Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Dy Niên đã tổ chức họp báo về các vấn đề đối ngoại tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Đại Hội 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam. Phóng viên viên Trần Nam của Đài VOA đã ghi nhận tại chỗ một số chi tiết liên quan đến cuộc họp báo này như sau:
Trong cuộc họp báo để nói về chính sách đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên nói rằng trong 20 năm đổi mới, từ chỗ bị cô lập về chính trị, cấm vận về kinh tế, Việt Nam đã nỗ lực mở rộng các mối quan hệ đối ngoại theo hướng đa dạng hóa và đa phương hóa:
Trong 20 năm đổi mới Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại gao thêm với 57 nước, nâng tổng số quốc gia có quan hệ chính thức với Việt Nam lên đến 169 nước, và quan hệ buôn bán với 224/255 thị trường của các nước và các vùng lãnh thổ.
Cũng theo lời ông Nguyễn Dy Niên thì Việt Nam sẽ tiếp tục con đường đổi mới, giữ vững và củng cố môi trường hòa bình và ổn định để tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn.
Để có thể đạt được mục tiêu này, một trong những trọng tâm của Bộ Ngoại Giao Việt Nam là tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong đó có việc đẩy lùi tham nhũng:
Tôi nghĩ rằng sắp tới thì Bộ Ngoại Giao Việt Nam sẽ cố gắng để tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc đầu tư vào Việt Nam. Điều thứ nhất là làm cho thế giới hiểu Việt Nam nhiều hơn. Điều quan trọng là bên trong chúng ta phải làm thế nào để chúng ta đẩy lùi được tham nhũng, chúng ta phải xây dựng hệ thống luật pháp một cách đầy đủ và hoàn thiện, và cái thứ ba là phải cải cách hành chính cho tốt .
Việt Nam cũng đặt nặng vấn đề thu hút sự đóng góp của người Việt hải ngoại vào công cuộc xây dựng đất nước, nhất là nguồn chất xám từ hơn 3 triệu người Việt ở hải ngoại :
Điều quan trọng là bây giờ làm thế nào để các nhà khoa học các nhà trí thức Việt Kiều về nước làm việc được với Việt Nam . Tuy nhiên các cơ sở vật chất của chúng ta chưa đáp ứng được với những kiến thức, tri thức của kiều bào như là kiều bào sống ở Pháp ở Đức ở Mỹ, Anh, ở các nước phát triển. Điều kiện làm việc của họ rất khoa học, rất tiên tiến nhưng về ta thì ta chưa đủ các điều kiện đó, và điều đó chúng ta phải khắc phục.
Dù chính phủ đã có những vận động nhằm tạo điều kiện dễ dàng để thu hút người Việt hải ngoại nhưng ông Nguyễn Di Niên cũng công nhận rằng trên thực tế vẫn còn có những khó khăn như lời của một nhà báo trong nước nêu lên trong phần đặt câu hỏi:
Đúng là kiều bào đang gặp nhiều khó khăn. Vừa rồi cũng có một số người mua được nhà mua được căn hộ những các thủ tục vẫn còn phức tạp. Chúng ta nói là một cửa nhưng thật sự ra nó có rất nhiều khóa, rất nhiều khóa trong một cửa.
Về các mối quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam nói rằng vẫn tiếp tục phát triển các mối quan hệ tối đẹp sẵn có. Đặc biệt ông nêu lên những thay đổi giữa Hoa Kỳ và Việt Nam từ khi 2 nước thiết lập bang giao cách đây 10 năm, trong đó có việc Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã đến thăm Hoa Kỳ trong năm ngoái. Trước đó năm 2000, Tổng thống Clinton cũng đến thăm Việt Nam. Ông cũng nêu lên những quan hệ giữa 2 nước mà trước đây không có, chẳng hạn như các quan hệ giữa giới quân sự với nhau, tàu chiến Mỹ đến viếng thăm các hải cảng của Việt Nam. Đó là chưa kể các trao đổi thương mại giữa 2 nước đã phát triển nhanh chóng, và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong một phát biểu mà người ta cho rằng có hàm ý nói đến những khác biệt giữa 2 nước trong một số vấn đề nhạy cảm như tự do tôn giáo, dân chủ và nhân quyền, giới chức ngoại giao Việt Nam nói rằng không vì những khác biệt đó mà các mối quan hệ giữa hai bên bị giảm sút:
Chúng ta cũng biết giữa 2 nước vì chúng ta có chế độ chính trị xã hội khác nhau , phong tục tập quán khác nhau văn hóa khác nhau cho nên nó cũng có những vấn đề khác nhau , nhưng không phải vì sự khác biệt đó, và đặc biệt là cái lịch sử , cái quá khứ nó rất là nặng nề. Nhưng không phải vì những khác biệt mà có trở ngại cho sự phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.
Về hội nghị APEC vào cuối năm nay, Ngoại Trưởng Nguyễn Dy Niên nói rằng hội nghị APEC sẽ thành công, nhưng mà mang dấu ấn của Việt Nam như là Việt Nam đã tổ chức hội nghị ASEM hội nghị Á-Âu năm 2004 và đặc biệt là Việt Nam rất cần sự hợp tác của các nước lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và 1 số nước khác.
Cũng theo lời Ngoại Trưởng Việt Nam thì để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của Tổng Thống Bush, Việt Nam có rất nhiều vấn đề phải chuẩn bị có liên quan đến chính trị, kinh tế và các vấn đề khác. Đôi bên đã đồng ý với nhau là sẽ tiếp tục đối thoại về những vấn đề mà Mỹ quan tâm. Nói chung thì cả Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những nỗ lực để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm và tham dự hội nghị APEC của Tổng thống Bush tại Hà Nội vào cuối năm nay.