Kể từ khi Saigon, thành trì cuối cùng của miền Nam bị thất thủ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ nước ra đi tìm nơi tị nạn tại nhiều nước trên thế giới, mà nhiều nhất là tại Hoa Kỳ. Ngoài số người vừa kể còn có những sinh viên du học nước ngoài trước đó, cũng đã trở thành những người tị nạn để được định cư tại một nước thứ ba trong thế giới tự do.
Trong số những người thuộc thành phần vừa kể có Tiến Sĩ Nguyễn Cường, một trong số những người Việt đã gặt hái nhiều thành công trong xã hội Hoa Kỳ nhờ vào những nỗ lực của mình và những cơ hội mà quốc gia này đã cống hiến cho những di dân đến từ khắp nơi trên thế giới. Mời quí thính giả theo dõi moät số chi tiết trong câu chuyện này qua cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Cường do Trần Nam trong Ban Việt Ngữ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thực hiện:
Thưa quí thính giả, Tiến Sĩ Nguyễn Cường hiện là Khoa Trưởng Trường Kỹ Sư thuộc Đại Học Catholic University tại thủ đô Washington, và cũng là người được Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush bổ nhiệm vào Ban Giám Đốc của Việt Nam Education Foundation, một cơ quan trao đổi về giáo dục và hợp tác về khoa học và kỹ thuật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Ông sang Hoa Kỳ vào năm 1978 sau khi tốt nghiệp kỹ sư tại Tây Đức, nơi mà ông đã đi du học vào năm 1972. Sau đó ông học Cao Học tại trường Đại Học George Washington và tốt nghiệp Tiến Sĩ Khoa Học vào năm 1982 và từ đó ông trở thành giáo sư và nghiên cứu gia ở Trường Kỹ Sư của Đại Học Catholic University ở thủ đô Washington. Khi được hỏi về lý do tại sao ông lại chọn ngành giáo dục và nghiên cứu, ông cho biết như sau:
Thưa ông, khi ra Tiến Sĩ thì chúng tôi có 2 con đường đi. Một đường là đi làm cho các hãng kỹ thuật và thương mại ở ngoài, và con đường thứ hai là đi vào các Đại Học để trở thành giáo sư và nghiên cứu gia. Cái nguyên nhân để tôi chọn cái ngành giáo dục và nghiên cứu thì có hai nguyên nhân, trong đó nguyên nhân đầu là chúng tôi có nhiều sự tự do để chọn những đề tài nghiên cứu mà không sợ những đề tài đó không có lợi cho các hãng nếu như chúng tôi làm việc cho các hãng ở ngoài. Đó là sự tự do mà chúng tôi có được trong các Đại Học trên phương diện là các nghiên cứu gia. Ngoài ra về giáo dục, nếu ở trong Đại Học thì các giáo sư sẽ có cơ hội để mà dạy dỗ các con em để họ có thể trở thành các công dân hữu ích cho xã hội.
VOA: Là một di dân, bắt đầu làm việc với tư cách là một giáo sư và nghiên cứu gia, xin ông cho biết làm thế nào để ông có thể tiến tới việc đảm nhận chức vụ Khoa Trưởng tại một Trường Đại Học tại Hoa Kỳ như hiện nay?
Khi tôi vào làm ở Đại Học Catholic University thì tôi không có cái mơ mộng nào để trở thành một Khoa Trưởng ở một trường Đại Học vì tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta có sự thiếu thốn về vấn đề ngôn ngữ và sự khác biệt về vấn đề văn hóa của xứ người, tuy nhiên sau thời gian làm việc khoảng 20 năm thì tôi nghĩ rằng mình cũng có những cái khả năng đó mà nếu mình không khai thác thì không thể biết được. Năm 1997 tôi có cái cơ hội lên làm Phân Khoa Trưởng của Phân Khoa Điện và Điện Toán thì lúc đó tôi chỉ muốn vào làm để giúp vậy thôi chứ tôi không biết rằng mình có cái khả năng đó. Sau khi làm được 4 năm và thấy có sự thành công thì tôi nghĩ rằng mình có thể làm trong cái ngành mà người ta gọi là điều hành và lãnh đạo, và đến năm 2001 thì tôi có cơ hội lên làm Khoa Trưởng, và tôi đã được chọn.
VOA: Thưa ông ngoài các sự kiện vừa kể, còn có những yếu tố nào khác để ông được chọn làm Khoa Trưởng trong số 40 giáo sư của Trường Kỹ Sư của Đại Học này hay không?
Để trả lời câu hỏi tại sao trong số 40 giáo sư trong trường kỹ sư mà tôi lại được chọn vào chức vụ Khoa Trưởng thì tôi xin nói rằng đó là nhờ thành tích làm việc đúng đắn và cần cù trong suốt thời gian 23 năm làm việc ở trường Đại Học này. Đó là nguyên nhân chính để những giáo sư ở trong trường, cũng như Giám Đốc ở Đại Học tức là ông Viện Trưởng đã bổ nhiệm tôi lên làm Khoa Trưởng của trường Đại Học này.
VOA: Xin ông mô tả sơ qua công việc của ông trong tư cách là một Khoa Trưởng tại trường Đại Học này?
Khoa Trưởng của một Đại Học, có nghĩa là Dean của Engineering School, tức là Trường Kỹ Sư của một Đại Học thì chúng tôi có nhiệm vụ là phải điều hành công việc của nhà trường. Hiện tại trường chúng tôi có 420 sinh viên, cả Cao Học và Đại Học và 5 Phân Khoa, thì cái công việc của chúng tôi là phải lo về vấn đề tài chính và lo về vấn đề dạy dỗ cho các em, giúp nhà trường trong việc đào tạo các sinh viên. Trường chúng tôi có 5 phân khoa và chúng tôi có các chương trình để dạy cho các sinh viên trở thành cử nhân, cao học và tiến sĩ.
VOA: Ông có thấy sự phân biệt nào về việc làm ở trong Trường, nói riêng và tại Hoa Kỳ, nói chung, giữa người Mỹ với những người trong các cộng động thiểu số, trong đó có cộng đồng người Việt?
Thưa ông nếu mình không phải là người Mỹ có nghĩa mình là người gốc Á Châu hay là gốc Việt Nam thì con người của mình, từ dáng người cho đến khuôn mặt thì có khác với người Mỹ, do đó khi làm ở một trường Đại Học với nhiều người Mỹ da trắng Irish American, đương nhiên là có cái sự discrimination ngay từ đầu. Tuy nhiên theo tôi thấy thì ở Hoa Kỳ có sự công bằng, nghĩa là nếu mình làm việc rất là siêng năng, rất là cần cù thì người ta sẽ phục mình và người ta sẽ đưa mình lên làm Khoa Trưởng mặc dù cái da của mình nó khác với cái da của người ta.
VOA: Thưa ông, ngày 30 tháng Tư tới đây là ngày kỷ niệm chiến tranh Việt Nam kết thúc, với những kinh nghiệm mà ông đã thu thập được trong thời gian qua, ông thấy rằng có những kinh nghiệm nào mà giới trẻ người Việt ở Hoa Kỳ, nói riêng và tại quê nhà, nói chung cần phải học hỏi?
Thưa ông, cái vấn đề đầu tiên là muốn thành công ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì chúng ta phải có một cái căn bản rất là vững chắc về giáo dục có nghĩa là chúng ta phải đi học đến mức tối đa để có những bằng cấp có thể được. Đó là cái căn bản rất là vững chãi để chúng ta thành công. Ngoài ra khi đi làm thì chúng ta phải có sự cần cù, sự thành thật và siêng năng, và tất cả những cái đó sẽ giúp chúng ta thành công. Bởi thế tôi muốn nhắn nhủ các em ở trong nước cũng như ngoài nước là các em muốn thành công trong tương lai trong nghề nghiệp của các em thì cái điều đầu tiên là các em phải đi học cho được rất là cao, đạt được sự giáo dục căn bản. Cái thứ nhì là phải có được cái đạo đức, cái sự cần cù. Đó là những nguyên nhân căn bản để giúp các em thành công trong đời.
VOA: Thưa ông đối với người Việt thì ông thấy rằng có những ngành nào thì thích hợp với họ, hay bất cứ ngành học nào thì giới trẻ cũng có thể theo đuổi?
Cám ơn ông đã hỏi câu này rất có ý nghĩa. Từ năm 1975 khi chúng ta sang Hoa Kỳ và các nước khác thì các bậc làm cha mẹ người Việt thường hay khuyên nhủ các con em theo học những ngành nào mà khi ra trường có thể hành nghề được như kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, luật sư, những ngành nào dễ kiếm việc và dễ kiếm tiền, nhưng theo tôi nghĩ thì vấn đề đó là thiển cận vì nếu mà chúng ta muốn có những thay đổi và làm điều gì để giúp cho cộng đồng Việt Nam thì nên để cho các em chọn ngành nào mà các em thấy thích hợp nhất cho các em theo cái khả năng và cái ưa thích của các em bởi vì đó là cái yếu tố chính để các em có thể thành công.
Theo tôi nghĩ nếu muốn cộng đồng Việt Nam của chúng ta thành công ở hải ngoại thì nên để các em đi vào các ngành có liên quan đến chính trị với hy vọng các em sau này có thể trở thành Nghị Sĩ Dân Biểu và cũng có thể trở thành Tổng Thống của Hoa Kỳ. Muốn được như vậy thì nên để cho các em lựa chọn ngành học của các em thay vì bắt buộc các em phải đi học bác sĩ, kỹ sư.
VOA: Xin cám ơn ông đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ cuộc phỏng vấn hôm nay.