Chuẩn bị cho tuổi già

Nhiều phụ nữ trung niên Mỹ có các con đã lớn và trở lại làm việc, nay lại thấy mình vẫn rơi vào tình trạng lúc nào cũng vất vả ngược xuôi, cố gắng cân bằng việc tiến thân trong sự nghiệp với việc chăm sóc cho cha mẹ già. Theo bài tường thuật của biên tập viên Faiza Elmasry, vấn nạn này có thể được giải quyết êm đẹp hơn, nếu cả người phải chăm sóc và người được chăm sóc được chuẩn bị sẵn sàng. Chi tiết được trình bầy trong Câu Chuyện Phụ Nữ sau đây.

Nữ tiếp viên hàng không Gina Petruccelli là người đảm trách việc chăm sóc cho mẹ già 84 tuổi.

“Mọi người vẫn hỏi tôi “Tại sao bà lại phải làm công việc đó?” và tôi vẫn thầm nghĩ “Làm sao tôi có thể không làm được?”

Bà Petruccelli kể lại trên chương trình Tin tức buổi sáng của đài ABC bà đã chăm sóc mẹ như thế nào, sau khi bà cụ bị tai biến mạch máu hai lần. Bà cụ Millie bầy tỏ sự biết ơn những gì con gái đang làm cho mình.

“Cô ấy đã giúp tôi nhiều, nhiều lắm và thật là căng cho cô ấy vì vừa phải đi làm vừa phải lo lắng cho tôi.”

Bà Petruccelli thú nhận rằng gắn bó với việc chăm sóc mẹ cũng có ảnh hưởng không hay đến nghề nghiệp của bà.

“Có những cơ hội mà tôi chưa thăm dò được bởi vì cần phải dọn nhà, mà tôi còn phải lo nhiều thứ cho mẹ tôi.”

Bà Petruccelli là một trong con số ngày càng đông các phụ nữ Hoa Kỳ phải vất vả ngược xuôi giữa nghề nghiệp và chăm sóc cho cha mẹ già. Theo Liên Minh Cung cấp sự Chăm sóc cho Gia đình, mẫu người điển hình đảm trách việc chăm sóc là phụ nữ, khoảng 46 tuổi, có công ăn việc làm bên ngoài gia đình và dành hơn 20 giờ một tuần để chăm sóc cho mẹ già sống ở gần nhà mình.

Quản trị viên kinh doanh Mary Lou Quinlan cho rằng vì hết mình chăm sóc cho cha mẹ mà những người con gái trưởng thành không tiến thân được trong nghề nghiệp nhiều như họ mong muốn. Một số còn muốn nghỉ việc để dành hết thời giờ chăm sóc cho cha mẹ. Là người viết nhiều cuốn sách và các cột báo cho nhiều tạp chí về phụ nữ đi làm việc, bà Quinlan không tán đồng việc này.

“Bởi vì bạn cần có lương. Bạn cần có các quyền lợi, mà các quyền lợi này còn có thể giúp cho cha mẹ mình nữa. Phụ nữ nhận thấy rằng công ăn việc làm là chỗ dung thân cho mình. Đó là nơi trú ẩn và cuộc sống bình thường mà họ cầu mong tìm được khi tình hình khó khăn.”

Để giúp quân bình được gia đình và trách nhiệm công tác, bà Quinlan đề nghị phụ nữ thảo luận với thượng cấp một cách cởi mở về hoàn cảnh của mình.

“Điều đáng mừng là thượng cấp của mình có thể cũng rơi vào hoàn cảnh giống như mình bởi vì chúng ta trước sau cũng phải đối phó với vấn đề này. Nhưng khi đi gặp thượng cấp thì nên coi đó như một kế hoạch làm ăn. Ý tôi muốn nói là làm sao để vạch ra một đường lối tốt đẹp mọi bề, để mình có thể hoặc xin làm bán thời gian, xin nghỉ phép, hay xin làm một công việc gì đó mà không ai muốn làm mà mình có thể làm được vào ngày nghỉ. Nhưng hãy ráng mà bám lấy công việc bởi vì mình sẽ cần đến nó.”

Theo tâm lý gia Barry Jacobs thì xoay vần giữa việc làm và gia đình chỉ là một trong nhiều thách thức mà những người chăm sóc cho cha mẹ già phải đối phó.

“Gánh nặng chăm sóc thường rơi vào người con gái trưởng hoặc người con gái út. Đôi khi việc ai chăm sóc và ai không chịu chăm sóc thường gây xung đột giữa chị em với nhau. Những khó khăn nhiều khi mang tính cách tâm lý bởi vì có khi quan hệ với cha mẹ tốt thì con cái thường muốn đền ơn bằng cách chăm sóc cha mẹ. Tuy nhiên, trong một vài gia đình, quan hệ không được tốt và con cái trưởng thành cảm thấy là một gánh nặng khi phải chăm sóc cho cha hay mẹ mà họ không ưa và không thực lòng muốn chăm sóc. Dần đà thì những người con trai hay con gái có xu hướng vấp phải các khó khăn trong cuộc sống vợ chồng của họ vì phải chăm sóc cho cha hay mẹ già.”

Để giúp những người con trưởng thành ứng phó với những căng thẳng đó, ông Jacobs đã viết một cuốn sách trong đó ông nêu nhận xét rằng khi không còn hy vọng bình phục hoặc khi bệnh tật làm người cha hay người mẹ đổi hẳn tính tình thì nhiều người đâm ra bị bệnh trầm cảm hay ưu phiền.

“Cách đây nhiều năm, tôi nhớ có giúp cố vấn cho một người phụ nữ trên 80 đã bị tai biến và hơi lãng trí vì bệnh, và tôi nhớ đã đưa bà cụ đến gặp 3 người con gái trong độ tuổi 50 và 60. Các cô con gái này nói với tôi rằng họ cảm thấy người mẹ mà họ biết đã chết và người phụ nữ còn sống là một người lạ. Kể từ lúc đó, tôi thấy nhiều người thân khác trong gia đình cũng nói như thế. Khi cha hay mẹ già của bạn bị bệnh Alzheimer, bệnh lãng trí hay bất cứ loại bệnh tật nào tác động đến nhận thức và tính tình của họ thì thân nhân được yêu cầu chăm sóc cho một người nào khác xa với người mà mình đã quen biết và yêu mến. Họ phải gợi lại hình ảnh trong ký ức về cái người mà họ đã từng quen biết, nhưng vẫn thấy cá tính của người hiện giờ là một biểu hiện của bệnh tật. Không phải vì mình cố ý làm khó hay nghi ngờ quá đáng.”

Nhà tâm lý học Jacobs đề nghị những người chăm sóc nên tìm sự hỗ trợ trong xã hội và đi tìm những dịch vụ và chương trình cộng đồng giúp làm nhẹ bớt gánh nặng.

“Ở Hoa Kỳ, nhiều nhà thờ công giáo, Do Thái giáo hay hồi giáo có các dịch vụ nâng đỡ cho những người chăm sóc cha mẹ già. Có thể là những dịch vụ tạm thời hay những dịch vụ chuyên chở hay ngay cả giúp đỡ về tiền bạc. Về những chương trình của chính phủ qua các cơ quan khu vực về người già có ở mọi quận hạt ở Hoa Kỳ, có những nguồn tài trợ sẵn sàng giúp cho những người chăm sóc và nguồn tài trợ có thể được sử dụng để mua thiết bị, mướn nhân viên y tế chăm sóc tại gia, hay cứu trợ cấp thời.”

Ngoài ra, theo ông Jacobs, con cái có cha mẹ già phải tìm hiểu về những hậu quả đối với sức khỏe của tuổi già để biết rõ những gì sẽ xảy ra. Ông cho rằng cha mẹ có thể giúp con cái bằng cách bắt đầu sớm vạch sẵn những kế hoạch cho tuổi già của mình. Họ có thể xem xét những phương hướng khác nhau, bàn về cách sắp xếp nào là tốt đẹp nhất với gia đình và tự mình đưa ra những quyết định quan trọng lúc nào còn có khả năng, thay vì trút hết gánh nặng cho con cái.