Phó Thủ Tướng Vũ Khoan nhìn nhận có nhiều khó khăn trong việc đánh dấu đường biên giới chung giữa Việt Nam-Kampuchia

Theo Thông Tấn Xã AFP, một nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam nhìn nhận có nhiều khó khăn trong việc đánh dấu đường biên giới giữa Việt Nam với Kampuchia.

Cựu quốc vương Kampuchia trước đây từng công khai chỉ trích Việt Nam về chuyện xâm lấn vào lãnh thổ Kampuchia.

Tin trên nói rằng trong cuộc gặp gỡ hôm thứ Bảy vừa rồi với ông Var Kim Hong, cố vấn đặc trách vấn đề biên giới của Kampuchia, Phó Thủ Tướng Vũ Khoan của Việt Nam đã đề cập tới những khó khăn trong việc đánh dấu đường biên giới chung giữa hai nước.

Tin nói rằng ông Khoan bày tỏ hy vọng là hai nước sẽ đề ra một lộ đồ chi tiết và phối hợp với nhau để thực hiện công tác này. Ông Vũ Khoan cũng nhắc lại lập trường của Việt Nam là sẽ cố gắng tối đa để giải quyết những vấn đề biên giới qua đối thoại.

Theo ông, Việt Nam và Kampuchia quan tâm tới việc hoàn tất một văn kiện bổ túc cho một thỏa ước về biên giới trên bộ từng được ký kết năm 1985 để có thể thiết lập một đường biên giới hữu nghị chung càng sớm càng tốt, và ông nói thêm rằng các ủy ban liên hệ của hai nước đã làm việc với nhau một cách tốt đẹp trong thời gian gần đây.

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra một nhận định vào về lời tuyên bố của Phó Thủ Tướng Vũ Khoan. Tháng 5 vừa rồi, cựu quốc vương Kampuchia đã thành lập một hội đồng biên giới để đánh dấu đường biên giới và để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.

Ông Sihanouk tố cáo Việt Nam là đã xâm lấn vào lãnh thổ Kampuchia và ông nêu ra những thỏa ước mà ông cho là không công bằng mà Kampuchia đã phải ký kết với Việt Nam trong những năm 1982, 1983 và 1985 vì áp lực của Việt Nam.

Theo ông Sihanouk, Kampuchia đã phải nhượng bộ đất đai cho Việt Nam trong thời gian Việt Nam chiếm đóng Kampuchia từ năm 1978 tới năm 1989 sau khi lật đổ phe Khờ Me Đỏ là phe theo chủ nghĩa Mao Trạch Đông cực đoan, bị cho là đã gây ra cái chết của 2 triệu người Kampuchia cuối thập niên 1970.

Cuộc tranh chấp biên giới đã tạo ra một tình cảm bài Việt Nam sâu đậm tại Kampuchia, được nung nấu bởi những hận thù về việc Việt Nam bành trướng lãnh thổ sang Kampuchia từ nhiều thế kỷ.

Tháng 6 vừa rồi, hơn 2000 người Kampuchia đã tham dự một buổi lễ Phật giáo do Công Chúa Sisowath Pongneary Monipong chủ tọa để đánh dấu kỷ niệm ngày mà họ cho là Kampuchia mất Kampuchea Krom, một vùng lãnh thổ lớn, vào tay Việt Nam. Theo họ, Kampuchea Krom hiện là nơi sinh sống của khoảng 12 triệu người sắc tộc Kampuchia và trong thời Pháp đô hộ, vùng này đã được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam.