Lớp huấn luyện giúp cho các doanh nhân Việt Nam tại Ðà Nẵng của ông Mitchell Kot

Làm việc tình nguyện, bỏ thời giờ và có khi là tiền túi của chính mình ra để giúp cho người khác, cho các tổ chức hay cộng đồng là điều rất phổ thông tại Hoa Kỳ. Và mấy tháng trước, nhân chuyến thăm đại học Đà nẵng, chúng tôi tình cờ được dịp tiếp xúc với ông Mitchell Kot một người Mỹ chủ nhân một số bất động sản cho thuê và có người trông nom, đã cùng vợ tình nguyện sang Đà Nẵng mở lớp huấn luyện giúp cho các doanh nhân Việt nam cải thiện công việc làm ăn của họ. Động lực nào khiến ông bà sang tận Việt Nam để làm công việc đó ? Mời quí vị theo dõi bài phỏng vấn sau đây do Lan Phương thực hiện.

VOA: Thưa ông, ông giữ nhiệm vụ gì tại khóa học này ?

Chúng tôi đang có một cuộc hội thảo về nguồn nhân lực. Và chúng tôi còn có 4 người Mỹ nữa sang tận đây để hướng dẫn cuộc hội thảo này. Khi xong cuộc hội thảo, 25 giám đốc các doanh nghiệp (tư nhân) của Việt Nam sẽ hội họp với nhau hàng tuần trong khoảng 5 hay 6 tuần lễ kế tiếp, để thảo luận chi tiết về những thông tin mà họ thu thập được.

VOA: Mục đích của cuộc hội thảo này là gì thưa ông ?

Chúng tôi có đến 4 cuộc hội thảo, và đã tổ chức được 2 rồi. Đầu tiên là cuộc hội thảo về tiếp thị, thứ nhì về nguồn tài trợ, thứ ba sẽ là nguồn nhân lực, và cuộc hội thảo thứ tư sẽ nói về quản trị có sách lược, đúc kết những gì đã trình bày trong cả 3 cuộc hội thảo trước đó. Mục đích của các buổi hội thảo này là giúp cho những giám đốc doanh nghiệp Việt Nam cải thiện sự hữu hiệu cũng như gia tăng lợi nhuận trong công cuộc kinh doanh của họ, và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho họ tham gia nền kinh tế toàn cầu.

VOA: Ông trực thuộc tổ chức nào ?

Tôi đại diện cho chương trình High Mark, một chương trình gồm những tài liệu được các doanh nhân thành công và các giáo sư đại học triển khai. Các tài liệu của High Mark được xử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

Chúng tôi tự đến đây chứ không thuộc tổ chức nào hết và xử dụng các tài liệu của High Mark để giảng dạy. Đây là một dịch vụ mà chúng tôi cố gắng cung cấp cho thành phố Đà Nẵng.

VOA: Nhưng tại sao ông lại chọn Đà Nẵng?

Lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng là năm 1966, lúc đó tôi là 1 đại úy trong quân đội Hoa Kỳ, và là cố vấn cho 1 tiểu đoàn công binh ở Hội An. Trong suốt năm 1966 ở đó, tôi được người Việt Nam đối đãi thật tử tế, cho nên khi rời Việt Nam năm ấy tôi tự nhủ rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại chốn này. Vào năm 1966 thì tôi cũng không có một ý niệm rõ rệt lắm về lời tự nhủ đó. Sau khi rời Việt Nam, trong khoảng 25 năm kế tiếp, tôi mở công cuộc kinh doanh, và nhiều may mắn đã đến với tôi. Tôi cảm thấy mình may mắn, và tôi ngnĩ rằng hầu hết tôi thành công là do tôi được sinh ra ở nước Mỹ. Người Mỹ có câu ngạn ngữ “Ai được nhiều ân sủng thì cũng được người khác đặt kỳ vọng rất nhiều” Thế nên tôi nghĩ chương trình giúp cho các doanh nhân này chỉ là một đóng góp nhỏ bé cho Đà Nẵng.

VOA: Trở lại với khóa hội thảo, vậy là giai đoạn đầu ông giúp cho họ thêm kiến thức về kinh doanh, sau các khóa hội thảo , ông sẽ giúp họ hiểu biết hơn về thị trường Hoa Kỳ, và có thể sau nữa là ông sẽ giúp họ tiến vào thị trường Mỹ có phải thế không ?

Chúng tôi hy vọng là giai đoạn cuối cùng trong cuộc hội thảo, các doanh nhân tham dự sẽ có thể xin được hộ chiếu để sang Hoa Kỳ trong 2 tuần lễ, họ sẽ sống tại nhà của 1 doanh nhân người Mỹ, và chúng tôi sẽ đi thăm thật nhiều các cơ sở kinh doanh, để cho các giám đốc công ty người Việt ở khóa học này có thể nhìn thấy tận mắt và cảm thấy những gì mà chúng tôi vẫn đang cố gắng giảng giải cho họ.

VOA: Vậy là việc ông bà đến đây chỉ là sáng kiến riêng của ông bà mà thôi ?

Vâng, chúng tôi đã thực hiện một chương trình tương tự như vậy ở Samara, nước Nga. Vợ tôi và tôi đã ở đó trong 2 năm, và chương trình này đã chứng tỏ rất có ích cho những người tham gia, vì vậy tôi tự nhủ rằng: tôi muốn làm như thế ở Việt Nam.

VOA: Làm thế nào mà ông có thể tiếp cận với Đà Nẵng để thực hiện tâm nguyện của ông ?

Chừng 3 năm trước đây tôi có viết thư cho ông giám đốc đại học Đà Nẵng, nói cho ông biết về chương trình mà chúng tôi đã làm ở Samara, cũng như về những kinh nghiệm của tôi tại Việt Nam, và hỏi xem ông có muốn chúng tôi làm một chương trình tương tự như thế ở đây hay không. Thế là ông mời chúng tôi đến thăm trường. Tôi cũng cho ông biết là một khi đến đây chúng tôi rất vui lòng dạy Anh ngữ trong lớp sinh ngữ của trường đại học này. Thế là ông mời chúng tôi đến gặp và đồng ý để chúng tôi thực hiện khóa học rồi bảo trợ để chúng tôi có hộ chiếu lưu ngụ tại đây.

Tham dự lớp giảng dạy về kinh doanh do hai ông bà Mitchell và Jennifer Kot hướng dẫn, các học viên chỉ phải trả một lệ phí nhỏ cho nhà trường. Trước khi khóa học bắt đầu, ban tổ chức đã mở họp báo và phổ biến tin tức trên báo chí. Rất nhiều doanh nhân đã nồng nhiệt tham gia. Trong số các tham dự viên 90% là giám đốc các doanh nghiệp tại Đà nẵng.

Quí vị vừa theo dõi tường trình về việc làm tình nguyện của một cặp vợ chồng người Mỹ giúp cho các doanh gia Việt tại Đà Nẵng trau dồi thêm kiến thức về quản trị kinh doanh.