Phỏng vấn giáo sư Cao Thị Lễ, Trưởng Ban Yểm Trợ Phòng Đọc Sách Tiếng Việt tại Thư Viện Thomas Jefferson bang Virginia

Trong những năm đầu tiên định cư tại Hoa Kỳ người Việt khó mà tìm được các loại sách tiếng Việt trong các thư viện Mỹ. Ngày nay hầu như thư viện nào tại Hoa Kỳ cũng có đều có sách tiếng Việt, và tủ sách này càng ngày càng nhiều và trở nên đa dạng nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng Việt Nam tại địa phương. Sau đây là một số chi tiết trong cuộc phỏng vấn giáo sư Cao Thị Lễ, Trưởng Ban Yểm Trợ Phòng Đọc Sách Tiếng Việt tại Thư Viện Thomas Jefferson trong vùng phụ cận thủ đô Washington, do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài VOA thực hiện:

Trong thời gian mới đặt chân đến Hoa Kỳ, một trong khó khăn đầu tiên mà những người tị nạn Việt Nam tìm cách vượt qua là hàng rào ngôn ngữ để có thể nhanh chóng hội nhập vào xã hội Mỹ trên nhiều lãnh vực. Do đó tiếng Anh đã trở thành một thứ ngôn ngữ được chú trọng nhiều nhất trong cộng đồng người Việt lúc bấy giờ.

Tuy nhiên sau khi cuộc sống được ổn định thì vấn đề duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có ngôn ngữ Việt Nam, cũng đã trở thành mục tiêu chính của thế hệ đầu tiên trong cộng đồng di dân gốc Việt hầu giúp cho các thế hệ kế tiếp có thể nói và viết tiếng Việt thông thạo cho dù họ đã trở thành công dân Mỹ.

Ngoài các lớp học tiếng Việt do các nhóm thiện nguyện tổ chức dành cho các trẻ em Việt Nam ngoài những giờ học chính tại nhà trường, sách báo tiếng Việt cũng đã xuất hiện trong các thư viện của Mỹ tại hầu hết các Tiểu Bang ở Hoa Kỳ. Riêng tại thành phố Falls Church thuộc Tiểu Bang Virginia, nơi có khoảng vài chục ngàn người Việt sinh sống cũng có một phòng đọc sách tiếng Việt nằm trong Thư Viện Thomas Jefferson. Nữ Giáo Sư Cao Thị Lễ Trưởng Ban Yểm Trợ Phòng Đọc Sách Tiếng Việt tại thư viện này cho biết về sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt cho phòng đọc sách này như sau:

Thật sự thì đầu năm 2005, hồi tháng giêng thì có một văn kiện được ký kết giữa 2 hội Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông và Hội Quảng Đà với quận hạt Fairfax County để yểm trợ phòng đọc sách tiếng Việt tại Thư Viện Thomas Jefferson, và Ủy Ban này đã được thành lập vào tháng 5 năm 2005 để chuyên lo về vấn đề xin sách và hỗ trợ cho phòng đọc sách.

Thưa chị, xin chị cho biết thêm chi tiết về phòng đọc sách này?

Phòng Đọc Sách này là ở Thư Viện Thomas Jefferson, 7415 Arlingtong Boulevard, Falls Church, nơi đã có một Section về sách tiếng Việt nhưng mà có rất ít sách và phần nhiều là sách giải trí chứ không có các loại sách có tính cách giáo dục quần chúng vì vậy chúng tôi muốn cho phòng đọc sách đó được có sách vở dồi dào hơn để có thể phổ biến văn hóa cũng như các loại sách có giá trị để mà giúp đỡ dân chúng trong vấn đề giáo dục nhiều hơn thành ra chúng tôi mới thành lập ủy ban này để mà lo cái chuyện đó.

Thưa chị, có phải hầu hết hầu hết sách báo tại Thư Viện Thomas Jefferson đều là tiếng Anh?

Dạ sách đó là của Mỹ, thư viện này là thư viện của Mỹ nhưng đặc biệt có 1 Section, một phòng có một số sách Việt Nam, và để toàn là sách Việt Nam để cho những người Việt Nam đến mượn về để xem.

Hiện nay, tình trạng sách Việt Nam tại Thư Viện này như thế nào?

Dạ hiện giờ thì có nhưng rất ít và sách thì không được chọn lọc cho lắm. Mục đích của chúng tôi là để hỗ trợ làm tăng thêm số sách có giá trị cho phòng đọc sách, đồng thời làm tăng thêm số lượng sách tại phòng đọc sách này. Ngoài ra nếu chúng tôi có dư, thí dụ như chúng tôi có 3 bản thì chúng tôi sẽ chuyển 2 bản đó sang 2 chi nhánh khác của County.

Thưa chị, chị vừa nói là sẽ hỗ trợ cho việc tăng thêm các loại sách có giá trị cao, vậy theo chị thì loại sách nào cần phải được tăng thêm?

Hiện thời thì đa số là sách giải trí nhưng chúng tôi muốn có thêm nhiều sách để phổ biến về văn hóa Việt Nam cũng như các loại sách về nghiên cứu trong các lãnh vực kinh tế, tài chính, chính trị, lịch sử, tức là các loại sách có tính cách văn hóa cao để các đồng bào, nhất là những người trẻ muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam hoặc là về văn hóa Việt Nam thì có thể đến mượn về đọc.

Thưa chị đó là đối với người Việt, còn đối với người Mỹ thì Ủy Ban Yểm Trợ có kế hoạch nào để đưa tiếng Việt vào nền văn hóa đa dạng của Hoa Kỳ hay không?

Dạ hiện thời thì chưa nhưng đó là mục đích sau này. Chúng tôi dự trù sẽ đưa một số sách Việt Nam được dịch ra tiếng Anh, trong đó có những sách có giá trị cao, được dịch ra tiếng Anh, hay là những quyển sách nào đã có bản dịch tiếng Anh thì chúng tôi sẽ mua những sách đó để đưa vào thư viện nhằm giúp những người Mỹ có thể đọc những sách về Việt Nam nhưng mà bằng tiếng Anh

Hiện nay sự hưởng ứng của cộng đồng người Việt như thế nào đối với Phòng Đọc Sách này?

Theo những buổi nói chuyện thì nhiều người rất tán đồng việc thành lập phòng đọc sách này tuy nhiên sự hỗ trợ thì vẫn còn ít.

Đa số là những nhà in, hay các nhà văn, nhà thơ thi sĩ, khi có sách của họ thì họ tặng còn những người ngoài, có 1 số thì tặng tiền chút đỉnh thì có 1 số ít mà thôi thành ra sự hỗ trợ vẫn chưa được quảng bá ra nhiều.

Thưa chị sự hỗ trợ của cộng đồng dành cho Phòng Đọc Sách này sẽ được thực hiện dưới hình thức nào?

Dạ nếu như ai có sách thì xin cho chúng tôi biết để chúng tôi đến nhận hay gửi đến địa chỉ của chúng tôi có ghi trong cái thông cáo hoặc nếu số lượng sách nhiều thì chúng tôi sẽ phái người đến nhận. Đó là vấn đề sách còn nếu như ai muốn giúp đỡ bằng tiền đến địa chỉ của chúng tôi tại Ủy Ban Yểm Trợ Phòng Đọc Sách Tiếng Việt, và chúng tôi sẽ dùng số tiền đó để mua những quyển sách có giá trị bởi vì sách mà thường thường người ta tặng là sách từ các nhà in, họ in dư và họ cho, và thường là không phải là các sách có giá trị cao do đó chúng tôi cần tiền để mua các loại sách có giá trị giáo dục quần chúng cao để cho phòng đọc sách được phong phú hơn. Điện thoại của chúng tôi là Cao Thị Lễ (703) 560-4358.

Chị kỳ vọng gì nơi sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt cho Phòng Đọc Sách Tiếng Việt tại Thư Viện Thomas Jefferson?

Chúng tôi thấy rằng đây là một sự cố gắng của chúng tôi tuy nhiên chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của tất cả đồng bào ở đây để giúp cho phòng đọc sách được phong phú hơn. Nếu ai tặng sách mà muốn để tên mình trong quyển sách thì Thư Viện có con dấu để đề tên của người tặng. Thí dụ người nào tặng sách mà muốn để tên mình thì có con dấu để tên của người tặng sách ở trong cuốn sách đó. Chúng tôi cũng muốn làm thế nào để tăng thêm số sách có giá trị để đồng bào khi cần, nhất là các em còn trẻ, muốn biết hoặc muốn tìm hiểu về Việt Nam hay văn hóa Việt Nam thì có thể đến thư viện để đọc.

Cám ơn chị đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA buổi nói chuyện hôm nay.