Trung Quốc nới rộng mối quan hệ với các quốc gia Châu Mỹ La Tinh

Trung Quốc đang tăng cường các mối quan hệ với các Quốc gia vùng Mỹ châu La tinh, một phần là để tìm cách thỏa mãn nhu cầu năng lượng và một phần là để gia tăng vị thế chính trị của họ trên trường Quốc tế. Những nỗ lực này đã khiến giới hữu trách ở Washington rất mực quan tâm và mới đây viên chức hàng đầu của bộ ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Tây bán cầu đã mở một cuộc họp có tính chất giấu mốc với các giới chức Trung Quốc tại Bắc kinh. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây

Hôm 14 tháng tư vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kết thúc cuộc thảo luận chính thức bàn về vấn đề hợp tác song phương trong vùng Mỹ châu La tinh, một khu vực lâu nay vẫn được xem vùng ảnh hưởng độc quyền của Hoa Kỳ. Người đứng đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc họp dài 2 ngày này là ông Thomas Shannon, Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách Mỹ châu La tinh.

Ông Shannon cho biết cuộc thảo luận ở Bắc Kinh là cuộc họp đầu tiên dành riêng cho việc thương thảo về vấn đề Mỹ châu La tinh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và đôi bên đã đồng ý thiết lập một diễn đàn thường Kỳ để tham khảo ý kiến của nhau về những vấn đề trong vùng Tây bán cầu.

Trong cuộc họp báo tại đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc kinh, ông Shannon nói rằng phía Trung Quốc thừa nhận là mối quan hệ của họ với các Quốc gia Mỹ châu La tinh có bao gồm những chương trình hợp tác quân sự, nhưng giới lãnh đạo Bắc kinh cũng bảo đảm với phía Hoa Kỳ rằng những mục tiêu của họ ở khu vực này chú trọng nhiều hơn vào lãnh vực kinh tế thay vì chính trị. Sau đây là vài lời của trợ lý ngoại trưởng Shannon:

Các giới chức Trung Quốc cho chúng tôi biết rằng động lực chính của việc chủ động và tích cực giao tiếp của họ ở khu vực Mỹ châu La tinh là có tính chất kinh tế và đặt trọng tâm vào lãnh vực thương mại và đầu tư.

Trong cuộc điều trần trước ủy ban quân sự Thượng viện hồi tháng 3 vừa qua, viên tư lệnh các lực lượng Hoa Kỳ ở Mỹ châu La tinh, Tướng Bantz Craddock cho biết: sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trong khu vực này mỗi ngày một tăng. Ông nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc đang cung cấp một số lượng khá lớn những trang thiết bị quân sự thuộc loại không gây thương vong cho con người và con số các huấn luyện viên quân sự của Trung Quốc được phái tới các nước Mỹ châu La tinh mỗi ngày một đông. Theo tướng Craddock, nhiều nước vùng Tây bán cầu đã quay sang Trung Quốc để tìm kiếm sự trợ giúp về huấn luyện quân sự vì một đạo luật của Hoa Kỳ cấm chỉ việc phái huấn luyện viên quân sự tới những Quốc gia ký kết hiệp ước về Tòa án Hình sự Quốc tế, trong đó có Brazil và hơn 10 khác ở Mỹ châu La tinh.

Bà June Teufel Dreyer, một chuyên gia Trung Quốc học của Đại học Miami ở Florida, nói rằng lâu nay Trung Quốc vẫn nói rõ các mục tiêu chính trị của họ, và những nỗ lực của Bắc kinh nhằm gia tăng ảnh hưởng trong vùng Mỹ châu La tinh phù hợp với kế hoạch mà họ vẫn theo đuổi từ trước tới nay. Giáo sư Dreyer cho biết như sau về vấn đề này:

Từ khi Liên sô sụp đổ cho đến nay, chính phủ Trung Quốc lúc nào cũng tỏ vẻ lo ngại là cuộc diện thế giới ngày càng trở nên có tính chất đơn cực. Trong hơn một thập niên qua, họ vẫn nói rằng họ muốn nhìn thấy sự hình thành của một thế giới đa cực. Vì thế cho nên, việc Trung Quốc thiết lập các mối quan hệ chính trị và kinh tế với các nước châu Mỹ La tinh giúp cho họ đạt được mục tiêu mà họ đã nhiều lần nhắc tới.

Những nước có chính phủ khuynh tả ở vùng Mỹ châu La tinh, như Cuba, Venezuela, và Bolivia, xem Trung Quốc như một biểu tượng của ảnh hưởng của chủ nghĩa Cộng sản còn sót lại trên thế giới hiện nay, và vì thế, sự thắt chặt quan hệ giữa đôi bên đã diễn ra tương đối dễ dàng và phát xuất từ những lý do về ý thức hệ.

Tuy nhiên, đối với các Quốc gia Mỹ châu La tinh có nền kinh tế tự do hơn, như Chile chẳng hạn, thì thương mại chính là lý do khiến cho họ muốn tăng cường quan hệ với Bắc kinh. Tháng 11 vừa qua, Trung Quốc đã ký kết một hiệp định tự do mậu dịch với Chile. Đâây là hiệp định mậu dịch tự do đầu tiên mà Bắc kinh đạt được với một nước vùng Mỹ châu La tinh.

Các giới chức Trung Quốc cũng đang mở những cuộc thảo luận về mậu dịch tự do với những nước khác trong vùng.

Theo các nhà phân tích, sự thịnh vượng mà Trung Quốc có được sau hơn 20 năm cải cách kinh tế, cùng với nhu cầu rất lớn của Quốc gia đông dân nhất thế giới này về năng lượng, khoáng sản và các loại nguyên vật liệu khác, đã khiến cho kim ngạch mậu dịch và đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ châu La tinh gia tăng mạnh trong những năm vừa qua.

Thống kê của chính phủ ở Bắc kinh cho thấy số lượng trao đổi thương mại hai chiều giữa Trung Quốc với các nước Mỹ châu La tinh đã từ 25 tỉ đô la hồi năm 2000 tăng lên tới 50 tỉ hồi năm ngoái. Tuy còn thấp hơn khá nhiều so với con số 800 tỉ đô la mà Hoa Kỳ mua bán hàng năm với các nước Mỹ châu La tinh, nhưng kim ngạch mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ châu La tinh đang gia tăng với tốc độ rất nhanh. Các giới chức Trung Quốc đã đề ra chỉ tiêu gia tăng con số này lên tới 100 tỉ đô la vào năm 2010.

Tại Mexico, là nước vốn có những mối liên hệ ràng buộc khá chặt chẽ với Hoa Kỳ, một số người, đặc biệt là những người hoạt động trong ngành chế tạo, không có thiện cảm với Trung Quốc vì sinh kế của họ bị đe dọa bởi hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều công ty xuất khẩu của Mexico đang tìm cách phát triển những mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc.

Tại một buổi lễ mới đây ở Bắc kinh đánh dấu cuộc triễn lãm văn hóa lớn nhất từ trước đến nay của Mexico ở Trung Quốc, Đại sứ Sergio Ley cho biết nhiều công ty ở nước ông đang ra sức tìm kiếm cơ hội làm ăn mua bán ở Trung Quốc thay vì chỉ chú tâm tới thị trường Hoa Kỳ như bấy lâu nay.

Chúng ta có thể nói một cách đơn giản như thế này. Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu một số lượng hàng hóa trị giá 700 tỉ đô la. Điều này khiến Trung Quốc trở thành một khách hàng quan trọng của nhiều nước trên thế giới. Dĩ nhiên là các nhà doanh nghiệp của nước tôi cũng nhìn thấy ở Trung Quốc một thị trường khổng lồ. Chúng tôi muốn nắm bắt những cơ hội mua bán với Trung Quốc, và chỉ cần chiếm được một phần rất nhỏ của khoản nhập khẩu 700 tỉ đô la đó thôi thì cũng đủ để chúng tôi cảm thấy mãn nguyện.

Đại sứ Ley nói thêm rằng đa dạng hóa là một lý do khác khiến các nhà xuất khẩu ở nước ông muốn nới rộng công cuộc kinh doanh ở Trung Quốc. Theo ông Ley, điều này giúp cho các doanh nghiệp ở nước ông tránh được tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ.