Hoa Kỳ và các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên ở Á Châu đang cân nhắc xem sẽ đáp ứng ra sao trước việc Bình Nhưỡng quyết định phóng thử nghiệm 6 phi đạn trong vùng Thái bình dương ngày hôm qua. Từ Bắc kinh TTV đài VOA Luis Ramirez gởi về bài tường trình sau đây.
Ngay sau khi Bình Nhưỡng thực hiện cuộc phóng thử phi đạn trong ngày hôm qua, các nhà ngoại giao Nhật xác nhận là Tokyo đã đưa ra lời phản đối Bắc Triều Tiên tại Bắc Kinh.
Nhật Bản, Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ trong nhiều tuần lễ đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Bình nhưỡng không nên tiến hành cuộc phóng thử phi đạn. Vấn đề giờ đây là chính phủ các nước này và Washington phải đáp ứng ra sao hành động của nước cộng sản tự cô lập, và cũng từ chối không chịu chấm dứt chương trình hạt nhân này.
Ông Leonard Spector, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu về cấm phổ biến hạt nhân thuộc học viện nghiên cứu quốc tế Monterey tại Hoa Kỳ, nói rằng Bắc Triều Tiên cố ý đe dọa Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á, nhưng kế hoạch này có thể tạo ra các tác dụng ngược lại sau khi một phi đạn tầm xa bị rớt trong vòng một phút sau khi được phóng đi.
“Hậu quả là Bắc Triều Tiên chứng tỏ họ không thể đe dọa trực tiếp Hoa Kỳ. Nhưng họ đã có thái độ khiêu khích và làm ngơ trước những quan ngaị của Nhật Bản, Trung Quốc, Nam Triều Tiên và các nơi khác đến độ mà tôi tin là sẽ đem lại một sự đáp ứng của quốc tế về mặt ngoại giao có hại cho Bắc Triều Tiên.”
Ông Spector và nhiều nhà phân tích khác tin rằng Hoa Kỳ và các nước đồng minh có phần chắc sẽ đưa ra phản ứng về ngoại giao thay vì sử dụng đến hành động quân sự.
Hội đồng bảo an Liên hiêp quốc hôm nay họp để thảo luận về tình hình này giữa lúc diễn ra nhiều cuộc tham khảo quốc tế nhiều tiếng đồng hồ sau khi diễn ra cuộc phóng thử phi đạn của bắc Triều Tiên.
Washington và Tokyo cho thấy họ sẽ tìm cách yêu cầu Liên hiệp quốc đưa ra các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng.
Trung Quốc, nước đã chủ trì các cuộc đàm phán 6 nước bàn về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong 3 năm qua, có vẻ phẫn nộ đối với hành động thử nghiệm phi đạn của Bắc Triều Tiên.
Một trong những lý do là Bắc Kinh không muốn Bình Nhưỡng khiêu khích Nhật Bản, nước cựu thù của Trung Quốc, để nước này tăng cường khả năng quân sự trước việc Bình nhưỡng thực hiện cuộc thử nghiệm phi đạn.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nghi ngờ việc Bắc Kinh sẽ công khai lên án Bắc Triều Tiên, vốn vẫn được coi là một đồng minh về tư tưởng của họ. Giáo sư môn chính trị học Brian Bridges là một chuyên gia về vấn đề an ninh khu vực Bắc Á của trường đại học Lingnan ở Hongkong nói:
“Trung Quốc luôn luôn thận trọng về việc áp đặt luật lệ đối với Bắc Triều Tiên. Họ tìm cách thuyết phục và khuyên răn, cũng như khuyến khích Bắc Triều Tiên cởi mở và đừng đi theo con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng khi sự việc xảy ra, họ luôn luôn tránh đưa ra những cam kết mạnh mẽ.”
Là nước chính cung cấp lương thực và nhiên liệu cho nước theo chủ nghĩa Stalin nghèo khó Bắc Triều Tiên, về lý thuyết Trung quốc có một vài ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn xa lánh Bắc Triều Tiên hay muốn thấy nước này bị sụp đổ. Điều mà Trung Quốc sợ là làn sóng người tị nạn vì đói kém sẽ kéo qua Trung Quốc và sự hiện diện của một nước Triều Tiên thống nhất, đồng minh của Hoa Kỳ, ở ngay biên giới của họ.