Trong khi Hoa Kỳ đang cứu xét việc có nên rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần phải đặc biệt quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo hay không thì nhà cầm quyền Hà Nội đã cho phép Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo số 2 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tiếp kiến các nhà ngoại giao Tây phương tại Việt Nam. Nhận định về cuộc gặp gỡ hiếm thấy này và những sự kiện liên quan đến vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam sẽ được Trần Nam trình bày sau đây qua các chi tiết được lược thuật từ các nguồn tin nước ngoài và cuộc phỏng vấn ông Võ Văn Ái, Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, cơ quan phát ngôn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có trụ sở tại Paris:
Theo tin của hãng Thông Tấn Asia News hồi đầu tháng này thì hôm 30 tháng 9 vừa qua, Hòa Thượng thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã được phép tiếp kiến ông Robert Gordon, Đại Sứ Anh Quốc tại Việt Nam và ông David Milliot, Tham Vấn Chính Trị của của Liên Hiệp Châu Âu tại Thanh Minh Thiền Viện ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng theo nguồn tin trên thì Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhà lãnh đạo số 2 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống Nhất, một giáo hội bị cấm hoạt động tại Việt Nam, nói rằng tự do tại Việt Nam như là một cái bánh vẽ, trông thì ngon nhưng không thể ăn được.
Ông Võ văn Ái, Giám Đốc Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, cơ quan phát ngôn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, nhận định về cuộc gặp gỡ mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ mô tả là thân tình và thông cảm này như sau:
Tôi thấy đây là điều rất trân trọng đối với chúng tôi vì theo chỗ chúng tôi biết thì các vị đại diện của Liên Hiệp Châu Âu tại Hà Nội đã nhiều lần xin phép nhà cầm quyền Việt Nam được đến thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhưng đã luôn luôn bị từ chối , và cũng có thể nói đây là lần đầu tiên mà 2 vị Đại Sứ này đã được phép đến thăm Hòa Thượng Thích Quảng Độ, nhất là sự kiện này đã xảy ra sau khi Quốc Hội Châu Âu tổ chức một cuộc điều trần hôm 12 tháng 9 vừa qua. Và có thể nói rằng ít khi, hoặc có thể nói là lần đầu tiên trong 30 năm qua, mới tổ chức một cuộc điều trần về vấn đề nhân quyền tại 3 nước là Việt Nam, Cam Bốt và Lào. Thì tôi thấy có những cái dấu hiệu có tính cách cởi mở như vậy là cái hiệu rất là tốt. Tuy chúng tôi chưa thấy rõ trong cái thực trạng như thế nào nhưng mà ít nhất cũng có được những cuộc gặp gỡ giữa Hòa Thượng Thích Quảng Độ với các đại diện của các cường quốc ở Tây Phương thì đây là điều rất là mới, nhất là Hòa Thượng Thích Quảng Độ cũng như Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang từ tháng 10 năm 2003 cho đến nay vẫn sống trong tình trạng quản chế hết sức là khắt khe.
Cũng theo lời ông Võ văn Ái thì các chư tăng và Phật Tử đã cảm thấy phấn khởi về cuộc gặp gỡ này, nhất là sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong thời gian qua, đã gặp quá nhiều thử thách trong việc đòi hỏi chính quyền cho phép tự do sinh hoạt tôn giáo:
Khi chúng tôi ra một thông cáo báo chí để loan tin về cái việc này thì có thể nói là tất cả các chư tăng cũng như phật tử ở trong nước và hải ngoại có thể nói là hết sức phấn khởi, nhất là người ta biết rằng cái nội dung trao đổi thì hiển nhiên là Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã trình bày cái tình trạng của Giáo Hội từ năm 1975 đến nay, và cái sự kiện mà Hòa Thượng Thích Quảng Độ có thể trình bày với các vị đại diện của Tây Phương thì tôi cho đây là một cái bước tiến mới và chúng tôi hy vọng rằng qua cái sự cho phép gặp gỡ như vậy thì trong tương lai gần đây nhà cầm quyền Việt Nam sẽ thay đổi chính sách đối với vấn đề nhân quyền cũng như đặc biệt đối với vấn đề tôn giáo.
Ông Võ Văn Ái cho rằng tôn giáo chẳng những đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề xây dựng và kiến thiết đất nước mà còn giúp cải thiện các vấn đề về xã hội. Ông giải thích:
Bởi vì tôi thấy rằng cái tệ nạn xã hội tại Việt Nam hiện nay thì nó quá lớn mà cái trữ lượng về khả năng của các tôn giáo có thể đóng góp rất lớn trong cái vấn đề xây dựng và kiến thiết đất nước cũng như vấn đề tệ nạn xã hội vấn đề giáo dục, vấn đề từ thiện vân vân mà nếu như các giáo hội lớn như trường hợp giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất một giáo hội có truyền thống từ 2000 năm và có một trữ lượng rất lớn về vấn đề cứu nhân độ thế mà lại không được hoạt động thì đây là một điều vô cùng thiếu sót cũng như là vô cùng thiệt thòi cho dân tộc Việt Nam.
Trong khi một số nhà quan sát cho rằng trong thời gian qua, tự do tôn giáo tại Việt Nam đã được cải thiện, chẳng hạn như Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã tiếp kiến Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang vào năm 2003, việc phái đoàn của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh được phép viếng thăm Việt Nam trong năm nay, và mục sư Nguyễn Hồng Quang đã được trả tự do vào tháng 8, tuy nhiên, ông Võ Văn Ái, đã nêu lên một số sự kiện cho thấy tôn giáo vẫn còn bị nhiều hạn chế tại Việt Nam, và ông chờ đợi một sự cải thiện ở tương lai:
Sở dĩ tôi trông đợi ở tương lai là bởi vì trong quá khứ cũng như trong hiện tại, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn bị đàn áp một cách khốc liệt , bằng cớ là 2 vị lãnh đạo tối cao là Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang vẫn còn bị quản chế khắt khe tại Tu Viện Nguyên Thiều ở Bình Định và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo cũng bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện. và gần đây có thể nói là từ tháng 7 tới nay thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã chuẩn y 4 Ban Đại Diện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, tại Thừa Thiên Huế, tại Khánh Hòa, tại Bình Định cũng như tại Bà Rịa, Vũng Tàu, nhưng mà tất cả các Ban Đại Diện mới ra đời đó, có thể nói rằng đã bị sách nhiễu rất nhiều bởi vì Công An đã mời các vị đại diện đó đến làm việc và hăm dọa họ, yêu cầu họ phải giải tán những cái ban đại diện đó, và gần đây nhất là sự kiện xảy ra hôm 3 tháng 10, về việc Đại Đức Thích Viên Phương hôm 30 tháng 3 đã đến Thanh Minh Thiền Viện để thu hình Hòa Thượng Thích Quảng Độ trong một cái thông điệp gửi cho Ủy Ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lúc đó đang họp tại Geneve và sau đó Đại Đức Thích Nguyên Phương đã bị bắt, đã bị làm việc rất nhiều ngày với Công An, và vừa rồi đã nhận một cái quyết định là phải trả một số tiền phạt là 15 triệu đồng.
Trong cuộc viếng thăm Hoa Kỳ hồi tháng 6, Thủ Tướng Việt Nam Phan Văn Khải nói rằng Việt Nam không đồng ý với các lập luận ở bên ngoài cho rằng có tù nhân lương tâm tại Việt Nam.
Ngoài ra trong tháng trước Việt Nam đã cho phổ biến một cuốn bạch thư về nhân quyền tại Việt Nam, trong đó Hà Nội hứa sẽ tôn trọng quyền tự do phát biểu ý kiến và nới rộng các hạn chế về việc sử dụng Intenet. Một luật luật báo chí năm 1999 cũng đã được sửa đổi, theo đó các công dân đều có quyền được thông tin, bày tỏ quan điểm, và cung cấp những thông tin mà không bị kiểm duyệt bởi bất cứ tổ chức nào hoặc cá nhân nào.
Cách đây 2 tuần, trong một bài nói chuyện tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ở Hà Nội, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, nói rằng Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong các lãnh vực giáo dục và xóa đói giảm nghèo cho người dân, tuy nhiên vẫn còn tình trạng bất dung chấp đối với những người bất đồng chính kiến. Cũng theo lời Đại Sứ Hoa Kỳ thì lịch sử cho thấy rằng có tự do chính trị và tôn giáo thì mới đạt được sự thịnh vượng về kinh tế.
Trong năm ngoái Hoa Kỳ đã đặt Việt Nam vào danh sách các nước cần phải đặc biệt quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo.
Cuộc gặp gỡ giữa Hòa thượng Thích Quảng Độ, và 2 nhà ngoại giao Tây Phương đã diễn ra trong khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang cứu xét việc có nên tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách các nước cần phải đặc biệt quan tâm hay không.