Các nước đề nghị gởi binh sĩ và trợ giúp cho lực lượng LHQ tại Libăng

Một số quốc gia đã đề nghị gởi binh sĩ, hoặc cung cấp về hậu cần và các trợ giúp khác, cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Liban. Các cuộc thảo luận về tầm vóc và cơ cấu của một lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế đã diễn ra sau khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết nhằm chấm dứt của cuộc giao tranh giữa Israel và tổ chức khủng bố Hezbollah. Từ Washington, TTV đài VOA Stephanie Ho có bài tường trình sau đây.

Đại diện của trên 20 quốc gia đã họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc trong ngày hôm qua thứ năm để thảo luận về tầm vóc và cơ cấu của một lực lượng gìn giữ hòa bình trợ giúp cho quân đội Liban duy trì hòa bình ở nam bộ Liban.

Chưa có con số nhất định về quân số được loan báo tại cuộc họp, trong đó đại diện các nước cho biết là nhằm trình bày khái niệm của lực lượng duy trì hòa bình Liên Hiệp Quốc, được gọi tắt là UNIFIL, và các qui định hành xử của lực lượng này.

Phó đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ông Alejandro Wolff, cho biết Hoa Kỳ không dự trù đóng góp quân số cho sứ mạng hòa bình này, nhưng sẽ cung cấp về hậu cần và hỗ trợ về mặt thiết kế. Ông Wolff nhấn mạnh rằng mối quan tâm chính của Washington là làm cách nào nhanh chóng bố trí thêm các binh sĩ quốc tế.

Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu khẩn cấp phải đáp ứng nghị quyết 1701 kêu gọi các quốc gia tăng cường UNIFIL. Việc này được thực hiện càng sớm càng tốt

Liên Hiệp Quốc hy vọng, trong vòng 10 ngày, sẽ gởi thêm 3,500 binh sĩ đến tham gia cùng 2,000 binh sĩ gìn giữ hòa bình khác đã có mặt ở Liban từ trước. Sứ mạng của UNIFIL, theo trông đợi sẽ bao gồm 15,000 binh sĩ quốc tế, là để yểm trợ cho 15 ngàn binh sĩ Liban hiện đã bắt đầu di chuyển đến nam bộ Liban.

Anh đề nghị hỗ trợ về dịch vụ đường biển và hàng không và đại sứ Đức tại Liên Hiệp Quốc Thomas Matussek cho biết nước ông cũng sẵn sàng đóng góp cho UNIFIL.

Chúng tôi sẽ đóng góp một đơn vị hải quân đáng kể, có khả năng tuần phòng tất cả vùng duyên hải của Liban để bảo đảm không để cho vũ khí, hay các loại vật liệu thuộc vũ khí, được đưa vào Liban.

Đại sứ Matussek nói thêm rằng nước Đức cũng sẵn sàng đóng góp binh sĩ giúp canh phòng khu vực biên giới giữa Liban và Sirie.

Tướng Alain Pellegrini của Pháp, người lãnh đạo UNIFIL, cho biết ông hoan nghênh việc đưa thêm binh sĩ gìn giữ hòa bình đến Liban

Một lực lượng UNIFIL mới sẽ hùng mạnh hơn, và được tăng cường thêm quân số, nhất là với các qui định mới về hành xử để UNIFIL có thể thi hành sứ mạng được giao phó.

Tướng Pellegrini nói rõ là sứ mạng đó không bao gồm chuyện giải giới các thành phần chủ chiến Hezbollah, một vấn đề được coi là “vấn đề của Liban”.

Lập trường của Tướng Pellefrini đã được ông Wolff, Phó đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, phản ảnh khi nói rằng sứ mạng của UNIFIL là yểm trợ cho chính phủ Liban. Ông nói thêm rằng binh sĩ Liban nhiên hậu sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm rằng không còn một thành phần vũ trang nào hiện diện trên đất nước họ ngoài các lực lượng thuộc thẩm quyền của chính phủ Liban.