Một tổ chức quốc tế tranh đấu cho quyền tự do ngôn luận đã liệt kê Việt nam vào danh sách các nước đàn áp tự do ngôn luận trên mạng lưới thông tin toàn cầu nghiêm trọng nhất thế giới trong năm 2005.
Trong thông cáo phổ biến hôm thứ tư, Tổ chức Ký giả Không Biên giới, bản doanh đặt tại Paris, đưa ra một danh sách 15 nước mà họ gọi là ‘kẻ thù của Internet’ - gồm có Việt nam, Belarus, Miến điện, Trung quốc, Cuba, Iran, Lybia, quần đảo Maldives, Nepal, Bắc triều tiên, Ả Rập Saudi, Syria, Tunisia, Turkmenistan và Uzbekistan.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ban Việt ngữ đài VOA, chuyên gia về tự do ngôn luận trên mạng của Tổ chức Ký giả Không Biên giới, ông Julian Pain đã cho biết lý do vì sao Việt nam bị liệt kê vào danh sách này:
Trước hết, tôi xin nói là Việt nam đã bỏ tù 3 người chỉ vì những người này đã đăng tải trên Internet những bài viết của họ. Nói chung thì có hai lý do khiến Việt nam bị liệt kê vào danh sách ‘kẻ thù Internet’. Thứ nhất là họ bỏ tù những người bày tỏ ý kiến của mình trên internet, và thứ nhì là chính phủ áp dụng biện pháp kiểm duyệt đối với những websites chỉ trích chính quyền. Hiện nay, có ba nhân vật bất đồng chính kiến internet đang bị giam giữ ở Việt nam là các ông Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình và Nguyễn Khắc Toàn. Năm 2004, chính phủ ở Hà nội cầm tù tổng cộng 7 nhân vật bất đồng chính kiến hoạt động trên internet, nhưng họ đã thả 4 người.
Khi được hỏi, phải chăng điều này cho thấy Việt nam đã có chút ít tiến bộ, ông Julian Pain cho biết như sau:
Không, không hề có tiến bộ. Tuy họ đã thả 4 nhân vật bất đồng chính kiến trên mạng, nhưng lý do là vì: những người đó hoặc mắc bệnh quá nặng mà chính quyền không muốn xảy ra tình trạng những người đó bị chết trong tù, hoặc họ đã mãn hạn tù, sau khi đã ngồi tù 3, 4 năm. Chính sách đàn áp tự do ngôn luận trên internet của chính quyền Việt nam vẫn không thay đổi. Một bằng chứng rõ ràng nhất là vụ 3 người xử dụng internet bị bắt ở thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi gọi là ‘vụ 3 người trẻ ở đường Nguyễn Kiệm.’ 3 thanh niên, 2 nam một nữ, đã bị bắt tại nhà của họ hôm 19 tháng 10 năm 2005 chỉ vì họ tham gia cuộc thảo luận trên một diễn đàn chính trị có tên Pal Talk của một công ty internet ở Mỹ. Cho đến nay, những người trẻ tuổi này đã hoàn toàn bị mất liên lạc với gia đình và không ai biết họ bị giam ở đâu.