Đại công ty Intel, nhà sản xuất chip điện toán lớn nhất thế giới, đang đầu tư vào Việt Nam, và chủ tịch Bill Gates của đại công ty nhu liệu Microsoft sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tuần này, nhưng công nghệ thông tin của Việt Nam còn phải đương đầu với nhiều thách đố to lớn. Phái viên Grant McCool của hãng thông tấn Reuters cho biết như thế trong bài tường thuật đánh đi từ Hà Nội hôm thứ tư.
Tháng hai vừa qua, công ty Intel loan báo kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip điện toán ở thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí 605 triệu đô la. Trong khi đó, người sáng lập Microsoft sẽ đến thăm Việt Nam vào thứ bảy tới đây để thảo luận với giới hữu trách Hà Nội về những kế hoạch hợp tác phát triển công nghệ thông tin.
Ông Myron Brilliant, phó giám đốc bộ phận Á Châu của Phòng Thương mại Mỹ, nói rằng: chớ có dựa vào một vài loan báo mà cho rằng công nghệ thông tin của Việt Nam đã tiến vào giai đoạn phát triển. Theo ông Brilliant, Việt Nam đang phải đương đầu với sự cạnh tranh kịch liệt trên tầm mức toàn cầu cũng như khu vực.
Nhận định này được đưa ra trong lúc Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của đảng Cộng sản Việt Nam đề cập đến tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong kế hoạch phát triển quốc gia khi ông đọc bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng lần thứ X.
Theo lời ông Nông Ðức Mạnh, giới hữu trách Hà Nội có quyết tâm đưa mức độ phát triển khoa học kỹ thuật của Việt Nam lên ngang tầm với các nước trong khu vực vào năm 2010 và sẽ gia tốc phát triển khả năng công nghệ, đặc biệt là khu vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và công nghệ vật liệu mới.
Các nhà quan sát cho biết trong lãnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam còn kém xa các nước đã đạt được vị thế vững vàng như Ấn Ðộ, Trung Quốc và Đài loan, và đang phải đối diện với sự cạnh tranh của Philipin và Bangladesh, là những nước cũng có chi phí lao động ở mức thấp như Việt Nam.
Tường thuật của Reuters trích lời một viên chức của Microft ở Việt Nam cho biết Việt Nam có tiềm năng cực kỳ to lớn trong việc phát triển công nghệ thông tin, nhưng vấn đề chính là làm thế nào để đánh thức tiềm năng đó và thể hiện tiềm năng bằng những phương cách tốt nhất. Kinh tế gia Jonathan Pincus của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc cho biết chìa khóa của nỗ lực này chính là giáo dục.
Ông nói rằng Trung Quốc đang ngày càng chi tiêu nhiều hơn cho việc tài trợ nghiên cứu phát triển (R&D) nhưng Việt Nam chưa làm được như vậy.
Theo phái viên của Reuters, giới hữu trách Hà Nội đã có một vài hành động nhắm tới việc nối kết tốt đẹp hơn công tác giáo dục bậc cao đẳng với cộng đồng doanh thương.
Hồi đầu tháng này, công ty công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, là công ty FPT, cho biết họ dự định mở một đại học tư dành cho chuyên viên nhu liệu điện toán và để phát triển khả năng ngoại ngữ. Hồi đầu tuần này, đại công ty điện toán Cisco của Mỹ và Đại học Kỹ thuật Hà Nội cũng đã khánh thành một phòng thí nghiệm về Networking.