Vụ thảm sát Đông Châu

Hôm 6 tháng 12 vừa qua, công an vũ trang Trung quốc đã nổ súng bắn chết những người biểu tình ở trấn Đông châu trong tỉnh Quảng Đông. Nhiều nhà quan sát nói rằng vụ thảm sát có tính chất tương tự như vụ đại thảm sát Thiên an môn này đã xảy ra không lâu sau khi chủ tịch Hồ Cẩm Đào của Trung quốc đề xuất một chủ trương mới gọi là ‘đồng phú luận’ để kiến tại một xa hài hòa. Mới quí thính giả thed thêm một số chi tiết về vụ này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:

Quí vị vừa nghe lời than khóc của cô Vương, một thôn nữ ở trấn Đông Châu thuộc thành phố Sơn Vĩ gần vịnh Hồng Hải của tỉnh Quảng Đông. Cô cho biết vị hôn phu của cô là anh Lâm Di Duyệt, 26 tuổi, đã bị cảnh sát vũ trang bắn chết trong vụ thảm sát mà nhiều người cho là một hành động đàn áp dã man của nhà cầm quyền Trung quốc – không khác gì vụ đàn áp nhắm vào các sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn năm 1989. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA, cô Vương nói rằng anh Lâm đã từ Thượng hải về quê để bàn chuyện làm lễ cưới chỉ vài ngày trước khi xảy ra biến cố hôm mồng 6 tháng 12.

Vụ thảm sát Đông Châu xảy ra trong lúc dân làng thực hiện một cuộc biểu tình ngồi lỳ tại một khu vực mà nhà cầm quyền đã qui hoạch để xây dựng nhà máy phát điện chạy bằng sức gió nhưng lại không bồi thường thỏa đáng cho dân chúng về số đất đai bị trưng dụng. Những người mục kích cho biết các lực lượng an ninh - bao gồm cảnh sát vũ trang và công an, đã huy động xe tăng và thiết giáp bao vây đám người biểu tình rồi nổ súng bắn vào đám đông, gây tử vong cho khoảng 20 người. Ngoài ra còn có mấy mươi người bị thương và nhiều người khác còn mất tích.

Trong số những người bị thảm sát có ông Ngụy Cẩm, năm nay 32 tuổi, có hai đứa con 2 tuổi và 4 tuổi. Anh của ông Cẩm cho biết em ông đã bị giết hại một cách dã man.

Thoạt đầu, em tôi bị trúng một phát đạn vào chân. Sau đó, công an lại bắn thêm hai phát nữa, không rõ là họ bắn vào đầu hay vào ngực, nhưng em tôi đã chết ngay tại chỗ. Cho đến nay, chính quyền vẫn còn giữ xác em tôi. Họ nhất định không chịu đem trả để chúng tôi chôn cất.

Ông Giang Quang Quí đã từ nơi làm ăn xa vội vã trở về quê sau khi nghe tin anh của ông là ông Giang Quang Cách bị bắn chết. Ông Quí nói rằng ông và dân làng vô cùng căm phẫn trước hành động xem thường sinh mạng con người của nhà chức trách.

Mọi người ai nấy cũng đều vô cùng phẫn nộ trước việc nhà cầm quyền hoàn toàn không tôn trọng quyền sinh tồn của con người và đã tùy tiện tước đoạt mạng sống của dân chúng như thế.

Bà Đinh Tử Lâm – cựu giáo sư Đại học Nhân dân Trung quốc và có người con trai bị Quân đội Giải phóng Nhân dân bắn chết ở Bắc kinh năm 1989, đã ra sức vận động trong nhiều năm qua để đảng Cộng sản Trung quốc xét lại biến cố Thiên an môn. Bà nói rằng vụ thảm sát Đông Châu cũng tương tự như vụ thảm sát mà dân chúng Trung quốc vẫn gọi là vụ Đại Thảm Sát Lục Tứ.

Bất kể là số thương vong của dân chúng trong vụ này nhiều hay ít thì tính chất của nó cũng giống hệt như biến cố Thiên an môn xảy ra ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989. Trong cả hai vụ, nhà cầm quyền đã dùng súng đạn để giết chết người dân vô tội. Tại Thiên an môn, quân đội đã sát hại những sinh viên đòi tự do dân chủ. Tại Đông châu, cảnh sát vũ trang đã bắn chết những dân làng tranh đấu để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Hôm thứ ba vừa qua, bà Đinh Tử Lâm đã cùng với hơn 50 học giả và các nhà trí thức Trung quốc phổ biến trên internet một bức thư lên án vụ thảm sát Đông Châu và yêu cầu giới hữu trách điều tra cặn kẽ và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm. Bà Đinh cũng nói rằng việc đảng Cộng sản Trung quốc tiếp tục ngoan cố, không chịu xét lại bản chất của vụ án Thiên an môn, chính là nguyên do đưa tới vụ trấn áp dã man ở tỉnh Quảng đông. Cùng ký tên trong bức thư công khai này là ông Lưu Hiểu Ba, một nhà phê bình văn hóa nổi tiếng của Trung quốc. Oâng nói rằng hành động này khiến nhiều người nghi ngờ về chủ trương xây dựng một xã hội hài hòa mà chủ tịch Hồ Cẩm Đào đề xuất trong thời gian gần đây. Ông Lưu Hiểu Ba nói tiếp như sau:

Tôi nghĩ rằng đây là một hành vi bạo lực đã khiến cho mọi người vô cùng kinh ngạc và sửng sốt. Qui mô của vụ thảm sát này tuy nhỏ hơn nhiều so với vụ đại thảm sát Thiên an môn, nhưng đây cũng chính là một vụ thảm sát; vì quân đội đã dùng súng đạn để giết hại thường dân, giết hại những người trong tay không có một tấc sắt.

Ông Lưu Hiểu Ba, cùng với các nhân vật tranh đấu ở Trung quốc, lại một lần nữa yêu cầu giới lãnh đạo Bắc kinh tiến hành cải cách dân chủ vì họ cho rằng hệ thống chính trị mà họ gọi là ‘què quặt’ hiện nay khiến cho bất ổn xã hội gia tăng và làm phát sinh nhiều vụ xung đột giữa người dân với chính quyền.

Một số các nhà quan sát cho rằng: mặc dù đây là lần đầu tiên trong gần 20 năm nay chính quyền Trung quốc dùng súng đạn để đàn áp biểu tình, nhưng vụ thảm sát Đông Châu cũng nằm trong khuôn khổ của chính sách mà giới lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc đã áp dụng từ nhiều năm nay để giải quyết những vấn đề phát sinh từ nạn tham nhũng tràn lan của các viên chức chính phủ và từ tình trạng bất công cao độ trong xã hội -- đặc biệt là tỉ lệ chênh lệch giữa mức thu nhập của thị dân với thôn dân đã từ con số 1,9 lần của năm 1978 tăng lên tới 3,2 lần hồi năm ngoái. Tường thuật hôm 13 tháng 12 của tạp chí BusinessWeek ở Mỹ cho biết: trong thời gian gần đây, chính phủ Trung quốc đã bắt đầu áp dụng những chính sách nhằm giải quyết vấn đề nông dân và nông thôn và dành cho nông dân nhiều quyền hạn hơn trước. Nhưng đồng thời nhà chức trách cũng tăng cường các biện pháp để trấn áp những người bày tỏ sự chống đối.

Mặt khác, cũng có một số nhà phân tích nói rằng vụ thảm sát Đông Châu là hệ quả của nạn tham nhũng của các cán bộ viên chức địa phương và sự thiếu kiểm soát của chính phủ trung ương đối với chính quyền địa phương. Tường thuật hôm thứ hai của hãng tin Bloomberg trích lời giáo sư Michael DeGolyer của Đại học Baptist Hồng kông nói rằng: ‘chính phủ trung ương không đủ khả năng để buộc những chính quyền cấp dưới tuân hành chỉ thị, và vấn đề ‘phép vua hay lệ làng’ vẫn còn là một vấn đề chưa giải quyết xong ở Trung quốc. Giáo sư Anita Chan – thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung quốc Đương đại của Đại học Quốc gia Australia – cũng tán đồng nhận xét này. Bà nói;

Hiện nay dường như chính phủ trung ương có rất ít quyền kiểm soát đối với địa phương vì Bắc kinh đã cho áp dụng các biện pháp phi trung ương hóa trong lúc nền kinh tế tiếp tục phát triển nhanh chóng và các sinh hoạt xã hội trở nên cởi mở hơn. Trong khi đó các giới chức chính quyền địa phương lại thường xuyên cấu kết với những đám côn đồ để tước đoạt đất đai của nông dân. Tình trạng này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Tháng ba vừa qua, bộ trưởng Công an Trung quốc, ông Châu Vĩnh Khương cho biết trong năm 2004 có tổng cộng 3 triệu 800 ngàn người tham gia 74 ngàn vụ kháng nghị tranh đấu, phần lớn là để phản đối tệ nạn tham nhũng và trưng thu trưng dụng đất đai bừa bãi. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung quốc công bố những số liệu mà từ trước tới nay họ vẫn liệt vào danh sách các bí mật quốc gia.