Tình hình chính trị ở Philipin đã tạm thời yên tĩnh sau khi những nỗ lực của phe đối lập nhằm thông qua thủ tục luận tội truất nhiệm ở quốc hội để lật đổ tổng thống Gloria Arroyo bị thất bại. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích thì một trận phong ba mới đang trên đà hình thành vì khả năng cai trị của bà Arroyo đã bị sút giảm nghiêm trọng sau vụ tai tiếng gian lận bầu cử và tình trạng kinh tế đất nước tiếp tục yếu kém. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.
Hôm thứ ba vừa qua, sau phiên họp kéo dài gần 23 giờ đồng hồ, các nhà lập pháp Philipin đã bỏ phiếu tán đồng quyết định của ủy ban Tư pháp Hạ viện là bác bỏ những cáo trạng nhằm luận tội để truất nhiệm tổng thống Gloria Arroyo. Hành động này đánh dấu sự thất bại của phe đối lập Philipin trong nỗ lực thông qua thủ tục pháp lý ở quốc hội để buộc bà Arroyo từ chức vì những cáo giác gian lận bầu cử, dính líu tới những vụ tham ô, và dung túng những hành vi vi phạm nhân quyền. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng vị nữ tổng thống này chỉ giành được thắng lợi tạm thời và bà sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong thời gian tới đây.
Cũng trong ngày thứ ba, một cuộc biểu tình qui tụ khoảng 10 ngàn người chống bà Arroyo đã diễn ra dưới sự hướng dẫn của cựu tổng thống Corazon Aquino cùng với bà Susan Roces, vợ của cố ứng viên tổng thống Fernando Poe Jr., người về nhì trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái.
Những người biểu tình cho rằng bà Arroyo đã gian lận trong cuộc bầu cử đó, vì trong một cuộn băng ghi âm bất hợp pháp, được phổ biến hồi tháng 6 vừa qua, người ta nghe thấy bà Arroyo nói với một viên chức bầu cử về việc làm sao bà có thể thắng cử với số phiếu chênh lệch khoảng một triệu phiếu trong cuộc đầu phiếu hồi tháng 5 năm 2004. Bà Arroyo đã lên tiếng tạ lỗi về điều mà bà gọi là ‘phán đoán sai lạc’ vì đã nói chuyện với viên chức bầu cử trước khi kết quả kiểm phiếu được loan báo, nhưng bà nói rằng bà không hề gây ảnh hưởng nào tới công tác kiểm phiếu.
Số người tham gia cuộc biểu tình ở Manila hôm thứ ba thấp hơn nhiều so với những cuộc biểu tình ồ ạt thường được gọi là ‘cuộc khởi nghĩa sức mạnh nhân dân’ từng lật đổ tổng thống Fidel Marcos năm 1986 và tổng thống Joseph Estrada năm 2001. Theo tường thuật của tờ Asian Journal, số ra ngày thứ tư, một số người trong ban tổ chức cuộc biểu tình này nói rằng việc phát động một cuộc nổi dậy sức mạnh nhân dân hiện nay vẫn còn thiếu một yếu tố quan trọng là sự hậu thuẫn của giáo hội Công giáo và quân đội.
Trong khi đó, một số nhà phân tích chính trị cho rằng phe đối lập không đưa ra một lựa chọn thích đáng là lý do khiến dân chúng Philipin thờ ơ với việc biểu tình xuống đường tuy họ không ưa thích gì chính quyền của tổng thống Gloria Arroyo. Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho thông tín viên Douglas Bashkian của đài chúng tôi, ông Antonio Gatmaitan của Quĩ Nghiên cứu Chính trị Kinh tế Ứng dụng ở Manila nói rằng sự bất mãn của công chúng hiện nay như một con ngựa không người cỡi.
Quả thật là dân chúng rất bất mãn đối với tổng thống Arroyo nhưng các nhân vật đối lập cho đến nay vẫn chưa nắm bắt được cơ hội. Họ chưa đưa ra người lãnh đạo thích đáng để có thể thay cho bà Arroyo.
Ông Benito Lim, giáo sư chính trị học của Đại học Ateneo de Manila, cũng có một nhận định tương tự. Ông nói:
Nhược điểm của phe đối lập là họ không có một khuôn mặt nổi bật. Họ không đoàn kết. Họ không có người lãnh đạo và không có một chương trình làm việc chung.
Theo giáo sư Benito Lim, sự thờ ơ của dân chúng còn phát xuất từ lòng hoài nghi và tâm trạng chán nản, vì tuy rằng những phong trào trước đây đã lật đổ những lãnh tụ bê bối nhưng những người lên thay cũng chẳng giúp cho đời sống của người dân được cải thiện chút nào.
Dân chúng đã được hứa hẹn là sẽ có một chính phủ tốt hơn để giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bất công, vân vân... Nhưng không có gì thay đổi sau khi ông Marcos và ông Estrada bị lật đổ. Người dân vẫn nghèo như xưa, kinh tế vẫn èo uột, và thu nhập của người lao động cứ giậm chân tại chỗ trong mấy năm vừa qua.
Một số nhân vật thuộc phe đối lập cũng thừa nhận rằng nền dân chủ đã không mang lại lợi ích đáng kể cho dân chúng. Dân biểu Agapito Aquino nói rằng dân chúng đã thấy rõ những gì xảy ra trước đây sau những phong trào sức mạnh nhân dân.
Theo tôi thì dân chúng đã chán nản và họ không còn muốn tiến hành phong trào sức mạnh nhân dân nữa. Lần thứ nhất họ lật đổ ông Marcos. Sau đó chính phủ có tốt hơn, nhưng thành quả dân chủ không lan tỏa xuống dưới. Họ lại nổi dậy lật đổ tổng thống Estrada, và tìm cách để có được một chính phủ tốt hơn. Nhưng rồi họ cũng lại bị thất vọng.
Sau khi lãnh tụ độc tài Fidel Marcos bị lật đổ, tình trạng nhân quyền ở Philipin đã được cải thiện đáng kể và sức mạnh của giới truyền thông độc lập cũng như của phe đối lập chính trị đã được tăng cường. Nhưng quốc gia Đông Nam Á này vẫn tiếp tục là một trong những nước nghèo nhất ở Á châu và gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có phong trào đòi ly khai của người Hồi giáo ở miền Nam, cuộc nổi dậy của các phần tử Cộng sản, và nạn tham nhũng lan tràn ở các cấp chính quyền.
Trong mấy ngày qua, phe đối lập ở Manila cho biết họ sẽ tiếp tục làm áp lực để bà Gloria Arrơyo rời khỏi chức vụ. Thêm vào đó, các vấn đề kinh tế có phần chắc sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vì giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng mạnh. Một số nhà phân tích cho rằng khả năng điều hành việc nước của bà Arroyo đã bị suy yếu và có lẽ bà sẽ không phục vụ hết 5 năm còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống. Theo giáo sư Benito Lim của Đại học Anateo de Manila, tuy phe đối lập gặp thất bại trong vụ luận tội truất nhiệm ở quốc hội nhưng tổng thống Arroyo cũng không giành được thắng lợi nào, và tình hình chính trị Philipin vẫn sẽ tiếp tục u ám.
Tổng thống Arroyo nói rằng tất cả những gì xảy ra xoay quanh tiến trình luận tội bà ở quốc hội là một bằng chứng cho thấy sự trưởng thành về mặt chính trị của Philipin. Bà cũng đã ngỏ ý thực hiện hòa giải với phe đối lập. Tuy nhiên, dân biểu đối lập Agapito Aquino cho rằng điều đó có phần chắc sẽ không xảy ra và vị thế của chính quyền Arroyo đang ngày càng trở nên bất lợi hơn.