Những người thuộc dân tộc Karen ở Miến Điện đã chiến đấu chống lại chính phủ trung ương ngót 60 năm nay. Và nay họ vẫn còn kiên quyết mặc dầu gặp phải thất bại và có ít tài nguyên. TTV đài VOA Ron Corben từ vùng biên giới chung Thái Lan-Miến Điện gửi về bài tường thuật sau đây, sau khi đã nói chuyện với một số thủ lãnh người Karen.
Tiếng động cơ của những con thuyền có đuôi dài chở khách trên sông Moei. Con sông này làm thành ranh giới giữa hai nước Miến Điện và Thái Lan. Một số các thuyền này dừng lại nơi một khoảng rừng thưa bên này sông; đây là bộ chỉ huy của quân nổi dậy người dân tộc Karen. Rừng nhiệt đới hiện ra lờ mờ trên các ngọn đồi nhìn xuống cộng đồng nhỏ bé này.
Đại tá Ner Dah Mya chỉ huy một tiểu đoàn quân nổi dậy Karen. Ông tuyên bố với báo chí rằng người dân tộc Karen phải chiến đấu dũng cảm chống lại quân đội Miến Điện.
Chúng tôi phải tiếp tục tiến lên. Chúng tôi cũng cần có một cuộc đấu tranh chính trị, nghĩa là một cuộc chiến đấu chính trị lẫn quân sự, trên chiến trận cũng như nơi bàn thương nghị. Và chúng tôi sẵn sàng chiến đấu trên cả hai mặt trận này. Chúng tôi cần chứng tỏ cho thế giới thấy chúng tôi là dân tộc Karen, và là một quốc gia; chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ tổ quốc của chứng tôi.
Liên minh Dân tộc Karen đã chiến đấu đòi quyền tự trị trong ngót 60 năm nay. Liên minh này nằm trong số khoảng 20 nhóm thiểu số đã chiến đấu chống chính phủ kể từ khi Miến Điện giành được độc lập vào năm 1948. Trong mấy năm gần đây, 17 trong số các nhóm này đã ký thỏa thuận ngưng bắn với chính quyền Rangoon. Người Karen không ký, và với một số dân khoảng 7 triệu người, họ có một trong các lực lượng vũ trang đông đảo nhất ở Miến Điện.
Tuy vậy, hằng ngàn người Karen đã tử thương trong cuộc chiến đấu này hoặc đã chết vì cuộc sống quá cơ cực trong những cánh rừng nhiệt đới ở Đông Nam Á. Ngày nay Liên minh Dân tộc Karen chỉ có một lực lượng khoảng 4000 chiến binh, chẳng thấm vào đâu so với thập niên 1980, khi lực lượng chiến đấu của họ gồm 20000 quân sĩ. Ngoài ra, tình trạng chia rẽ trong nội bộ cũng làm thuyên giảm sức mạnh của người Karen.
Ông Bertil Lintner, một giáo sư người Thụy Điển, là tác giả nhiều sách báo nói về Miến Điện và nền chính trị của nước này. Ông cho rằng người Karen không có nhiều hy vọng trong cuộc kháng chiến chống lại 400 trăm ngàn quân của quân đội Miến Điện.
Họ không có cách nào đánh bại được quân đội Miến Điện. Nhiều lắm là họ chỉ có thể hy vọng tồn tại để tiếp tục nêu cao chính nghĩa của họ mà thôi.
Nhân Ngày Cách mạng Karen mới đây vào hôm 31 tháng giêng, các thủ lãnh đã đến trại binh trong rừng rậm này để ngỏ lời với dân chúng và ủy lạo khoảng 200 quân sĩ.
Từ lâu nay, người Karen vẫn lập luận rằng họ vốn có những đặc tính cá biệt về lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa. Những đặc tính này giúp họ có đủ tư cách hợp thành một “quốc gia.” Đại tá Ner Dah Mya phác họa các mục tiêu của người Karen vào lúc này như sau:
Nguyện vọng của người Karen thật là đơn giản: họ chỉ muốn có tự do và lãnh thổ để nhân dân Karen có thể sống yên ổn trong hài hòa.
Quân đội đã cầm quyền ở Miến Điện kể từ năm 1962, và dưới sự cai trị của họ, người Karen thật khó lòng giành được quyền tự trị đó. Ông Lintner và các chuyên gia khác cho rằng chính phủ chắc sẽ không dành quyền tự trị cho các nhóm thiểu số, mà cũng không thực hiện một cuộc cải cách dân chủ quan trọng nào, mặc dầu chính phủ đang soạn thảo một tân hiến pháp dựa vào tình đoàn kết quốc gia. Các cuộc thương thuyết ngưng bắn của Liên minh Dân tộc Karen với chính phủ năm 2004 đã lâm vào tình trạng bế tắc. Hiện thời hai bên đang thi hành một cuộc hưu chiến không chính thức, nhưng không ai biết rõ là cuộc hưu chiến này sẽ kéo dài được bao lâu.