Ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng đối với nền kinh tế Châu Á

Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo rằng giá dầu tăng cao có thể gây nguy hại cho sự tăng trưởng kinh tế tại Châu Á. Tuy nhiên Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ, ông Alan Greenspan nói rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã giải quyết vấn đề gia tăng giá cả nhiên liệu trong 2 năm qua một cách khá tốt đẹp. Thông tín viên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ Jill Moss có thêm chi tiết về sự kiện này như sau:

Trong tuần qua, giá dầu thô đã có lúc lên cao đến mức kỷ lục là 68 đô la 1 thùng trên thị trường trao đổi ở New York. Giá dầu đã tăng khoảng 50% so với năm ngoái. Nếu xét theo tình trạng lạm phát thì giá dầu hiện nay vẫn còn thấp hơn giá dầu trong đầu thập niên 1980. Lúc bấy giờ giá dầu thô đã lên đến hơn 80 đô la 1 thùng.

Tuy nhiên nếu xét theo đồng đô la, thì đây là cái giá cao nhất mà Hoa Kỳ, 1 nền kinh tế lớn nhất thế giới, phải trả. Tại các cây xăng trong 1 số khu vực, những người Mỹ đã phải mua xăng với giá hầu như là cao nhất từ trước đến nay, mặc dù có lạm phát.

Trong tuần trước Bộ Năng Lượng nói rằng giá dầu thô vẫn còn rất cao mặc dù các nguồn cung cấp tại Hoa Kỳ đã gia tăng. Thường thường thì các nguồn tiếp tế dầu hay xuống thấp vào thời gian này trong năm do những nhu cầu tùy theo mùa. Theo lời các giới chức hữu trách thì sự gia tăng nguồn cung cấp dầu tại Hoa Kỳ mới đây sẽ có thể giúp duy trì giá dầu ở mức thấp trong mùa Đông này cũng giống như giá cả ở những mùa khác.

Hôm thứ Sáu tuần trước, Chủ Tịch Ngân Hàng Trung Ương Hoa Kỳ, ông Alan Greenspan đã ca ngợi phương cách mà nền kinh tế Hoa Kỳ đã đối phó với tình trạng giá nhiên liệu lên rất cao. Ông nói rằng cho đến nay Hoa Kỳ đã giải quyết vấn đề gia tăng nhanh chóng giá dầu và khí đốt trong 2 năm qua một cách khá tốt đẹp.

Tuy nhiên các giới chức của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tại Washington đã lên tiếng lo ngại cho nền kinh tế thế giới. Hôm thứ Năm, giám đốc điều hành của Quỷ này đã cảnh báo về mối nguy có thể xảy ra cho sự tăng trưởng kinh tế tại châu Á. Ông Rodrigo De Rato đã kêu gọi các ngân hàng trung ương của các nước châu Á hãy sử dụng các chính sách tiền tệ của mình để chống lại các áp lực lạm phát vì giá dầu leo thang. Những nhận định của giới chức này đã đặc biệt hướng về Indonesia và Philippine.
Giá dầu cao đã làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế tại Indonesia.

Nhiều vấn đề đã ảnh hưởng đến giá dầu. Chẳng hạn như hôm thứ Sáu tuần trước, các giới chức chính phủ Nigeria đã ra lệnh gia tăng giá nhiên liệu, khiến người ta lo ngại sẽ có những cuộc tổng đình công. Nigeria là nước xuất khẩu dầu nhiều vào hàng thứ 8 trên thế giới.

Khủng bố là 1 mối lo ngại khác cho các nhà buôn bán dầu. Thậm chí thời tiết cũng có thể gây tổn thất cho kỹ nghệ dầu.

Trong tuần qua nhiều người đã lo ngại rằng trận bão Katrina có thể gây nguy hại cho việc sản xuất dầu trong Vịnh Mehico.

Tuy nhiên theo các chuyên gia về dầu hỏa thì mối quan tâm lớn nhất vẫn là sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu trên thế giới. Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 nước sử dụng dầu nhiều nhất. Một phúc trình trong tuần trước nói rằng số dầu thô mà Trung Quốc nhập khẩu trong tháng 7 vừa qua đã gia tăng 15% so với cùng thời kỳ này năm ngoái. Dầu thô là sản phẩm được chế biến để trở thành nhiên liệu và các loại hàng khác.

Câu hỏi được đặt ra là liệu các nước sản xuất dầu có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ càng ngày càng gia tăng trên thế giới hay không. Một số chuyên gia tin rằng các giếng dầu của Ả Rập Saudi có thể đã sản xuất đến mức tối đa. Đó là lúc mà hơn phân nửa số dầu thô có thể sử dụng đã được bơm lên. Ả Rập Saudi đã bác bỏ lập luận này. Hồi đầu năm nay Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã kêu gọi vương quốc này hãy cởi mở hơn trong việc xác định mức cung cấp dầu của Ả Rập Saudi, 1 nước sản xuất dầu nhiều nhất trên thế giới.

Hiện nay Ả rập Saudi sản xuất hơn 10 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Vương quốc này nói rằng họ dự trù sẽ sản xuất hơn 12 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2009.