Phúc trình thường niên của Hội Ân Xá Quốc Tế

Hội Ân Xá Quốc Tế, một tổ chức bênh vực nhân quyền trụ sở ở London nhận định rằng sự tôn trọng nhân quyền trên khắp thế giới đang ngày càng xuống dốc, và theo tổ chức này thì chính sách của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng vừa kể. TTV đài VOA Tom Rivers tường trình các nét chính trong phúc trình thường niên, gồm 308 trang của Hội Ân Xá Quốc Tế, trình bày các diễn biến nổi bật về nhân quyền của 145 quốc gia.

Theo đánh giá của phúc trình thường niên của Hội Ân Xá Quốc Tế thì tình hình nhân quyền trên thế giới trong năm 2004 không tốt đẹp. Dựa trên các thông tin chi tiết thu thập được từ 145 quốc gia, Hội Ân Xá Quốc Tế kết luận rằng chính phủ các nước đã không giữ lời cam kết xây dựng một trật tự thế giới trên nền tảng tôn trọng nhân quyền.

Bà Irene Khan, Tổng Thư Ký Hội Ân Xá Quốc Tế đã đưa ra một nhận định bi quan về tình trạng nhân quyền trên thế giới như sau:

Trong năm 2004, tình hình nhân quyền trên thế giới khác xa với các nguyên tắc hành sử được giới lãnh đạo đề ra, và điều mà chúng ta thực sự chứng kiến là thế giới đang có một chương trình hành động mới và nguy hiểm cho nhân quyền. Đó là việc thảo lại các luật lệ nhân quyền, sự thiếu tín nhiệm của các định chế hợp tác quốc tế, và sự giải thích ngôn từ về luật pháp và về quyền tự do không thích đáng nhằm quảng bá các chính sách gây sợ hãi và bất an.

Bà Khan đã liệt kê các nước Sudan, Zimbabwe, Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Nepal, Uzbekistan, và Haiti trong danh sách những nước vi phạm nhân quyền tệ hại nhất.

Theo nhận định của Hội Ân Xá Quốc Tế thì các hành động hiện nay của Hoa Kỳ, đang chuyển đến các chính phủ đàn áp nhân quyền một tín hiệu dễ dãi, và việc này là nguyên nhân dẫn đến tôn trọng nhân quyền đang bị biến chất trên khắp thế giới.

Bà Khan yêu cầu Hoa Kỳ phải chấm dứt việc giam giữ người vô hạn mà không mang ra xét xử. Bà nói rằng đây là một việc làm vi phạm luật quốc tế.

Hội Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Mỹ đóng cửa các trại giam trên vịnh Guantanamo và quyết định số phận của những tù nhân còn bị giam giữ trên đó. Hoặc phóng thích họ, hoặc nêu rõ tội danh và truy tố họ theo đúng thủ tục pháp lý. Bằng cách khuyến khích các chính sách gây sợ hãi, và chia rẽ, chương trình hành động mới này của Mỹ cũng đã khuyến khích sự bất dung chấp, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa bài ngoại.

Hội Ân Xá Quốc Tế đã bị từ chối không được tiếp xúc với các tù nhân trên vịnh Guantanamo. Chỉ có Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế là tổ chức hoạt động độc lập duy nhất được đến thăm các tù nhân bị giam trên vịnh này.

Tổng Thư Ký Hội Ân Xá Quốc Tế Irene Khan nói rằng Hoa Kỳ là quốc gia thực thi nhân quyền chuẩn mực, và là một mô hình quan trọng nhất để các nước khác noi theo và sự thay đổi cách hành sử của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác. Bà nói.

Hoa Kỳ là một siêu cường kinh tế, chính trị và quân sự, và đặt ra một tiêu chuẩn hành sử cho chính phủ của các nước trên thế giới. Như vậy, chúng ta thử nghỉ xem các hành động vi phạm pháp quyền, và nhân quyền của Hoa Kỳ đã chuyển đến các chế độ đàn áp, những chế độ chẳng cần quan tâm gì đến luật quốc tế, một thông điệp như thế nào?

Bà Khan nói rằng dưới chiêu bài an ninh quốc gia và chống khủng bố, nhiều chính phủ đã công khai xem thường các luật lệ về nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế.

Hội Ân Xá Quốc Tế cũng phê phán Liên Hiệp Quốc đã không thể mà cũng không sẵn sàng qui trách các nước thành viên về cá hành động vi phạm nhân quyền của họ. Phúc trình của hội nhận định rằng Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã trở thành một diễn đàn cho sự mặc cả về nhân quyền.

Một trong vài hành động tích cực về nhân quyền trong năm 2004, được ghi nhận trong phúc trình là về việc Hoa Kỳ và Anh đã có các quyết định về pháp lý giới hạn một số biện pháp chống khủng bố vi phạm đến nhân quyền. Hội Ân Xá Quốc Tế mô tả đây là một tiến bộ trong lãnh vực nhân quyền.

Chính phủ Mỹ chưa có đáp ứng nào về phúc trình vừa kể của Hội Ân Xá Quốc Tế, tuy nhiên, một phát ngôn viên của quân đội Mỹ tuyên bố là Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là nước dẫn đầu thế giới trong các lãnh vực, tôn trọng nhân quyền, đối xử với tù nhân trong tinh thần nhân bản và điều tra mọi tố giác về ngược đãi tù nhân.