Bản phúc trình mới đây của Ngân hàng Phát triển Á châu về triển vọng kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2007 cho biết Việt Nam dự kiến sẽ đạt được tỉ lệ tăng trưởng khoảng 7,5% trong 3 năm sắp tới. Dự báo khá sáng sủa này đã được công bố trong lúc giới hữu trách Hà nội đề ra chỉ tiêu tăng hơn gấp đôi Tổng Sản lượng Quốc dân trong kế hoạch phát triển 5 năm từ năm 2006 đến 2010. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết về tình hình kinh tế Việt Nam trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây:
Hồi gần đây, giới lãnh đạo Việt Nam đã đề ra những chỉ tiêu khá lạc quan cho kế hoạch phát triển 5 năm từ năm 2006 đến năm 2010. Phát biểu tại một phiên họp ở Hà nội của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, thủ tướng Phan Văn Khải nói rằng: GDP của Việt Nam sẽ tăng 210% từ năm 2006 đến năm 2010 và sẽ tạo thêm khoảng 8 triệu công ăn việc làm cho dân chúng. Ông Phan Văn Khải cho biết như thế hôm mồng 8 tháng này, hai ngày sau khi Ngân hàng Phát triển Á châu công bố một bản phúc trình, trong đó dự báo rằng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì tỉ lệ tăng trưởng ở mức cao trong 3 năm sắp tới.
Theo các chuyên gia của ngân hàng có trụ sở chính ở Manila này: trong năm 2004, Tổng sản lượng quốc dân (GDP) của Việt Nam đã tăng 7,5%, phần lớn là nhờ vào sự gia tăng khả quan của mức tiêu thụ và đầu tư nội địa, cộng với việc tăng giá của dầu thô và các loại sản phẩm nông nghiệp trên thị trường quốc tế. Bản phúc trình, có tên "Triển vọng phát triển Á châu 2005", cho rằng xu thế này dự kiến sẽ tiếp diễn và tỉ lệ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ giữ được ở mức 7,5 hoặc 7,6% mỗi năm từ năm 2005 cho đến năm 2007.
Theo giáo sư Nguyễn Quốc Khải, một cựu chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Washington: dự báo của Ngân hàng Phát triển Á châu có độ khả tín cao và không khác biệt gì nhiều so với những ước tính của các tổ chức tài chánh quốc tế khác như Quĩ Tiền tệ Quốc tế hoặc Ngân hàng Thế giới.
Khi được hỏi về những yếu tố giúp cho kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tốt đẹp, giáo sư Nguyễn Quốc Khải cho biết: ngoài những yếu tố được các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Á châu đề cập tới, như giá dầu thô tăng mạnh, và giá các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản nằm ở mức cao, triển vọng kinh tế Việt Nam còn có nhiều yếu tố thuận lợi khác, trong đó phải kể đến số ngoại tệ khổng lồ mà khối người Việt ở hải ngoại gởi về hàng năm cùng với những khoản thu nhập khá lớn từ những chương trình xuất khẩu lao động. Các khoản tiền này giúp cho nhu cầu đối với các loại hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam tăng mạnh và góp phần đáng kể cho công cuộc sản xuất. Bên cạnh đó, số đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng đang trên đà gia tăng, nhờ vào những biện pháp cải cách mà giới hữu trách Hà nội đã áp dụng trong vài năm vừa qua. Giáo sư Nguyễn Quốc Khải nói thêm như sau:
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế từng giảng dạy tại đại học Johns Hopkins ở thủ đô Washington này cho biết thêm rằng: hiện nay cũng có những yếu tố bất lợi đang gây trở ngại cho công cuộc phát triển của Việt Nam.
Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, đà phát triển tương đối lành mạnh của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây là một yếu tố tích cực cho việc thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, một trong những công tác mà giới hữu trách Hà nội đã được cộng đồng quốc tế nhiệt liệt khen ngợi và được nêu ra như một tấm gương cho các quốc gia đang phát triển noi theo. Mặc dầu vậy, một số chuyên gia phát triển cũng cảnh báo rằng: ở Việt Nam hiện nay vẫn có những nhóm người mà tình trạng khốn đốn có thể sẽ gia tăng trong lúc đất nước tiếp tục gia tốc công cuộc phát triển.
Theo tường thuật ngày 13 tháng 4 của hãng thông tấn Reuters: giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Klaus Rohland cho biết trong tổng số hơn 80 triệu dân ở Việt Nam hiện nay có khoảng 20 triệu người vẫn còn lâm vào cảnh nghèo túng. Ông Rohland cho rằng sự tăng trưởng bền vững của kinh tế Việt Nam có phần chắc sẽ giảm bớt tỉ lệ đói nghèo trong khối người nằm ngay dưới mức nghèo túng, nhưng còn có những nhóm người khác mà tăng trưởng kinh tế không tự động đưa họ thoát khỏi đói nghèo, đó là những người thuộc các sắc dân thiểu số, những người mà sinh kế lệ thuộc vào đất rừng, và những người ở nông thôn nhưng không có đất canh tác.
Ông Rohland nói thêm rằng còn có những nhóm người có thể sẽ bị lún sâu hơn vào tình trạng khốn đốn trong lúc đất nước gia tốc công cuộc phát triển, trong số này có những người từ thôn quê đến mưu sinh ở thành thị, những công nhân không thuộc nghiệp đoàn ở các xí nghiệp tư, những nông dân bị mất đất đai cho những dự án phát triển, và những người trẻ tuổi bị nhiễm HIV/AIDS.