Trung Quốc hy vọng Đài Loan giữ được tình trạng ổn định

Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc cho biết họ hy vọng Đài Loan vẫn giữ được tình trạng ổn định trong khi những người phản đối trên đảo quốc này đòi Tổng thống Trần Thủy Biển phải từ chức. Từ Bắc Kinh TTV đài VOA, Luis Ramirez, gởi về bài tường trình chi tiết:

Tuy là những kẻ thù gay gắt của Ông Trần Thủy Biển, các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc hôm nay tỏ dấu cho thấy là họ không muốn thấy chính phủ Đài Loan bị sụp đổ vì những vụ bạo động.

Ông Lý Duy Nhất, phát ngôn viên Văn phòng Đài Loan sự vụ của chính phủ cộng sản Trung Quốc, nói với các phóng viên báo chí rằng Bắc Kinh, theo nguyên văn lời ông, không muốn nhìn thấy những biến động bất hạnh xảy ra trên đảo quốc Đài Loan.

Ông Lý nói rằng nhân dân Đài Loan là đồng bào ruột thịt của nhân dân Trung Quốc cho nên Trung Quốc thành thật hy vọng Đài Loan có được một xã hội ổn định và phát triển về kinh tế để dân chúng có một cuộc sống an bình và hạnh phúc.

Đài Loan trở thành một đảo quốc tự trị từ năm 1949 khi Quốc dân đảng dưới quyền lãnh đạo của Ông Tưởng Giới Thạch bỏ chạy khỏi Hoa Lục sau khi bị đảng cộng sản của Mao trạch Đông đánh bại. Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc thề sẽ chiếm Đài Loan bằng vũ lực nếu đảo quốc này tuyên bố độc lập.

Tổng thống Trần Thủy Biển đã khiến Trung Quốc phẫn nộ khi ông đẩy mạnh việc ban hành một bản hiến pháp mới và nhiều biện pháp khác mà giới lãnh đạo ở Hoa lục diễn giải là Đài Loan tiến tới việc tuyên bố độc lập. Giới truyền thông do nhà nước kiểm soát tại Trung Quốc đã Loan tải nhiều tin tức nói rằng nhiều ngàn người chống đối ông Trần Thủy Biển biểu tình tại Đài Bắc đòi ông phải từ chức.

Hành động này nhằm hỗ trợ các nỗ lực của nhà cầm quyền Trung Quốc miêu tả Đài Loan đang trong tình trạng chia rẽ về chính trị và không thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, phát biểu hôm qua của chính phủ Trung Quốc là một chỉ dấu khác cho thấy Bắc Kinh không coi việc Tổng thống Trần Thủy Biển bị dân chúng lật đổ là một diễn biến tích cực.

Theo các nhà phân tích thì để cho nhân dân Trung Quốc nhìn thấy một thí dụ là các phong trào quần chúng đông đảo có thể thay đổi chính phủ như thế nào là điều cuối cùng mà giới lãnh đạo Trung Quốc muốn thấy.