Các trường học tại thủ đô Washington có được lợi thế hơn các trường ở những thành phố khác trên toàn quốc. Các đại sứ quán của mỗi nước đều đặt tại đây. Hôm nay Lá Thư Mỹ Quốc sẽ đến với quí thính giả căn cứ trên bài viết của Faiza Elmasry về Chương Trình Bảo Trợ Đại Sứ Quán để giúp gặt hái được kết quả tốt nhất nhờ cơ hội độc nhất vô nhị trong việc học hỏi và trao đổi văn hóa.
Em Nicholas và Kennisha, học sinh lớp 6, đang được học hỏi về văn hóa nước Nhật tại trường tiểu học Birney.
Trước khi được học, em cứ nghĩ môn này thật kỳ cục. Nhưng bây giờ làm quen được rồi thì em bắt đầu cảm thấy nể trọng. Em đã được nếm thử món ăn của họ. Em muốn rằng một ngày nào đó em có thể đến thăm nước Nhật.
Trước kia em cứ ngỡ là tiếng Tàu và tiếng Nhật đều giống nhau, nhưng bây giờ thì em biết là không phải như vậy.
Thầy giáo Steve Herman hướng dẫn các em, từng được nghe rất nhiều những chuyện như vậy.
Tôi kinh ngạc thích thú biết chừng nào khi thấy các em hết sức cởi mở trong việc học hỏi về các quốc gia khác, các nền văn hóa khác.Trước khi theo học lớp này các em chỉ nghe nói đến tên các quốc gia khác nhưng chưa bao giờ có cơ hội để tìm hiểu xem quốc gia ấy, ngôn ngữ của nước ấy, phong tục tập quán của nước ấy như thế nào.
Thầy giáo Steve Burton cho biết các học sinh 11, 12 tuổi trong lớp của thầy có được cơ hội để học hỏi về văn hóa bằng mọi giác quan: các em dùng bản đồ và sách vở để tìm hiểu một quốc gia, rồi các em còn được nếm các món ăn của quốc gia đó, nghe những bài ca, học các điệu vũ, làm đồ thủ công và chơi các trò chơi. Mỗi năm thầy lại chú trọng đến một quốc gia khi giảng giải cho học sinh, và thầy cho biết đại sứ quán của quốc gia đó đảm nhận một vai trò thật tích cực trong việc giúp cho học sinh tìm hiểu.
Năm ngoái chúng tôi làm việc chung với đại sứ quán Tunisie. Họ rất thích thú về chương trình của trẻ em học hỏi về văn hóa qua các đại sứ quán. Họ đến trường học của chúng tôi, họ giảng giải cho các em học sinh của chúng tôi về bất cứ những gì mà các em muốn biết về xứ sở của họ. Họ trả lời những thắc mắc cho các em và học sinh của chúng tôi lấy làm thích thú lắm.
Lớp 6 mà ông Burton dạy nằm trong Chương Trình Bảo Trợ Đại Sứ quán., một chương trình hợp tác độc đáo để làm giàu thêm cho kiến thức về văn hóa được khởi sự từ năm 1974.
Tôi đã chứng kiến chương trình ngày càng mở rộng để lôi cuốn thêm nhiều đại sứ quán tham dự vào chương trình này. Giờ đây chúng tôi có 50 đại sứ quán cộng tác với 50 trường học ở khắp thủ đô.
Phối trí viên Njambi, cho biết nhân viên các đại sứ quán cũng rất thích thú về chương trình này giống như các học sinh vậy. Họ đến các lớp học, tổ chức các chương trình đặc biệt và dẫn các em đến thăm sứ quán. Những chuyến đi này giúp cho trẻ em trực tiếp biết được lề lối mà các dân tộc khác cử hành những tập tục, truyền thống của họ như thế nào.
Sự tham gia của Ả Rập Saudi rất nồng nhiệt. Họ còn tổ chức cả một buổi trình diễn thời trang cho trẻ em. Đến ngày lễ Ramadan của Hồi giáo thì họ mời các em đến uống trà, ăn chà là. Chúng tôi lại được một đại sứ quán của 1 quốc gia trong vùng Scandinavie mời dự lễ giáng sinh trong tháng 12. Thế nên chúng tôi rất thích thú trong việc tìm hiểu, vừa học lại vừa phát huy được những quan hệ mật thiết có tính cách cá nhân và rất chặt chẽ với các đại sứ quán.
Trước khi trở thành điều phối viên cho chương trình này bà Njambi là cô giáo lớp 6 và đến nay thì bà đã làm việc với chương trình này được 25 năm. Năm 1991, 1 trong những học trò của bà là Yolanda Bailey, vẫn còn nhớ rất rõ về Chương Trình Bảo Trợ Đại Sứ Quán.
Năm đó, chúng tôi học về Senegal, và liên lạc chặt chẽ với sứ quán nước này. Suốt niên học chúng tôi theo các lớp học vũ, học nói tiếng Wolof của Senegal, học một chút tiếng Pháp. chúng tôi lại còn được sang thăm viếng Senegal nữa.
Cô Bailey cho biết tham gia vào chương trình này giúp cho cô biết mở rộng tầm nhìn đến những nơi chốn mới, người mới và kinh nghiệm mới.
Kinh nghiệm học tập đó đã làm phong phú thêm tất cả mọi khía cạnh trong đời sống của tôi, vượt lên trên phạm vi của một học sinh,giúp phát triển thêm con người toàn diện. Lớn lên trong lòng thủ đô Washington., thật khó mà tưởng tượng ra được có chỗ nào khác ở bên ngoài thủ đô Washington. Kinh nghiệm học hỏi về văn hóa các nước dạy cho tôi không sợ hãi khi phải đi đây đi đó nữa. Đến lúc học xong trung học, tôi tham khảo với bà Njambi, sau này không phải chỉ là người thầy cũ mà tôi còn coi bà như một người đỡ đầu, vì tôi cảm thấy sợ hãi khi phải xa nhà xuống học ở đại học North Carolina. Bà khuyên tôi rằng “Con à, 12 tuổi con đã đi Phi châu rồi thì bây giờ xuống Carolina có 4 tiếng đồng hồ thôi”
Trong hơn 3 thập niên qua hơn 35000 học sinh tại thủ đô Hoa Kỳ đã có được cơ hội cho một tầm nhìn mới. Theo điều phối viên Njambi thì Chương Trình Bảo Trợ Đại Sứ Quán lại càng thích hợp với thời thế hơn vào lúc có đụng chạm về văn hóa và đôi khi lại thiếu sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Bà muốn rằng mọi sứ quán tại thủ đô Washington sẽ tham gia chương tirnh này, để mở rộng hơn khung cửa nhìn ra thế giới cho các học sinh.