Có một số dấu hiệu cho thấy xã hội dân sự còn non trẻ ở Việt Nam có cơ may sẽ được phát triển mạnh mẽ hơn, sau khi kết quả cuộc nghiên cứu khoa học đầu tiên ở Việt Nam về đề tài vẫn bị đảng Cộng sản đương quyền xem là nhạy cảm này được công bố hồi đầu tháng 5.
Một dự luật về lập hội hiện đang được quốc hội Việt Nam xem xét và theo dự liệu sẽ được thông qua trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào cuối năm nay. Mời quí thính giả theo dõi một số chi tiết về diễn tiến này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:
Thưa quí thính giả, trong nhiều thập niên qua, đặc biệt là từ những năm cuối của thập niên 1980, khái niệm xã hội dân sự đã được một số khá đông các nhà chính trị học cũng như các nhà hoạt động chính trị ra sức nghiên cứu, cổ xướng và xem như một yếu tố quan trọng để bảo đảm cho sự hình thành và phát triển của một xã hội dân chủ. Một số các nhân vật tranh đấu cho dân chủ ở Trung quốc thì xem việc tạo dựng xã hội dân sự như một phương cách tốt để có thể thoát khỏi cái vòng lẩn quẩn của “áp bức-chống đối bằng bạo lực-áp bức”. Tại Việt Nam ta, có nhiều dấu hiệu cho thấy đảng Cộng sản đương quyền rất e ngại đối với xã hội dân sự, thậm chí họ còn xem đây là một bộ phận của “diễn tiến hòa bình” – một mưu toan của những người mà họ xem là thuộc “những thế lực thù địch”.
Mặc dầu vậy, hồi gần đây đã có một số dấu hiệu cho thấy rằng xã hội dân sự còn chập chững của Việt Nam có cơ may sẽ được phát triển sau khi kết quả cuộc nghiên cứu đầu tiên về xã hội dân sự của Việt Nam được công bố tại Hà nội hôm mồng 9 tháng 5.
Cuộc nghiên cứu do Viện Những Vấn đề Phát triển Việt Nam thực hiện với sự hỗ trợ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc và Tổ chức Phát triển Hà Lan và đã được tiến hành từ tháng tư năm 2005 đến tháng 2 năm 2006. Bà Irene Norlund, Điều phối viên dự án nghiên cứu, đã khẳng định với báo chí tại Hà nội rằng giờ đây những hoạt động nhằm tăng cường quyền lợi của người dân và thúc đẩy xã hội phát triển (advocacy) đã bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam sau một thời gian dài bị nhà cầm quyền xem là một loại hình hoạt động có tính chất cấm kỵ.
Báo cáo kết quả nghiên cứu cho thấy đời sống xã hội ở Việt Nam ngày nay rất rộng, phong phú, nhưng quan hệ hợp tác giữa các nhóm và tổ chức trong xã hội còn yếu và tác động của họ còn hạn chế. Tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những Vấn đề Phát triển, cho rằng hoạt động của xã hội dân sự ở Việt Nam còn rất hạn chế và không có ảnh hưởng rõ rệt nào.
Ông Nguyễn Văn Đài, một luật sư ở Hà nội được dư luận đặc biệt chú ý hồi gần đây vì những phát biểu liên quan tới quyền thành lập đảng chính trị ở Việt Nam, cũng tán đồng nhận xét của các chuyên gia tham gia cuộc nghiên cứu về xã hội dân sự ở Việt Nam. Ông cho biết như sau:
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một nhân vật tranh đấu cho dân chủ Việt Nam đang sống lưu vong ở Mỹ, cho rằng sự kiện là cuộc nghiên cứu này được thực hiện là một diễn tiến đáng phấn khởi. Tuy nhiên, ông nêu lên việc đảng Cộng sản tiếp tục dùng Mặt trận Tổ quốc như một tổ chức ngoại vi để khống chế các lực lượng xã hội như một bằng chứng cho thấy là giới hữu trách Hà nội vẫn chưa chấp nhận sự phát triển của xã hội dân sự thật sự. Ông nói thêm rằng xã hội dân sự ở Việt Nam khó lòng phát triển nếu đảng Cộng sản đương quyền không thay đổi chính sách.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Tuổi Trẻ hôm 21 tháng 5, tiến sĩ Đặng Ngọc Dinh, Viện trưởng Viện Những Vấn đề Phát triển, đã lên tiếng hối thúc mọi người “đừng sợ xã hội dân sự”. Theo lời ông Dinh, “ở Việt Nam có một số người sợ rằng nếu thúc đẩy xã hội dân sự sẽ có sự đối lập với chính quyền. Sợ như thế là hơi quá, là không tin vào người dân.” Ông Dinh kêu gọi giới hữu trách nhanh chóng thông qua luật về việc lập hội để tạo môi trường cho xã hội dân sự phát triển.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhân vật hoạt động dân chủ ở Hà nội, đã tỏ vẻ lạc quan hơn khi ông nhận định rằng luật lập hội sẽ được quốc hội Việt Nam thông qua trong nay mai.
Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Đài, tiến trình dân chủ hóa Việt Nam sẽ phát triển tốt đẹp hơn sau khi luật về hội được ban hành.