Australia và Indonesia tiếp tục vướng mắc trong vụ tranh chấp ngoại giao phát sinh từ việc chính phủ ở Canberra cấp thị thực tạm thời cho 42 người tị nạn Papua. Giới hữu trách ở Jakarta tố cáo nước láng giềng phương nam can thiệp vào công việc nội bộ và đã yêu cầu đại sứ Australia ra điều trần trước một ủy ban quốc hội. Mời quí vị theo dõi thêm một số chi tiết về việc này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:
Những người trong số khoảng 50 ngàn người Indonesia sinh sống ở Australia đã hát lên một đoạn nhạc nói về sự hòa thuận trong gia đình tại một cuộc tụ tập ở thành phố Sydney trong lúc họ ngày càng lo ngại nhiều hơn về sự thiếu hòa thuận đang ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa phần đất chôn nhau cắt rún với quê hương thứ hai của họ.
Mối quan hệ này đã bị suy sụp nhanh chóng hồi tháng 3 vừa qua, sau khi chính phủ Australia cấp thị thực tạm thời cho 42 người Papua đã dùng tàu đến miền bắc tiểu bang Queensland hồi tháng giêng để xin tị nạn. Những thuyền nhân này nói rằng họ phải rời bỏ quê hương để tránh sự đàn áp của quân đội Indonesia trong cuộc chiến chống lại những thành phần đòi ly khai ở Papua - tỉnh cực nam và cũng là tỉnh có diện tích lớn nhất của Indonesia.
Quyết định vừa kể của chính phủ Australia đã khiến giới hữu trách Indonesia phẫn nộ. Jakarta đã triệu hồi đại sứ của họ ở Canberra và tố cáo rằng Australia can thiệp đến công việc nội bộ của họ. Nhiều người Indonesia cũng biểu tình bên ngoài sứ quán Australia ở Jakarta để phản đối điều mà họ xem là một dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Australia đối với phong trào đòi độc lập ở Papua, tương tự như sự hậu thuẫn dành cho phong trào đòi độc lập ở Đông Timor trong những năm cuối của thế kỷ 20.
Anh Denny Christian là một sinh viên Indonesia 28 tuổi đang theo học ngành kế toán ở Australia. Anh e rằng vấn đề Papua có thể tạo ra những khó khăn cho những người Indonesia đang sinh sống ở Australia.
Tôi cảm thấy lo ngại về mối quan hệ giữa Australia và Indonesia. Vì có nhiều người Indonesia muốn đi du học ở Australia cho nên khi có những vấn đề như vấn đề Papua thì những người này sẽ gặp khó khăn. Những người đang ở Australia cũng bị ảnh hưởng xấu.
Mới đây, chính phủ Australia đã thay đổi luật lệ về di trú để tìm cách ngăn chận làn sóng thuyền nhân từ Papua. Theo quy định mới, tất cả các thuyền nhân sẽ được đưa tới những trung tâm tạm giam trên các đảo nhỏ trong vùng Nam Thái bình dương trong khi đơn xin tị nạn của họ được nhà chức trách xem xét. Một số người ở Australia và các tổ chức nhân quyền tố cáo rằng quy định này là một mưu toan của Australia nhằm ve vuốt Indonesia và phương hại tới quyền lợi của người tị nạn.
Chính phủ ở Canberra đã bác bỏ tố cáo vừa kể và họ cũng nói thêm rằng việc cấp quyền tị nạn tạm thời cho 42 người Papua là một phần của thủ tục pháp lý của Australia. Ngoại trưởng Australia, ông Alexander Downer nói rằng đôi bên cần có thái độ tôn trọng lẫn nhau trong vụ tranh chấp này.
Chúng tôi biết rằng nhiều người Indonesia cảm thấy bất mãn vì quyết định của bộ Di trú Australia đối với đơn xin tị nạn của 42 người Papua. Đây quả là một vấn đề tế nhị. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng phía Indonesia cũng nên hiểu rõ một điều là Australia có hệ thống luật pháp riêng của mình. Chúng tôi phải hành động dựa theo luật pháp của chúng tôi. Và tôi nghĩ rằng sự tôn trọng hỗ tương đối với hệ thống luật pháp của nhau chính là một bộ phận quan trọng của một mối quan hệ tốt đẹp.
Một số các nhà quan sát cho rằng: vụ tranh chấp về vấn đề người tị nạn Papua là vụ xích mích ngoại giao tệ hại nhất giữa Canberra và Jakarta kể từ năm 1999, khi Australia lãnh đạo một lực lượng đa quốc đến Đông Timor để vãn hồi hòa bình trong lúc phần đất này bị các binh sĩ Indonesia và những dân quân thân Jakarta tàn phá dữ dội sau khi dân chúng ở đây bỏ phiếu quyết định tách khỏi Indonesia để độc lập.
Tuy nhiên, sau vụ xích mích vì vấn đề Đông Timor, quan hệ giữa hai lân bang vùng Á châu Thái bình dương này đã nồng ấm trở lại; chủ yếu là vì sự giúp đỡ tận tình của Australia dành cho các nạn nhân ở Indonesia trong thiên tai động đất và sóng thần năm 2004 và vì hợp tác giữa đôi bên sau khi xảy ra những vụ nổ bom khủng bố ở đảo du lịch Bali. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố là động cơ chính thúc đẩy cho sự cải thiện quan hệ giữa Jakarta và Canberra. Australia xem Indonesia là đồng minh then chốt trong cuộc chiến chống lại những tổ chức khủng bố trong vùng Đông Nam Á, đặc biệt là nhóm Jemaah Islamiya. Tổ chức này được xem là thủ phạm của vụ nổ bom trên đảo Bali năm 2002, giết chết 88 du khách Australia. Năm ngoái, vụ tấn công khủng bố lần thứ nhì trên đảo này cũng gây tử vong cho 4 người Australia.
Giáo sư Michelle Ford của Đại học Sydney cho rằng vụ tranh chấp về vấn đề người Papua tị nạn có thể phương hại tới những nỗ lực hợp tác chống khủng bố. Bà Ford cho biết như sau:
Australia và Indonesia đã hợp tác với nhau rất chặt chẽ trong chiến dịch chống khủng bố. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng vấn đề Papua rất có thể sẽ gây thương tổn cho sự hợp tác này. Lý do là vì phương cách dễ dàng nhất và có hiệu quả nhất mà Indonesia có thể xử dụng để trả đũa là giảm thiểu sự chú tâm của họ đối với những bộ phận trong chiến dịch chống khủng bố mà Australia quan tâm nhiều nhất.
Giáo sư Michelle Ford nói thêm rằng Australia cần phải duy trì một mối quan hệ tốt đẹp với Indonesia, là nước láng giềng lớn nhất và cũng là nước có số tín đồ Hồi giáo đông nhất thế giới. Theo bà Ford, mối quan hệ này chẳng những có nhiều ảnh hưởng đối với kinh tế của Australia mà còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa Canberra với các nước khác ở Á châu.
Theo các nhà quan sát, giới hữu trách ở Canberra dường như cũng hoàn toàn tán đồng nhận định của giáo sư Ford. Bản tin hôm 30 tháng tư của nhật báo Sunday Mail ở Australia cho biết: chính phủ ở đây đang mở các cuộc họp bí mật với các giới chức Indonesia để bàn về việc phối hợp các hoạt động tuần tiểu của hải quân và không quân ngằm ngăn chận làn sóng người tị nạn Papua, và chính phủ của thủ tướng Howard đang chuẩn bị chi tiêu 200 triệu Úc kim trong tháng 5 để tăng cường công tác an ninh biên giới.