Một Việt Kiều ở Hà Lan đang đi kiện chính phủ Việt Nam trước tòa án quốc tế để đòi bồi thừơng 150 triệu đôla vì cho rằng mình đã bị mất hết cơ nghiệp một cách oan uổng sau khi mang hơn 3 triệu đôla về đầu tư tại Việt Nam.
Câu chuyện của ông Trịnh Vĩnh Bình đang chuyển sang một khúc quanh mới. Cách nay khoảng 9 năm, Ông Trịnh Vĩnh Bình, một thương gia rất thành công ở Hà Lan, đã quyết định bán công ty chả giò ở Hà Lan để đem hơn 3 triệu đôla về Việt Nam đầu tư làm ăn. Kết quả, ông lại rất thành công trong một số doanh nghiệp, đặc biệt là ở trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu, trong đó có công ty cổ phần Bình Châu, chuyên về hàng thủy sản đông lạnh. Các xí nghiệp của ông đã tạo công ăn việc làm cho trên 500 người.
Mặc dù Ông Bình được sự động viên của các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, nhưng ông đã không làm hài lòng các quan chức địa phương, đặc biệt là phe công an địa phương. Sau đó, Ông bị giam giữ, rồi quản chế, sau khi bị đưa ra tòa lãnh án tù, về tội hoạt động đầu tư bất hợp pháp và hối lộ viên chức chính quyền, là hai tội mà ông cho là đã được dàn lên và do vu cáo. Tài sản của ông coi như mất trắng. Trong thời gian bị quản chế, ông đã tìm cách trốn khỏi Việt Nam và trở về Hà Lan.
Kế tiếp, ông Trịnh Vĩnh Bình đã mở một cuộc tranh đấu lâu dài để đòi hỏi công lý, và rửa sạch tên tuổi của mình. Ông đã tiếp xúc với nhiều quan chức và đảng viên cao cấp ở Việt Nam, đã kêu gọi sự can thiệp ngoại giao của chính phủ Hà Lan và đã nhận được sự ủng hộ của các ủy viên thuộc Quốc hội Âu Châu. Tất cả những người được nghe trình bày sự việc của ông Trịnh Vĩnh Bình, kể cả Thủ tướng Phan Văn Khải, đều nhìn nhận có sự bất công trong vụ này; mặc dầu vậy, tài sản của ông Trịnh Vĩnh Bình chưa được hoàn trả và ông chưa được phục hồi danh dự.
Ông Bình nói rằng nếu chính phủ Việt Nam có một giải pháp thỏa đáng cho những Việt Kiều về nước đầu tư như ông thì có lẽ đã chẳng xảy ra vụ kiện này.
Như ông Bình nói: Giờ đây, vụ này đang bước sang một khúc quanh mới. Ông đã nhờ một văn phòng luật sư của Mỹ để kiện chính phủ Việt Nam trước toà án quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc, chuyên giải quyết vấn đề tranh chấp liên hệ tới các đầu tư quốc tế.
Cơ sở pháp lý được dựa trên sự kiện là ông Bình đã đem tiền về Việt Nam đầu tư theo sự khuyến khích của chính phủ Hà Lan, sau khi Hà Lan và Việt Nam ký kết một thương ước về đầu tư vào năm 1994. Điều số 9 của thương ước này quy định 2 nước phải “phát huy và bảo vệ đầu tư” giữa công dân hai nước.
Và bây giờ thì tòa án quốc tế nói rằng họ sẽ khai mạc vụ xử này vào tháng 12 năm nay, tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, đúng vào dịp Việt Nam có thể đã biết tin là có được chính thức nhận vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới hay không.
Nhiều người Việt hải ngoại cho rằng đầu tư tại Việt Nam hiện nay là chuyện đầy rủi ro, ông Bình đã biết trước như vậy mà vẫn về thì không nên trách ai cả. Chúng tôi đã đặt vấn đề này với ông Bình, và ông trả lời như sau:
Việt Nam có chính sách kêu gọi đầu tư tương đối rõ ràng trên giấy tờ, nhưng khi có một vấn đề gì khó khăn cho các nhà đầu tư xảy ra trong thực tế thì chính phủ Việt Nam không có trách nhiệm triệt để, giúp giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa.
Tại thành phố Houston trong tiểu bang Texas, nhà báo Trọng Kim, Chủ Nhiệm hệ thống báo Ngày Nay, một trong những người theo dõi sát vụ việc của ông Trịnh Vĩnh Bình ngay từ những ngày đầu tiên, nói rằng, vụ này làm nổi bật một đặc tính của Việt Nam, là phép vua thua lệ làng, ông Thủ Tướng bảo tha vì thấy không có gì quan trọng, nhưng các quan ở địa phương lại muốn bắt, vì đụng chạm quyền lợi.
Vẫn theo nhà báo Trọng Kim, vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình khai mạc vào đầu tháng 12 tới đây, vào thời điểm dứt khoát để Việt Nam gia nhập WTO có thể mang lại tác động tiêu cực cho Việt Nam.