Trò chuyện cùng nhà văn Vũ Thư Hiên

Nhà văn Vũ Thư Hiên vừa từ nước Pháp đi một vòng nước Mỹ để thăm các bạn văn và các độc giả đã từng yêu mến ông qua nhiều tác phẩm, đặc biệt là tập hồi ký “Đêm Giữa Ban Ngày”. Khi ghé Washington tuần này, ông đã dành do đài TNHK một buổi trao đổi thân tình liên quan đến vấn đề văn chương. Mời quý vị theo dõi.

VOA: Thính giả bên trong Việt Nam muốn biết cuộc sống hiện nay của những nhà văn như ông. Xin cho biết qua một vài điều về sinh hoat hằng ngày của ông bây giờ và các nhà văn Việt Nam ở Pháp, Mỹ hay ở hải ngoại nói chung.

VTH: Tôi nghĩ rằng lớp nhà văn già, có bao nhiêu người tôi không tính được, nhưng những người lớp tuổi trên 60, 65 thì chắc là giống tôi, vì bên này An Sinh Xã Hội có cấp tiền cho người già. Còn anh em nhà văn trẻ hơn vẫn có công ăn việc làm. Có lẽ cũng là cái tốt cho họ vì môi trường hoạt động của họ sẽ rộng hơn, họ có dịp đi nước này nước khác nhiều hơn, gặp gỡ các nhà văn nước này nước khác nhiều hơn. Tôi nghĩ anh em trẻ có khác, nhưng đồng thời chúng ta cũng thấy gần đây có một số nhà văn hoàn toàn viết bằng tiếng nước ngoài.

VOA: Tuy sống tại Pháp nhưng chắc chắn là ông vẫn có dịp theo dõi tình hình văn học bên trong Việt Nam. Vậy thì ông có những nhận xét gì về tình hình văn học bên trong Việt Nam hiện nay, điển hình là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, các bài thơ của Nhóm “Mở Miệng”, tập thơ “Dự báo phi thời tiết” của Nhóm 5 Con Ngựa Trời v.v…

VTH: Tôi cũng chăm chú theo dõi tình hình văn học trong nước, tôi thấy nó tiến chậm chạp so với các nước khác. Văn học ở các nước khác không có những điều cấm kỵ, người đọc đủ trưởng thành để tự chọn món ăn tinh thần cho mình, không cần sự khuyên nhủ của một nhà nước nào hay một cơ quan nào. Những hiện tượng có tiếng ồn trong văn học, thì tôi nghĩ “Nhật Ký Đặng Thùy Trâm” không thể coi là một tác phẩm văn học được. Đó là một tư liệu về tinh thần dấn thân của một thanh niên đi theo một lý tưởng, nhưng nếu nói đó là một tác phẩm văn học thì chắc là không thể nói được.

Còn nhóm Mở Miệng thì tôi cũng đọc thỉnh thoảng, bắt gặp những nét của những anh em trẻ. Tôi nghĩ rằng nhóm Mở Miệng còn tồn tại được vì họ nói những điều không đụng chạm lắm.

5 Con Ngựa Trời cũng thế, nó cũng chỉ phi ở những con đường không có rào cản, nếu có rào cản chắc là không phi được. Dù sao mặc lòng, mình thấy tình hình hình văn học cũng thoáng hơn.

VOA: Ông vừa nói đến “thoáng”, như vậy là các nhà văn bên trong Việt Nam hiện nay không còn “biết sợ” giống như nhà văn Nguyễn Tuân đã từng nói trước đây.

VTH: Tôi nghĩ là cái sợ nó cũng bớt đi rồi. Nó bớt cũng là do tình thế, tức là Việt Nam bây giờ cũng phải hội nhập vào thế giới. Ngày xưa cái cấm kỵ nó nhiều hơn, cái sợ nó nhiều hơn. Bây giờ cấm kỵ giảm đi thì cái sợ cũng bớt đi. Nhưng vẫn có những cái phải sợ, bởi vì nếu mà không cẩn thận sẽ gặp phiền phức, mặc dù Việt Nam đã có những cố gắng để hội nhập với thế giới, tức là chịu khó từ bỏ hành động toàn trị mà trước kia vốn thuộc bản chất của chế độ xã hội ấy. Thí dụ trước kia chỉ cần nói hơi một tí cũng đủ để bỏ người ta vào tù, cho người ta một lệnh tập trung 3 năm, sau đó 3 năm nữa, rồi 3 năm nữa, không biết bao giờ mới ra. Bây giờ người ta cố gắng làm nó khác đi, cho gần với nhân loại bình thường hơn. Và có lẽ theo quán thính thì sự sợ hãi vẫn còn, nó vẫn còn sống dai dẳng. Vì vậy cho nên con đường dân tộc Việt Nam đi đến chỗ khá hơn, tức là bứt phá khỏi vòng vây của những tư tưởng cổ hủ và sai trái để phóng lên con đường cùng với nhân loại, xem ra cũng còn nhiều gian nan lắm.

VOA: Nếu ông nói rằng vẫn còn sợ thì chúng ta đã thấy các phát biểu của Trần Mạnh Hảo; các hồi ký của Trần Vàng Sao hoặc Tiêu Dao Bảo Cự, thì họ đâu có sợ gì đâu.

VTH: Cái đó nó cũng nằm trong cái chung thôi. Ví dụ như trước đây không người nào dám nói như anh Trần Mạnh Hảo, anh Tiêu Dao Bảo Cự ; thì bây giờ không phải một người mà có nhiều người nói. Số đông bao giờ cũng cho người ta cái cảm giác bớt sợ hãi, tất nhiên những người đi tiên phong thì phải gánh chịu những cái khó khăn hơn.
Đặc biệt là gần đây có những người từng giữ những chức vụ khá trong cơ quan đảng hoặc nhà nước, ví dụ như ông Nguyễn Trung, từng là Đại Sứ, ông ta viết tôi thấy cũng nặng nề lắm. Ông viết: đảng cộng sản cứ nắm chặt con tàu Việt Nam , còn đảng viên đảng cộng sản Việt Nam thì cứ giữ chặt những cái ghế trên con tàu ấy, mà con tàu này thì đi theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, mà đảng cộng sản Việt Nam chưa nói rõ Xã Hội Chủ Nghĩa nó là cái gì.

VOA: Một số người nói rằng, so với thời phải ăn bo bo trước đây thì bây giờ đã khá hơn nhiều rồi. Là một nhà văn, ông nghĩ sao về luận điểm này.

VTH: Tôi cho là đúng. Khá nhiều chứ, nó xảy ra với bất kỳ một nước nào, chứ không riêng Việt Nam, như là một hiện tượng thần kỳ, không có đâu. Còn nếu nói rằng bây giờ khác trước, thì chỉ có những cán bộ tuyên huấn mới nói đấy là thành tích do đảng cộng sản tạo ra, chứ còn người dân bình thường người ta thấy hết chiến tranh thì người ta phải làm, phải sống, và sống khá hơn trước. Nhưng bây giờ, đáng chú ý là nếu như có cái gì đó, do đảng cộng sản tạo ra thì đó là sự phân biệt giàu nghèo, sự chênh lệch kinh khủng hiện nay. Ta thử tính xem, một thằng cha nó cá độ đến 1 triệu 8 đôla, báo trong nước đăng rồi, thì thử hỏi một nông dân cần cù phải nhịn ăn bao nhiêu năm và bao nhiêu thế hệ nữa mới chơi được một lần cá cược như anh kia.

VOA: Có những tác phẩm văn học mà sau khi đọc xong, chúng ta có thể gọi là tiếng kêu của loài chim báo bão. Việt Nam đã có một tác phẩm nào báo bão hay chưa, thưa ông?

VTH: Chưa có tác phẩm nào có tính chất báo bão cả. Việt Nam chúng ta có cái đặc biệt là chẳng bao giờ ở cái mắt bão trên đất nước chúng ta cả. Chúng ta toàn chịu những cơn bão rớt thôi. Bão ở vùng biển Đông và nó rớt vào vùng này vùng kia ở nước ta. Những chấn động thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam rất nhiều, và nếu người Việt Nam không mau mắn để chọn con đường đi của mình, cứ chờ đợi một chấn động từ bên ngoài, thì đất nước mình sẽ chậm chạp lắm. Nếu có một con chim báo bão nào thì nó phải báo to điều đó.