Hồi giáo cũng bị nghi là có liên hệ với các phần tử cực đoan chính trị.

Vấn đề nghiêm trọng nhất tại Uzbekistan trong vài năm qua, là bắt giam vô cớ những người theo đạo Hồi bình thường, có lẽ chỉ vì họ đọc kinh 5 lần một ngày. Và cũng có lẽ chỉ vì họ để râu dài, hoặc chỉ vì ngoại hình có những nét nào đó, họ bị nghi là các liên hệ với khủng bố. Trong vài trường hợp , những người này đã bị đối xử tàn tệ.

Phúc trình của bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc vẫn còn yếu kém trong việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tự do lương tâm, nhất là đối với những nhóm tôn giáo và phong trào tâm linh không đăng ký với nhà nước.

Tại Iran, phúc trình cho rằng tình hình tự do tôn giáo ngày càng xuống cấp, sau khi Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad được bầu lên hồi năm ngoái. Ngoại trừ một vài bảo đảm trên danh nghĩa đối với các tôn giáo nhỏ, lời nói và hành động của chính quyền Iran tạo ra một không khí đe dọa cho hầu hết những người không theo phái Hồi giáo Shia.

Chính phủ tại Ả rập Saudi được phúc trình khen ngợi là có cố gắng để giảm bớt hiện tượng bất dung chấp tôn giáo, mặc dù vẫn cấm những nghi thức tôn giáo vượt ra ngoài khuôn khổ Hồi giáo Sunni đã được chính quyền quy định. Đại sứ Hanford nói rằng Ả rập Saudi cũng có cố gắng loại ra khỏi sách giáo khoa một số nhận xét tiêu cực đối với các tôn giáo khác, và lãnh đạo của Ả rập Saudi cũng bớt chỉ trích các tôn giáo khác ở những nơi công cộng.

Chúng tôi cảm thấy rất khích lệ trước thái độ và sự đáp ứng của chính phủ Ả rập Saudi. Chúng tôi cũng được khích lệ bởi một số tuyên bố của vua Abdullah, mà tôi nghĩ rằng đang hướng đến chuyện phát huy sự dung chấp, và ông đã lên tiếng trước hội nghị các quốc gia Hồi giáo để kêu gọi có thêm dung chấp. Chúng tôi cho rằng Ả rập Saudi đang đi đúng hướng.

Đại sứ Hanford cho hay tại Sudan, mặc dù có những chứng từ về vi phạm nhân quyền tại khu vực Darfur, người Ky-tô giáo và người thuộc các tôn giáo khác tại miền Nam đã có thêm chút tự do hành đạo, nhờ có hiệp định hòa bình Nam Bắc năm ngoái. Đại sứ Hanford nói rằng mặc dù chính phủ và Quốc Hội Sudan đã có thêm một số thành viên không phải là Hồi giáo, một số vấn đề vẫn còn tồn tại ở thủ đô Khartoum, vì vẫn còn nhiều người muốn áp đặt luật lệ Hồi giáo khắt khe đối với những ai đang sống tại đó.