Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Paul Wolfowitz nói rằng tổ chức tài chánh quốc tế này cần phải tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho Trung quốc vì đây là quốc gia có số người nghèo đông hàng thứ nhì thế giới.
Ông Wolfowitz cho biết như thế hôm thứ ba, một ngày sau khi phi thuyền Thần Châu VI hoàn tất phi vụ không gian có người lái lần thứ nhì và một số người nêu nghi vấn là tại sao Trung quốc vẫn còn nhận ngoại viện trong lúc họ dành riêng hàng tỉ đô la cho chương trình không gian. Một số chi tiết liên quan đến vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.
Quí vị vừa nghe phát biểu của ông Đường Hiền Minh, giám đốc chương trình phi vụ không gian có người lái của Trung quốc. Theo lời ông Đường, chuyến bay thành công của phi thuyền Thần Châu VI là ‘một thành quả huy hoàng, nâng cao nhiệt tình yêu nước và niềm tự hào dân tộc, gia tăng tình đoàn kết quốc gia, khích động lòng đam mê khoa học của người dân, và vực dậy sức mạnh tổng thể của Trung quốc.’ Ông Đường đã tuyên bố như thế hôm thứ hai vừa qua, không bao lâu sau khi phi thuyền có người lái lần thứ nhì của Trung quốc trở về trái đất sau phi vụ dài 5 ngày. Ông cho biết thêm rằng chính phủ ở Bắc kinh đã chi tiêu một trăm triệu đô la cho phi vụ này.
Báo chí Trung quốc cũng trích lời chủ tịch quốc hội Ngô Bang Quốc nói rằng sự thành công của phi vụ này sẽ cải thiện vị thế của Trung quốc trên trường quốc tế, gia tăng tiềm lực quốc gia và giúp huy động sức mạnh dân chúng để xây dựng đất nước dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản.
Một ngày sau khi phi thuyền Thần Châu VI trở về trái đất, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, ông Paul Wolfowitz, đã lên tiếng bênh vực cho việc tổ chức tài chánh quốc tế này tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho Trung quốc, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong hơn 10 năm qua.
Theo lời ông Wolfowitz, Ngân hàng Thế giới cần phải tiếp tục làm việc chung với Trung quốc bởi vì quốc gia Á châu này không những là quốc gia đông dân nhất mà còn là nước có số người nghèo đông hàng thứ nhì thế giới. Ông nói thêm rằng chẳng những thế, Trung quốc còn là con nợ lớn nhất của Ngân hàng Thế giới và tất cả các khoản nợ đều là những khoản tín dụng được gọi là ‘nợ cứng’, có nghĩa là Trung quốc phải hoàn trả toàn bộ khoản tiền đã vay.
Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố như thế tại Bắc kinh để đáp lại những lời chất vấn của một số quan sát viên quốc tế, tại sao Trung quốc lại tiếp tục nhận viện trợ của nước ngoài trong lúc họ có khả năng dành riêng hàng tỉ đô la la để thực hiện chương trình không gian.
Không phải chỉ có những người nước ngoài mới đưa ra những lời chỉ trích như thế, mà chính người dân Trung quốc cũng có nhiều người ta thán về cung cách điều hành việc nước của giới lãnh đạo đảng Cộng sản ở Bắc kinh. Trong các cuộc tiếp xúc với ban Hoa Ngữ đài VOA, đa số thính giả Trung quốc đã tỏ ý bất mãn trước những tuyên bố ‘đao to búa lớn’ của chính phủ về những thành quả đạt được trong lãnh vực thám hiểm không gian. Một thính giả họ Hoàng ở thành phố Thượng hải cho rằng giả như Trung quốc là nước có nền kinh tế phát triển, đời sống dân chúng được ấm no, thì phóng phi thuyền là một việc tốt; đàng này Trung quốc hiện nay vẫn còn lạc hậu nghèo đói mà làm như thế thì quả là hoang đường. Một thính giả khác ở tỉnh Cát Lâm thì cho biết như sau:
Oâng Trương nói đại ý rằng: ‘phi thuyền lên trời, nhân quyền xuống đất! Tôi là người từng trải qua thời kỳ Trung quốc phóng vệ tinh lên quĩ đạo hồi thập niên 1970 và đã nghe đi nghe lại bài Đông Phương Hồng nhiều lần. Nhưng lần này tôi không hề chia sẽ sự phấn khởi của chính phủ. Điều mà dân chúng quan tâm hiện nay là gì? Họ quan tâm tới vấn đề không đủ tiền đóng học phí, không đủ tiền chữa bệnh, tìm không ra việc làm, gặp mọi thứ khó khăn, bất công mà không thể khiếu nại với chính quyền trung ương, những người hoạt động bảo vệ dân quyền bị trù giập đàn áp, thông tin bị bưng bít. Vì thế cho nên tôi nói rằng phi thuyền lên trời, nhân quyền xuống đất.
Một thính giả ở tỉnh Sơn Đông cũng nói rằng điều quan trọng hơn cả ở Trung quốc hiện nay là làm thế nào để mọi người đủ ăn đủ mặc.
Theo lời thính giả họ Triệu này, các cơ quan truyền thông nhà nước đã tận lực tuyên truyền cho phi vụ của phi thuyền Thần Châu VI, và điều này cho thấy họ muốn dùng một cực đoan này để che đậy cho một cực đoan khác, dùng tiến bộ khoa học để che đậy tình trạng nghèo túng của người dân. Ông Triệu nói thêm rằng ở Trung quốc hiện nay số người thiếu ăn thiếu mặc vẫn còn rất đông, và chính phủ có ra sức tuyên truyền cách mấy đi nữa thì cũng vô ích, chính phủ vẫn không thu phục được lòng dân.
Cũng tương tự như thế, một thính giả họ Ngô ở tỉnh Triết Giang nói với đài chúng tôi rằng: chính phủ nên ngừng phóng phi thuyền để dùng số tiền này mà lo cho đời sống của người dân.
Theo ông Ngô, có người cho rằng chính phủ phóng phi thuyền Thần Châu để gia tăng sức mạnh quốc gia và nâng cao uy tín của đảng Cộng sản. Nhưng ông cho rằng việc này hao tổn quá nhiều tiền bạc và chính phủ nên dùng ngân khoản đó để thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội, bởi vì hiện nay trong dân chúng có nhiều người không có tiền để đi khám bệnh, không có tiền để đi học.
Một thính giả khác ở tỉnh Triết Giang cho rằng việc phóng phi thuyền Thần Châu là một việc rất tốt. Tuy nhiên, đảng Cộng sản Trung quốc không thể dùng việc này để giảm bớt những mâu thuẫn ngày càng tăng trong xã hội.
Theo lời thính giả họ Hà, nếu đảng Cộng sản Trung quốc muốn lợi dụng thanh thế của tiến bộ trong lãnh vực thám hiểm không gian để tăng cường sự ủng hộ của quần chúng đối với đảng thì họ không thể nào đạt được mục tiêu. Lý do là vì sức mạnh do phi vụ Thần Châu mang lại quá nhỏ, không có hiệu quả gì trong việc giải quyết những mâu thuẫn chính trị xã hội quá đỗi gay gắt ở Trung quốc hiện nay.
Tình trạng mâu thuẫn gay gắt trong xã hội Trung quốc hiện nay có lẽ chính là lý do khiến giới lãnh đạo Bắc kinh mới đây đã quyết định thay đổi đường hướng phát triển. Tin tức của báo chí nhà nước Trung quốc cho biết: lý thuyết phát triển do cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình xướng xuất và được áp dụng trong hơn 20 năm qua đã mang lại những thành quả to lớn. Tuy nhiên, chủ trương gọi là ‘tiên phú luận’, tức là để cho một số người và một số vùng giàu có trước, đã khiến cho xã hội Trung quốc bị phân hóa lưỡng cực và hố chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, tạo ra nhiều bất công và mâu thuẫn cực kỳ nghiêm trọng.
Hồi thượng tuần tháng này, tại kỳ họp thứ 5 của Hội nghị toàn thể ban chấp hành trung ương khóa 16, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung quốc đã đề xướng một đường hướng mới, công bằng hơn, mà họ gọi là ‘đồng phú luận’, hay mọi người cùng giàu có. Kế hoạch kinh tế ngũ niên cho giai đoạn 2006-2010 mà hội nghị này đưa ra cũng mang một tên gọi mới là ‘qui hoạch’ – có tính chất trù hoạch tổng thể, linh động hơn, để thay cho cụm từ kế hoạch ngũ niên của chế độ kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây.