Phỏng vấn Tiến Sĩ Teresa Vương Anh Ý Như, một chuyên gia về giáo dục trẻ em và cố vấn gia đình về phương cách giáo dục trẻ em tại Hoa Kỳ

Sau nhiều năm sinh sống tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt đã gặt hái được nhiều thành công trong các lãnh vực kinh tế và giáo dục, tuy nhiên đối với một số phụ huynh, nhất là những người mới đến Hoa Kỳ trong những năm gần đây thì họ vẫn cảm thấy rằng việc dạy dỗ con cái vẫn còn là một vấn đề khó khăn vì chúng hội nhập quá nhanh vào xã hội Mỹ.

Tuy nhiên theo các chuyên gia về giáo dục trẻ em thì nếu các bậc làm cha mẹ sớm biết thích nghi với hoàn cảnh mới và hiểu được đường lối giáo dục của Tây phương thì những trở ngại vì sự khác biệt giữa 2 nền văn hóa Đông Tây có thể vượt qua được. Mời quí vị nghe một số nhận định về vấn đề này của Tiến Sĩ Teresa Vương Anh Ý Như, một chuyên gia về giáo dục trẻ em và cố vấn gia đình về phương cách giáo dục trẻ em tại Hoa Kỳ, qua cuộc phỏng vấn do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thực hiện:

Kính chào Tiến Sĩ Teresa Vương Anh Ý Như, xin cô cho biết hoàn cảnh nào đã khiến cho cô quyết định chọn ngành giáo dục trẻ em tại Hoa Kỳ?

Thưa anh khi qua đây em không bao giờ nghĩ rằng em có thể học bên Mỹ được. Sau một thời gian làm việc và thấy không có việc làm nào hợp với khả năng thì em mới quyết định đi học thêm mấy lớp tiếng Anh được gọi là ESL. Sau đó em có ý định đi học để lấy một cái bằng để làm một cô giáo phụ tức là Teacher Assistant, chứ không bao giờ em dám mơ ước có thể trở thành một cô giáo ở bên nước Mỹ vì tiếng Mỹ không phải là ngôn ngữ của chúng ta và bản thân của em nửa. Tuy nhiên sau khi học mấy lớp Anh Văn rồi em cảm thấy không có gì khó lắm, và em lại may mắn có được một công việc làm, đó là dạy các em nhỏ . Khi dạy các em nhỏ em có đi học một số lớp về tâm lý trẻ em, và lúc đó em nhận thấy đó là thiên đường của em vì đường lối giáo dục trẻ em bên Âu châu quá hay, quá nhân bản, bởi vì họ dạy các em từ bé để biết đâu là phải đâu là trái và họ dạy tất cả mọi người phải có lòng tôn trọng lẫn nhau. Do đó sau 2 năm dạy học em quyết định rời chỗ làm để đi học trở lại. Em thử sức và thấy học được cho nên em tiếp tục học cho đến khi xong chương trình Master . Và sau chương trình Master, đang có hứng, em học tiếp lên chương trình Doctor, và bây giờ em là Doctor Theresa Vương Anh Ý Như, em chuyên môn về giáo dục trẻ em và Family Counselling, em dịch là Cố Vấn Cho Các Gia Đình.

Thưa Tiến Sĩ Ý Như, lúc nãy cô có nói rằng khi đi học các lớp về tâm lý của trẻ em và lúc đó cô nhận thấy đó là thiên đường của cô nên cô quyết định rời bỏ nơi làm việc để theo học ngành giáo dục trẻ em. Còn có lý do nào khác để cô nhất quyết theo đuổi ngành giáo dục, một ngành mà có nhiều người cho rằng khó khăn nhưng lại không kiếm được nhiều tiền như những ngành chuyên môn khác?

Thưa anh, cái thứ nhứt em nghĩ rằng mình có cái đam mê, mình có thích thì mình mới có thể làm được cái công việc đó. Cái thứ hai là khó hay không thì em cũng không biết trả lời ra sao nửa, nhưng em có thể đồng ý là khó bởi vì cái ngành này nói nhiều lắm, tuy nhiên nếu mình mê thì có thể vượt qua cái khó đó.

Đối với một người Mỹ thì họ học không khó nhưng đối với cá nhân em thì khó hơn cho nên em phải cố gắng nhiều hơn thôi.

Trở về vấn đề tiền bạc thì em đồng ý rằng ngành giáo dục này không có làm được nhiều tiền đâu nhưng bởi vì em mê cho nên em không đặt nặng vấn đề tiền bạc cho lắm, thưa anh.

Xin cô vui lòng mô tả các công việc mà cô đang làm hiện nay?

Thưa anh hiện giờ em đang dạy về giáo dục trẻ em tại trường Đại Học Community College của thành phố Philadelphia. Em cũng làm thêm một công việc bán thời gian cho một trung tâm gọi Inter-cultural Family Sevices. Bổn phận của em trong công việc
part-time này là đi giúp đỡ tất cả các gia đình gặp khó khăn trong vấn đề giáo dục con cái về thể lý cũng như tâm lý và đời sống trong gia đình, hoặc có những trẻ em vị thành niên mà gặp trắc trở ở trường học hoặc cha mẹ không dạy dỗ các con được thì em đến để chia xẻ với cha mẹ để cha mẹ dùng các phương cách mà em đã chia xẻ để giáo dục các con.

Thưa cô, những khó khăn mà cha mẹ thường hay gặp phải trong vấn đề giáo dục con cái là những khó khăn nào?

Thưa anh, theo em nghĩ thì những khó khăn đã đến từ cha mẹ nhiều hơn là đến từ các em bé. Em nói như vậy có thể quí thính giả khi nghe không đồng ý. Cha mẹ Việt Nam chúng ta đã đến từ một nền văn hóa Á Châu và khi chúng ta ở bên này chúng ta hội nhập vào nền văn hóa Tây Phương thì chúng ta có cảm tưởng như là con cái chúng ta khó dậy, mất dậy, nếu chúng ta dùng chữ mất dậy, tùy theo tình trạng mà chúng ta cảm thấy thất vọng.

Tuy nhiên em nghĩ rằng nếu cha mẹ biết update cái kiến thức của họ, biết cập nhật hóa cái đường lối giáo dục bây giờ, open mind, tức là cởi mở hơn, cho con cái được phép thưa nói, cho con cái được chia xẻ những thắc mắc, những ưu tư, và khi hiểu nhau rồi thì đôi bên có thể cộng tác với nhau và xây dựng một mái ấm gia đình được. Còn bao lâu mà cha mẹ cứ khăng khăng rằng tao đúng mày sai, không bao giờ cho các con có cơ hội được chia xẻ cái tâm tư và ước nguyện của mình thì làm sao chúng ta có thể giáo dục con cái của chúng ta được. Ý Như cũng xin thưa với anh rằng cha mẹ Việt Nam qua bên nay khổ tâm rất nhiều vì cha mẹ Việt Nam nghĩ rằng các em ở bên này rất khó dậy. Tuy nhiên không phải như vậy đâu mà tại vì chúng ta chưa hiểu các cháu và có thể rằng chúng ta chưa dùng đúng cách giáo dục con cái của chúng ta đó thôi.

Ngoài những vấn đề vừa kể, có những điều gì khác mà các bậc làm cha mẹ thường hay than phiền nhiều nhất trong vấn đề giáo dục con cái?

Thì như em đã thưa với anh vừa rồi, nhiều khi con cái không có như mình nghĩ nhưng vì mình muốn con cái làm theo ý mình, và khi con cái không theo ý mình thì mình cho là con cái hư. Có một câu nói như thế này, không có học trò nào ngu mà chỉ có nhà trường không biết dạy dỗ học trò, và em tin câu này vô cùng.
Em trở lại vấn đề cha mẹ, không có con cái nào hư nhưng chỉ có cha mẹ có thể chưa biết dạy dỗ con cái cho đúng cách mà thôi.

Cô có nghĩ rằng cha mẹ là những người đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái để chúng trở thành những học trò giỏi ở nhà trường và những công dân tốt trong bất cứ xã hội nào?

Thưa anh đúng như vậy, một danh nhân bên Âu Châu đã nói như thế này: cha mẹ là bậc thầy giáo đầu tiên của con cái, và trong cái nhìn của em thì cha mẹ không khác gì những người trồng cây. Nếu cha mẹ trồng cây mà cái gốc của cái cây được tốt thì cái cây đó sẽ lớn lên và sinh sôi nẩy nở, cành lá sum xuê, và nếu cái cây đó ra ngoài gặp sóng gió bão táp thì cùng lắm cũng chỉ rụng vài ba chiếc lá mà thôi chứ cái cây đó không thể gẫy đổ được. Tuy nhiên nếu cha mẹ, người trồng cây, mà không trồng cho cây đó được tốt thì khi ra ngoài gặp sóng gió bão táp, cái cây đó sẽ bị gẫy liền, và rồi khi đó mình chửi các con của mình là chúng mày hư lắm, chúng mày thế này thế kia, thì điều này em không đồng ý.

Thưa cô, tại Hoa Kỳ thường thường trẻ em khi đến trường học thì nói tiếng Anh với thầy giáo, với bạn bè, còn khi về nhà thì cha mẹ ông bà thường là nói tiếng Việt, như vậy sự khác biệt về ngôn ngữ có phải là yếu tố quan trọng khiến cho việc dậy dỗ con cái trong gia đình trở nên khó khăn hơn không?

Câu hỏi của anh, em có thể chia làm 2 phần. Ngôn ngữ là quan trọng bởi vì ngôn ngữ là phương tiện để chúng ta có thể communicate, tức là có thể liên lạc với nhau. Tuy nhiên nếu nói rằng sự khác biệt về ngôn ngữ là yếu tố quan trọng khiến cho việc giáo dục các em trở nên khó khăn thì em không đồng ý hoàn toàn 100% bởi vì dù rằng cha mẹ nói tiếng Việt các con nói tiếng Anh nhưng mà họ vẫn hiểu nhau. Có nhiều gia đình em biết, con cái của họ nói tiếng Mỹ mà vẫn hiểu cha mẹ nói tiếng Việt, họ vẫn có thể dạy con được nếu mình biết cách dạy con đúng cách như em đã thưa với anh trong câu hỏi trước đây.

Cám ơn Tiến Sĩ Teresa Vương Anh Ý Như đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.