Suốt hơn 200 năm lập quốc, nước Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm, và một trong những thời kỳ đen tối nhất của nước Mỹ là khoảng thập niên 1930 khi Hoa Kỳ và thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Cùng lúc đó tại nước Mỹ một nghệ sỹ đã xuất hiện với những bài hát của ông diễn tả những cảnh lầm than của giới lao động nghèo khổ và dòng nhạc của ông đã có ảnh hưởng đến nhiều người. Lá Thư Mỹ Quốc hôm nay giới thiệu đến quí thính giả cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sỹ sáng tác kiêm ca sỹ Woody Guthrie qua bài viết của Shelly Gollust, Lan Phương sẽ bắt đầu phần 1 của loạt bài gồm hai phần sau đây:
Quí vị hãy tưởng tượng đang sống tại nước Mỹ trong thập niên 1930, thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Một chuyến xe lửa băng ngang qua vùng quê nghèo khó trong đêm tối. Chỉ một âm thanh đơn độc mà người ta có thể nghe thấy là tiếng còi tàu. Trong toa xe là một nhóm đàn ông bẩn thỉu, áo quần tả tơi, nằm ngồi trên sàn tàu. Ở một trong những toa tàu như thế, một người đàn ông thấp bé với mái tóc dài, quăn, màu nâu đang vừa hát vừa đệm đàn tây ban cầm. Tên anh là Woody Guthrie, và bài ca mà anh đang cất tiếng hát diễn tả cảnh những người lao động lang thang hết thị trấn này sang thị trấn khác tìm việc làm.
Woodrow Wilson Guthrie ra đời năm 1912 tại tiểu bang Oklahoma. Gia đình ông sống trong một thị trấn nông nghiệp nhỏ có tên là Okemah. Cha ông là một doanh nhân chuyên nghề buôn bán đât đai. Mẹ ông là một giáo chức. Bà còn thích chơi dương cầm và ca hát. Từ ngày còn thơ, Woody đã được nghe mẹ hát những bản tình ca, những ca khúc về sự chết chóc và về những thời kỳ khó khăn, những bài hát mà bà đã thuộc nằm lòng từ thời còn con gái.
Woody đã có một thời thơ ấu thạnh phúc, nhưng cuộc đời ông bắt đầu đổi thay khi ông mới lên 10. Một ngày nọ chị gái của ông làm đổ dầu lên áo, chiếc áo bắt lửa và cô gái đã chết ngày hôm sau vì bị bỏng nặng. Woody không bao giờ quên được cái chết đó.
Ngày qua ngày, thân mẫu của Woody bắt đầu có những thái độ kỳ quặc, bà không còn kiểm soát được hành động và lời nói của bà nữa. Nhiều người cho rằng bà đã hóa điên. Cũng vì vậy mà gia đình Guthrie càng sống kín đáo và cô lập hơn, những mong sẽ che dấu được bệnh hoạn của bà mẹ.
Cái chết của con gái và bệnh hoạn của người vợ khiến thân phụ ông bắt đầu quay sang mượn rượu giải sầu và lâm chứng nhgiện rượu. Công việc làm ăn của ông thất bại. Gia đình Guthrie bỏ Okemah rồi lênh đênh qua nhiều thị trấn tại Oklahoma và Texas. Cậu bé Woody thường phải làm việc vất vả thay vì đi học vì gia đình quá nghèo.
Nhạc khí đầu tiên mà cậu Woody tập là chiếc khẩu cầm (harmonica), và cậu đã tập thổi chỉ qua việc quan sát một ông già chơi loại kèn này., và cậu học chơi tây ban cầm cũng chỉ do quan sát người chú. Thập niên 1920 Woody sống trong thị trấn Pampa, bang Texas. Thời đó Pampa được coi là một thị trấn phát triển vượt bực ngay sau khi người ta tìm thấy dầu hỏa ở gần đấy.
Vào những cuối tuần, Woody đã cùng những người trẻ khác đến chơi nhạc tại các buổi khiêu vũ trong thị trấn. Nhiều năm sau, Woody Guthrie cho biết là ca hát có ý nghĩa như thế nào đối với ông.
Khi quí vị cất tiếng hát, lời ca lọt đến tai của mọi người, nó làm cho người ta đong đưa theo điệu nhạc và cất tiếng hát theo. Điều tuyệt diệu nhất của âm nhạc là bạn có thể hát những gì mà mình cảm nhận. Bạn có thể dùng lời ca, điệu nhạc để thuật lại đủ mọi thứ chuyện trong một bài hát và chuyển ý nghĩ của bạn đến người nghe.
Woody thích dùng âm nhạc để tạo cảm thông với người khác nhưng ông không thích nói về chính mình. Một trong những lý do là vì ông không muốn mọi người biết về chuyện mẹ ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Mẹ ông đã bị một chứng bệnh có tên là Hungtinton’s Chorea, một chứng bệnh hủy hoại não bộ và hệ thống thần kinh của nạn nhân.
Năm ông 17 tuổi, thân mẫu cuả ông từ trần. Đó là năm 1929 khi mà nền kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu trì chậm. Trong nhiều năm sau đó, rất nhiều người Mỹ đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Thời kỳ này được gọi là cuộc đại khủng hoảng kinh tế.
Tại thị trấn Pampa nơi ông cư ngụ lúc bấy giờ, các giếng dầu đã cạn kiệt. Những nông trại quanh đấy không trồng trọt được gì vì nạn hạn hán kéo dài trong nhiều năm. Đất đai khô cằn, nứt nẻ khiến cho gió càng dễ thổi bay đi lớp đất màu phủ trên mặt. Những khu vực thuộc bang Texas, Oklahoma và các bang khác trong khu vực được đặt cho một cái tên là Dust Bowl, xin tạm dịch là vùng cát bụi.
Cũng giống như hàng ngàn người khác, Woody bỏ thị trấn Tampa đi tha phương cầu thực ở những thị trấn khác trong bang Texas và vùng tây nam nước Mỹ. Ông thường dùng xe lửa để di chuyển. Nhưng vì trong túi không có đồng xu nào nên Woody thường phải nhảy tàu để đi lậu. Đây là một hành động rất nguy hiểm vì nếu bị phát giác, ông có thể sẽ bị đẩy xuống khỏi tàu hoặc bị bắt giữ. Tuy nhiên đối với Woody thì lối sống này lại rất hào hứng. Một trong những ca khúc đầu tiên mà ông sáng tác viết về việc ông bỏ nhà ra đi, rời khỏi vùng cát bụi Dust Bowl.
Năm 1934 ông lập gia đình và có 3 con ra đời sau đó. 3 năm sau, ông bỏ gia đình đi đến California. Trong các chuyến đi ông đã gặp gỡ rất nhiều người. Ông cũng học được rất nhiều bài ca từ nhiều nơi khác nhau trong nước. Nhưng điều gây ảnh hưởng mạnh nhất cho ông là những khổ đâu mà ông đã chứng kiến. Ông nói “khi tôi thấy những người gắng hết sức làm lụng vất vả kiếm sống mà còn rơi vào cảnh nợ nần, bệnh hoạn và lo phiền thì tôi cảm nhận ngay là tôi sẽ sáng tác được rất nhiều bài ca."
Tại California, ông sống bằng nghề ca hát và chơi tây ban cầm. Sau đó ông bắt đầu trình diễn cho một chương trình truyền thanh cùng với 1 người bạn tên Maxine Crissman, có tên hiệu là Lefty Lou. Hai người đã điều khiển một trong những chương trình truyền thanh được ưa thích nhất ở Los Angeles. Họ trình diễn những sáng tác của ông nói về các vấn đề xã hội, những cảnh khó khăn, quẫn bách mà người dân Mỹ phải đối phó trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Bài hát sau đây viết về mối nguy hiểm trong công việc đào mỏ than, tựa đề “Người phu mỏ hấp hối”
Năm 1938 Woody Guthrie rời khỏi chương trình phát thanh để đi chu du khắp bang California. Ông nhận thấy rất nhiều người đã mất hết đất đai, bỏ làng quê trong vùng cát bụi Dust Bowl đi tha phương cầu thực thì tình cảnh của họ càng khốn cùng hơn.
Hầu hết những người được gọi là “Người Dust Bowl tỵ nạn” chỉ tìm được việc làm tạm bợ theo mùa ở các nông trại, như việc hái trái cây chẳng hạn. Chủ trại trả công không đáng bao nhiêu cho những người lao động khốn khổ này. Họ phải sống trong những trại chung đụng dơ bẩn, không có nước máy. Tình trạng thiếu ăn và bệnh tật lan tràn. Những công nhân sống trong các trại lao động đó dường như đã mất hết tất cả mọi hy vọng cải thiện đời sống. Nhạc sỹ Woody Guthrie đã sáng tác một bản nhạc tựa đề “Dust Bowl Refugees” viết về tình cảnh của những lao động này.
Tình trạng khốn khổ và áp bức trong các trại lao động khiến ông Woody Guthrie phẫn nộ. Ông khởi sự tiếp tay cho ban tổ chức thành lập các công đoàn để tranh đấu cho giới lao động. Lá Thư Mỹ Quốc tạm ngưng nơi đây, hẹn gặp lại quí thính giả trong kỳ tới với phần hai của bài nói về thân thế, sự nghiệp của nhạc sỹ tiếng tăm này.