Cuộc điều trần ở Hạ viện Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam

Chiều thứ ba, 29 tháng 3 tại hạ viện Hoa Kỳ đã diễn ra một cuộc điều trần về chủ đề : “Đối thoại về nhân quyền với Việt Nam: Việt Nam có đạt được tiến bộ đáng kể hay không ?

Tham dự buổi điều trần là các dân biểu, các giới chức bộ ngoạị giao đặc trách nhân quyền và những nhà tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và tự do cho Việt Nam. Sau đây là một số các chi tiết, do Lan Phương tường trình.

Mở đầu cuộc điều trần, Dân biểu Chris Smith, phó chủ tịch chủ tịch ủy ban quan hệ nước ngoài tại hạ viện Hoa Kỳ, nói rằng hiện nay Việt Nam đang muốn được hưởng qui chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn trong việc giao thương với Hoa Kỳ, muốn được chấp nhận làm thành viên của Tổ Chức Mậu Dịch thế Giới trước khi tổng thống Bush sang dự hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 năm nay nên chính Hà Nội đã yêu cầu Hoa Kỳ mở lại những cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền, những cuộc thảo luận đã bị bộ ngoại giao Hoa Kỳ đình chỉ kể từ năm 2002 vì thấy rõ là Hà Nội không nghiêm chỉnh đối với những quan tâm của Hoa Kỳ. Dân biểu Chris Smith lên tiếng khẳng định:

Ông nói rằng giờ đây cuộc đối thoại về nhân quyền đã dược mở lại, do chính Hà Nội yêu cầu, thì đây là điều bắt buộc và là cơ hội để chính quyền và quốc hội Mỹ tạo áp lực với Hà Nội để họ phải đưa ra thêm hành động thay vì chỉ thảo luận suông. Việt Nam cần phải chứng tỏ rằng họ không chỉ tìm cách “Giải quyết những hiểu lầm nho nhỏ” đang cản trở con đường tiến đến những mục tiêu kinh tế và chính trị quan trọng của họ, mà chính họ đã đưa ra những cam kết cải tổ và tôn trọng nhân quyền, cam kết làm tròn những điều ước quốc tế, đó là một cam kết căn bản và Hoa Kỳ sẽ không quên lãng sau khi Hà Nội đạt được các mục tiêu của họ.

Lên tiếng tại buổi điều trần, ông Michael Cromartie, chủ tịch Ủy Ban Hoa Kỳ về Tôn Giáo Thế Giới, trưng dẫn rất nhiều trường hợp cụ thể vi phạm quyền tự do tín ngưỡng xảy ra trong những năm qua như cưỡng bách các sắc dân Thượng bỏ đạo tại những nơi, những người thượng tại cao nguyên Trung phần biểu tình đòi tự do tôn giáo bị bắt giữ vì họ bị qui tội vi phạm các luật lệ

“An ninh quốc gia” và “Đoàn kết quốc gia” Ông cũng ghi nhận những vụ bắt giữ và kết án tù nhiều năm các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo vào năm ngoái. Các hòa thượng Thích Quảng Độ và Thích Huyền Quang thuộc giáo Hội Việt Nam Thống Nhất vẫn bị hạn chế gắt gao quyền tự do đi lại và quyền tiếp xúc với người khác.

Tuy nhiên, theo chủ tịch Ủy Ban Hoa Kỳ về Tôn giáo thế Giới, Việt Nam đã có một số những tiến bộ, họ từ từ cho mở cửa lại 450 địa điểm hành đạo bị đóng từ năm 2001. Tình hình tại các tỉnh Gia Lai, Kontum và Bình Phước đã cởi mở hơn. Tuy nhiên rrong tỉnh Đắc Lắc thì việc mở cửa lại các nhà thờ vẫn rất ít.

Năm ngoái, Việt Nam đã nới lỏng bớt những hạn chế nhắm vào giáo hội công giáo, điển hình chuyến đi của một đặc sứ tòa thánh đến Hà Nội chủ tọa lễ tấn phong cho 57 linh mục, và một tổng giám mục mới đã được bổ nhiệm tại miền nam.

Tuy nhiên, ông Cromartie cũng bày tỏ sự ngờ vực rằng những luật lệ mới được ban hành sẽ có trụ hình được hay không ở một quốc gia nơi chế độ pháp quyền không được thực thi đầy đủ, và phải chăng những thay đổi này chỉ là hành động to son điểm phấn giả tạo nhắm gia tăng khả năng cho Việt Nam được hưởng qui chế mậu dịch bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ và để cho Việt Nam được vào Tổ Chức Thương Mại Thế giới mà thôi ? Chủ tịch Ủy Ban Hoa Kỳ về Tôn Giáo Thế Giới đưa ra nhận định sau đây về tình hình nhân quyền tại Việt Nam:

Ông nói: Các tù nhân tôn giáo vẫn còn bị giam cầm, nhà thờ vẫn còn bị đóng cửa, tín đồ vẫn bị cưỡng bách phải bỏ đạo, những hạn chế và sách nhiễu nhắm vào nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau tại Việt Nam vẫn tiếp tục.

Tất cả những vi phạm này đã bớt thường xuyên hơn so với quá khứ, tuy nhiên vẫn còn những quan ngại nghiêm trọng trong tất cả những lãnh vực này.

Ông cũng đưa đề nghị như sau :

Ông nói mặc dù những lời hứa hẹn cải thiện trong tương lai là điều đáng khích lệ, Hoa Kỳ không nên tưởng thưởng cho Việt Nam quá vội vàng bằng cách đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt hay giảm nhẹ những quan ngại về nhân quyền trong khi nhắm tới những quyền lợi kinh tế hay quân sự.

Một chuyên gia về phát triển dự án thuộc Tổ chức Nhân Quyền Người Thượng, bà Kay Reibold vẫn làm việc cho cộng đồng người Thượng tỵ nạn từ nhiều năm nay tại bang North Carolina, công nhận đã có những cải thiện và tiến bộ trong một số lãnh vực nhân quyền như thủ tục di cư khỏi nước, nhưng bà lên tiếng báo động về tình trạng người Thượng bị đàn áp tôn giáo, bị kỳ thị về kinh tế và xã hội, những tổ chức phi chính phủ muốn tìm cách giúp đỡ người Thượng thường hay bị làm khó dễ. Những người Thượng bỏ xứ trốn sang Campuchia tỵ nạn lâm vào tình cảnh khốn cùng. Họ bị cảnh sát Campuchia hợp tác với bộ công an Việt Nam lùng bắt và đem giao nộp để lấy tiền thưởng.

Một số người bị trả về đã bị cảnh sát dọa nạt, đánh đập hoặc tra tấn. Bà lên tiếng kêu gọi Cao Ủy tỵ nạn LHQ hãy ngưng ngay việc giao trả những người Thượng tỵ nạn về nước vì tuy không phải ai bị giao trả về cũng bị tra tấn nhưng không có gì bảo đảm là họ sẽ được che chở khi trở về.

Bà Key Reibold, thuộc Tổ Chức Nhân Quyền Người Thượng, đề nghị hãy giữ Việt Nam lại trong danh sách các quốc gia đáng quan tâm.

Ông Nguyễn Đình Thắng, thuộc Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển, công nhận một số những cải thiện của Việt Nam trong lãnh vực nhân quyền như ban hành nghị định tôn giáo, trả tự do cho một số tù nhân chính trị và tỏ ra thẳng thắn hơn trong các cuộc thảo luận vừa qua về nhân quyền với phái đoàn Hoa Kỳ. Nhưng ông cũng nêu lên những quan ngại về nhân quyền tại Việt Nam trong lãnh vực tôn giao, về người tỵ nạn, về người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc bị bóc lột, như ở Đài Loan và Malaysia, và nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em.

Theo ông Thắng, chính phủ Việt Nam dường như thi hành chính sách hai mặt. Chính phủ trung ương thì hứa thay đổi để xoa dịu những quan ngại của cộng đồng quốc tế, còn ở địa phương thì nhiều nơi các giới chức lại sách nhiễu tín đồ, ngược đãi các lãnh đạo tôn giáo và ngăn cản những hoạt động tôn giáo.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, cựu tù nhân chính trị và là nhà tranh đấu cho dân chủ Việt Nam, nhắc đến sự mâu thuẫn hiện nay của giới lãnh đạo đảng cộng sản, một mặt thì đã phải theo kinh tế thị trường nhưng một mặt cứ bám víu lấy độc quyền chính trị và ý thức hệ, đưa tới hậu quả là các giá trị vật chất được nâng cao, còn nhân phẩm, sự bình đẳng và phẩm chất đời sống bị hạ thấp.

Tình trạng này không những chỉ làm chậm mức phát triển kinh tế mà còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng như tàn phá môi sinh, tham nhũng, lạm quyền bất công xã hội phá vỡ nền tảng văn hóa và giáo dục và đào sâu thêm khoảng cách giữa giàu và nghèo, giữa thành thị, thôn quê và vùng cao nguyên rừng núi. Ông cũng đề cập đến những tiếng nói bất đồng chính kiến bày tỏ những bức xúc vào dịp trước khi họp đại hội đảng thứ 10. Theo giáo sự Hoạt, cho dù khoảng thời gian góp ý có ngắn ngủi, đây là một thông diệp rõ ràng gửi tới cho tất cả những ai liên hệ, rằng Việt Nam cần phải có một cuộc đổi mới thứ nhì.

Thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam, theo giáo sự Hoạt, coi việc tôn trọng nhân quyền là một ân huệ mà nhà nước ban cho dân, và chỉ có được dưới áp lực quốc tế, chứ không được nhà nước coi là một bổn phận đối với nhân dân.