Hôm thứ ba vừa qua, các giới chức Liên hiệp quốc đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia và tổ chức cấp viện đóng góp 102 triệu đô la để giúp các nước nghèo ở Á châu phòng chống dịch cúm gia cầm và ngăn chận nguy cơ xảy ra một đại dịch cúm toàn cầu. Lời kêu gọi vừa kể được đưa ra trong lúc các chuyên gia y tế cho rằng tình hình hiện nay ở Á châu là cực kỳ nguy hiểm và các chính phủ trong khu vực đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có vấn đề là không đủ ngân sách để dự trữ thuốc men nhằm ứng phó với những vụ bộc phát cúm gà nơi con người. Một số chi tiết về vấn đề này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Tại cuộc hội nghị quốc tế cấp cao về dịch cúm gia cầm tổ chức hồi đầu tuần này ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, các cơ quan của Liên hiệp quốc và các chuyên gia thú y đã đề ra một kế hoạch trị giá nhiều triệu đô la nhằm giảm thiểu nguy cơ cúm gà lây sang người, và kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng hỗ trợ tài chánh để chặn đứng nạn dịch có thể gây tử vong cho hàng triệu người trên thế giới. Kế hoạch của Liên hiệp quốc sẽ tập trung vào các quốc gia Á châu -- nơi đang xuất hiện các ổ dịch cúm gia cầm trong thời gian gần đây, bao gồm những nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của công chúng, thay đổi những phương cách chăn nuôi hiện có để cách ly vật nuôi và gia cầm, và thực hiện công tác giết mổ có kiểm soát để tránh việc vi rút cúm gia cầm lây nhiễm cho con người.
Các chuyên gia y tế cho rằng việc tiếp tục có người bị nhiễm vi rút cúm gà có thể làm cho vi rút này biến chủng, có khả năng lây lan từ người sang người và làm bùng ra một đại dịch cúm toàn cầu. Oâng Joseph Domenech, người đứng đầu ngành thú y của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc, nói rằng: không có quốc gia nào trên thế giới tránh khỏi mối nguy hiểm của dịch cúm gà.
Theo lời ông Domenech, hai chữ toàn cầu có nghĩa là trên toàn thế giới. Đây là một cuộc khủng hoảng có tầm cỡ quốc tế vì không có quốc gia sản xuất gia cầm nào có thể tránh được nguy cơ bộc phát dịch bệnh. Điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.
Từ khi dịch cúm gà xuất hiện lại ở Đông Nam Á hồi cuối năm 2003, nhiều người đã so sánh mức độ nguy hiểm của một trận đại dịch cúm toàn cầu phát sinh từ cúm gà với sự tác hại của dịch cúm Tây ban nha xảy ra năm 1918-1919, là trận đại dịch dã giết chết khoảng 50 triệu người trong vòng 18 tháng. Một số chuyên gia cho rằng cúm gia cầm còn nguy hiểm hơn nhiều vì tỉ lệ tử vong của vi rút H5N1 nơi gia cầm lên tới 100% và tính đến đầu tháng 5 năm nay, tỉ lệ tử vong nơi người nhiễm vi rút này là 54%. Các nhà vi trùng học cũng cho biết vi rút cúm gà H5N1 mang những đặc tính kỳ lạ, khiến cho việc ngăn chận sự lây lan của nó trở nên khó khăn hơn. Loại vi rút giờ đây rõ ràng là đã có khả năng sinh tồn trong phân gà và thịt của các loại thú đã chết, bất chấp việc thiếu sự luân chuyển của máu và không có tế bào sống.
Ngoài ra, vi rút này còn xuất hiện trong các loại di điểu, làm cho sự lây nhiễm lan rộng trên bình diện lớn và rất khó kiểm soát. Hồi gần đây nhiều chuyên gia y tế đã rất lo ngại khi phát hiện vụ bộc phát cúm gia cầm nơi các loại thủy cầm di trú ở Hồ Thanh Hải ở miền tây Trung quốc, nơi có khoảng 6 ngàn con ngỗng trời và các loại chim bói cá bị chết. Các chuyên gia e rằng vi rút sẽ lan sang Tây tạng, Aán độ và Đông Nam Á một khi đàn di điểu ở Hồ Thanh Hải bắt đầu bay đi nơi khác.
Theo các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện đã có hơn 100 người bị nhiễm vi rút cúm gà - trong đó có hơn 50 người thiệt mạng ở Việt nam, Thái lan và Kăm Pu Chia - kể từ khi dịch bệnh bộc phát ở các quốc gia Đông Nam Á hồi cuối năm 2003. Hàng trăm triệu gia cầm đã bị toi hoặc đã bị tiêu hủy để ngăn chận đà lây lan của chứng bệnh nguy hiểm này.
Các đại biểu tham dự hội nghị Kuala Lumpur đồng ý rằng việc thực hiện các biện pháp đề ra trong kế hoạch của Liên hiệp quốc sẽ vượt khỏi khả năng tài chánh của phần lớn các nước chịu tác động của dịch cúm gà, và vì thế các quốc gia và tổ chức cấp viện cần phải trợ giúp tài chánh. Các chi tiết về kế hoạch của Liên hiệp quốc đang được cung cấp cho các quốc gia và tổ chức cấp viện, và các giới chức hữu quan cho biết họ dự kiến là sẽ nhận được cam kết trợ giúp cho khoảng phân nửa của ngân khoản 102 triệu đô la trước cuối năm nay. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, chi phí để có được sự ứng phó có hiệu quả về mặt y tế công cộng nằm ở mức 150 triệu đô la, chủ yếu là dùng vào việc xây dựng năng lực ở các quốc gia bị ảnh hưởng, bao gồm sự hỗ trợ khẩn cấp trong các lãnh vực chẩn bệnh, phát triển thuốc chủng, theo dõi dịch bệnh và giáo dục quần chúng. Một phần trong ngân khoản vừa kể sẽ được dành riêng cho việc mua sắm các loại thuốc chống vi rút và những thiết bị bảo hộ cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thông cáo báo chí đề ngày 6 tháng 7 của Tổ chức Y tế Thế giới trích lời Tiến sĩ Dewan Sibartie, phó chủ nhiệm ban Khoa học Kỹ thuật của Tổ chức Thú y Thế giới, nói rằng: kinh phí của kế hoạch hành động này là không đáng kể nếu so với những hậu quả tài chánh và kinh tế của một trận đại dịch cúm toàn cầu.
Tường thuật của nhật báo Washington Post, số ra ngày 5 tháng 7, trích lời các giới chức Liên hiệp quốc cho biết: gần phân nửa số tiền đóng góp của cộng đồng quốc tế sẽ được dùng để giúp Việt nam và Indonesia theo dõi tình hình cúm gà và thiết lập những hệ thống giám sát và tiêm chủng có hiệu quả hơn. Khoản tiền còn lại sẽ được dùng cho những chương trình cấp khu vực và cấp quốc gia ở 3 nước Pu Chia, Lào, và Pakistan, và ở những quốc gia tuy chưa xuất hiện cúm gà nhưng cần phải chuẩn bị. Đó là các nước Miến điện, Philipin, Papua New Guinea, Đông Timor, Bangladesh, Bhutan, Aán độ, Quần đảo Maldive, và Sri Lanka. Các nước khác đã bị cúm gà hoành hành -- bao gồm Trung quốc, Malaysia, Thái lan, đã có những kế hoạch ứng phó riêng và không có ý định yêu cầu cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chánh.
Các chuyên gia tại hội nghị Kuala Lumpur tỏ ý lo ngại về việc nhiều nước nghèo ở Á châu không có khả năng tài chánh để dự trữ thuốc men ngõ hầu có thể chặn đứng sự lây lan của dịch cúm trong lúc các nước giàu lại gia tăng lượng dự trữ của họ, khiến cho thời gian từ lúc đặt hàng cho tới lúc giao hàng vốn đã lâu lại càng lâu hơn.
Theo tường thuật của nhật báo Washington Post, số ra ngày 6 tháng 7, hiện nay loại thuốc trị cúm có hiệu quả, được bán ra dưới nhãn hiệu Tamiflu, có giá bán là 40 đô la cho 10 viên để trị cho một người. Tại Hoa kỳ, chính phủ đã dự trữ 23 triệu viên thuốc này để phòng hờ trường hợp bộc phát dịch cúm. Tuy nhiên, Hội Bệnh Truyền Nhiễm Hoa Kỳ cho rằng số lượng vừa kể vẫn chưa đủ và yêu cầu Bộ Y tế chi tiêu khoảng 1 tỉ đô la để mua thuốc nhằm trị liệu cho 1/3 dân số.
Công ty Roche, có bản doanh ở Thụy sĩ, là công ty bào chế thuốc Tamiflu. Các viên chức của công ty cho biết họ đã tăng sản lượng gấp 4 lần trong 2 năm qua nhưng vẫn không theo kịp nhu cầu vì đơn đặt hàng từ các nước phát triển đã tăng vọt. Trong khi đó, tại Indonesia, nơi mà cúm gia cầm đã xuất hiện ở ít nhất 18 tỉnh, lượng dự trữ Tamiflu lại thấp đến mức đáng kinh ngạc. Theo lời bác sĩ Sansoto Soeroso của Bệnh viện Bệnh Truyền nhiễm Sulianti Saroso ở Jakarta, bệnh viện chính để trị các bệnh như bệnh cúm gà này hiện chỉ có đủ thuốc để chữa cho 8 người. Và mỗi bệnh viện trong số 33 bệnh viện ở Indonesia được chỉ định tiếp nhận bệnh nhân cúm gà chỉ đủ thuốc để chữa cho 2 người.
Tại Việt nam, tình trạng có vẻ khả quan hơn. Các giới chức y tế ở đây cho hay nhờ vào sự trợ giúp của Nhật bản và Liên hiệp Aâu châu, Việt nam có đủ thuốc để chữa cho ít nhất 12 ngàn 500 người. Tuy nhiên, theo lời ông Peter Horby, một chuyên gia dịch tễ học của Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà nội, số thuốc vừa kể sẽ không đủ dùng trong trường hợp dịch bệnh bộc phát ở diện rộng. Người đứng đầu chương trình cúm của Tổ chức Y tế Thế giới, ông Klaus Stohr cho biết một số lượng thuốc trị cúm đủ để trị cho khoảng 120 ngàn người đã được dự trữ ở Á châu, phần lớn là tại các văn phòng khu vực ở Manila và New Dehli. Số thuốc này sẽ được nhanh chóng đưa tới nơi dịch bệnh bộc phát. Theo ông Stohr, các giới chức y tế có thể dập tắt ổ dịch nếu 80% cư dân trong vùng bị dịch được dùng thuốc trị cúm trong vòng từ 3 đến 4 tuần lễ đầu tiên và số ca bệnh không vượt quá 250 người.