Hàng trăm nông dân Việt Nam đã tụ tập trước một công sở ở trung tâm Hà Nội để phản đối việc trưng dụng đất của họ cho một dự án phát triển gia cư của nhà nước. Sự kiện trước đây chưa từng có này nay bắt đầu trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Từ Hà Nội, phái viên Matt Steinglass ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật như sau:
Trong mấy ngày vừa qua, hàng trăm nông dân từ Hưng Yên ở gần Hà Nội đã chiếm đóng lề đường nguyên một khu phố. Người biểu tình nói rằng họ muốn đại diện cho 3,000 người ở 3 xã khác nhau.
Họ phẫn nộ về quyết định của chính phủ trưng dụng khoảng 500 hecta đất để biến thành một khu gia cư tư nhân. Họ nói rằng khoản tiền bồi thường trả cho họ quá thấp.
Bà Nguyễn thị Hiền, chuyên trồng cây cảnh, nói rằng nông dân không hề tham gia vào những cuộc thảo luận về việc chiếm dụng đất này. Bà cho biết họ được lệnh phải nhận chưa đầy 4 đôla cho mỗi mét vuông, trong khi bà có thể kiếm được khoảng 25 đôla mỗi mét vuông cho mỗi mùa thu hoạch.Những người xây dựng dự án là một tổ hợp đầu tư tư nhân có tên là Việt Hưng Limited. Dự án của họ đã được nhà nước chấp thuận cách đây 2 năm.
Ông Nguyễn Bát Khách, phó chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã Hưng Yên, nói rằng chính phủ đã theo đúng luật lệ trong dự án. Ông nói rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận dự án khi ông còn giữ chức phó thủ tướng. Những cuộc biểu tình như thế này cực kỳ hiếm khi xảy ra tại Việt Nam.
Tụ họp công cộng không có phép của nhà nước là bất hợp pháp, và những người tổ chức có thể bị bắt giữ. Nhưng những chủ đất căm hận việc chính phủ chiếm dụng đất. Giá đất tại Việt Nam đã tăng vọt trong những năm gần đây; giá địa ốc ở trung tâm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có thể cao ngang với Tokyo.
Các nỗ lực của nhà nước sử dụng đất, ngay cả cho các mục đích công cộng như làm xa lộ và khu công nghiệp đã bị địa phương phản đối kịch liệt. Dân làng đã ném đá vào các viên chức tìm cách xây một sân golf ở ngoại thành Hà Nội, và những nhóm nhỏ người biểu tình thường đến thủ đô để phản đối vào thời gian Quốc hội họp.
Chuyên gia về Việt Nam, ông Martin Gainsborough thuộc trường đại học Bristol nói rằng sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam khiến không thể tránh được những xung đột như thế.
“Tôi cho rằng công nghiệp hóa không thể nào tránh khỏi được việc đẩy dân chúng ra khỏi đất đai và đưa họ vào làm việc tại các nhà máy. Công nghiệp hóa còn có nghĩa là đẩy họ ra khỏi đất đai để có thể theo đuổi các dự án phát triển loại này.”
Nhưng những cuộc biểu tình lớn như cuộc biểu tình trong tuần này là một sự kiện khác thường. Trong những tháng vừa qua, tin cho hay các cuộc biểu tình về vấn đề đất đai cũng đã xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Các cuộc biểu tình diễn ra trong một bầu không khí ngày càng cởi mở về chính trị, đã bắt đầu trước Đại hội Đảng Cộng sản hồi tháng tư năm nay.
Các cơ quan truyền thông trong nước ngày càng chỉ trích các chính sách của chính phủ, và mùa hè này đã chứng kiến một đợt tố cáo các hiện tượng tham nhũng trong chính phủ. Người nông dân biểu tình là bà Hiền tỏ ra vui mừng là đất nước ngày càng cởi mở hơn.