Theo lời ông Bùi Quang Anh, Cục Trưởng Cục Thú Y Việt Nam thì Việt Nam đã kiểm soát được tình hình cúm gia cầm nhờ các nỗ lực của chính quyền cũng như sự trợ giúp của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ. Tuy nhiên ông cũng nói rằng vẫn còn nhiều việc cần phải làm vì vẫn còn một số người vì những lợi ích riêng tư đã buôn bán và giết mổ gia cầm không đúng theo các qui định của chính quyền. Phóng viên Trần Nam của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đang có mặt tại Hà Nội đã ghi nhận một số chi tiết mới nhất về vấn đề này qua cuộc phỏng vấn ông Cục Trưởng Cục Thú Y Việt Nam:
Theo lời ông Bùi Quang Anh, Cục Trưởng Cục Thú Y Việt Nam thì kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2005 đến nay, không có ổ dịch cúm gia cầm nào tái phát tại Việt Nam, kể cả những trường lây nhiễm vi rút H5N1 nơi người. Thành quả này đã đạt được là nhờ nổ lực công khai hóa tất cả các thông tin của chính phủ liên quan đến dịch bệnh, đồng thời các biện pháp phòng chống cũng đã được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt qua việc vận động đại đa số quần chúng tham gia vào công tác này. Ngoài ra, chính quyền cũng đã gia tăng chi tiêu để giúp các nhà chăn nuôi không bị thiệt thòi mỗi khi gia cầm của họ bị nhiễm bệnh:
Giữa năm 2005, chính phủ đã có một kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm. Từ kế hoạch đó đã có sự đầu tư về tài chính ví dụ như tăng giá trị của việc hỗ trợ đền bù cho người dân khi có gia cầm bị tiêu hủy, từ 5 ngàn lên 15 ngàn, hoặc chế độ bồi dưỡng cho lực lượng tham gia cũng như kinh phí về tiêu hủy vệ sinh tiêu độc, kinh phí về vắc xin tiêm phòng chẳng hạn, chính phủ cho không và hiện nay chính phủ đã chi hơn 100 tỉ đồng về tiền mua vắc xin.
Cũng theo lời ông Cục Trưởng Cục Thú Y thì sự giúp đỡ của quốc tế cũng là một yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể đạt được những kết quả này:
Tôi cho rằng biện pháp quan trọng là sự hợp tác giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các nước, chẳng hạn như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế FAO, Tổ Chức Thú Y Thế Giới đã cùng với các nước như Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Trung Quốc và các nước trong khu vực ASEAN, Nhật Bản…. Họ đã kịp thời cử các chuyên gia đến để giúp chúng tôi xây dựng các chiến lược cũng như giám sát và chẩn đoán dịch bệnh, chẳng hạn như tổ chức CDC của Hoa Kỳ đã đến ngay từ lúc đầu, và hiện nay thì tổ chức phát triển của Hoa Kỳ đang tiếp tục gửi chuyên gia đến đây để giúp Cục Thú Y trong việc xây dựng các phòng thí nghiệm và giám sát dịch bệnh.
Cũng theo lời ông Bùi Quang Anh thì chiến lược và các biện pháp phòng chống là do chính phủ đề ra nhưng khi thực hiện thì đều có sự giúp đỡ của các nhà giám sát và tư vấn, do đó Việt Nam cảm thấy vững vàng trong việc thực hiện. Một yếu tố khác cũng đã góp phần quan trọng vào việc ngăn chận hữu hiệu dịch bệnh là Việt Nam đã tìm cách thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống do quốc tế khuyến cáo, chẳng hạn như vấn đề tổ chức giám sát dịch, thiêu hủy gia cầm mắc bệnh, vấn đề khoanh vùng tiêu độc xử lý môi trường. Việt Nam cũng đã sử dụng biện pháp tiêm phòng vắc xin lần đầu tiên cho công tác phòng chống.
Được biết trước khi đạt được kết quả nói trên, Việt Nam là nước đã chịu thiệt hại nặng nề nhứt về nhân mạng do vi rút H5N1 gây ra so với các nước láng giềng trong khu vực. Theo ông Bùi Quang Anh thì sở dĩ xảy ra tình trạng đó là vì Việt Nam chưa chuẩn bị kịp thời để đối phó với một dịch bệnh tương đối mới mẻ này:
Thật ra cúm gia cầm là một bệnh rất nguy hiểm mà nó là cũng mới cho nên khi phát hiện thì mình không tổ chức phòng chống kịp thời . Vì không biết và không phòng chống kịp thời thì không làm được công tác tuyên truyền thì dân người ta không hiểu. Một là người ta bán chạy gia cầm, người ta sử dụng gia cầm bị bệnh, không có những biện pháp quyết liệt trong việc kiểm tra đôn đốc, do đó dịch lây lan ra diện rộng. Các ca bệnh nơi người vào năm 2004 tại Việt Nam tương đối cao.
Tuy nhiên theo lời ông Bùi Quang Anh thì hiện nay đại đa số nhân dân và những người chăn nuôi đã ý thức được sự tai hại của dịch cúm gia cầm cho nên đã thực hiện tốt các chủ trương và chính sách cũng như các biện pháp của chính phủ và của Ủy Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Cúm Gia Cầm để tự bảo vệ mình và tài sản của họ.
Dù vậy giới chức đứng đầu Cục Thú Y cũng công nhận rằng vẫn không hoàn toàn tránh khỏi một số khó khăn, trong đó có một số người vì lợi ích riêng tư, đã buôn buôn bán hoặc giết mổ gia cầm không đúng theo qui định.
Ông Bùi Quang Anh nói rằng Việt Nam cần có thời gian để tiến đến việc tạo ra một thị trường gia cầm an toàn, theo đó gia cầm phải được nuôi từ các cơ sở được kiểm dịch, việc giết mổ và chế biến gia cầm phải có sự kiểm soát và sự kiểm dịch của Thú Y, trước khi được đưa ra thị trường tiêu thụ.
Dù trong thời gian qua, không xảy ra những vụ cúm gia cầm nào đáng kể, nhưng dịch bệnh này vẫn còn là mối quan tâm hàng đầu của các nước Châu Á. Theo tin tức thì đầu tháng 5 tới đây một cuộc họp cấp Bộ Trưởng sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng để thảo luận về vấn đề hợp tác trong việc phòng chống cúm gia cầm.