Thế giới đau buồn về sự ra đi của Ðức Giáo Hoàng

Hơn 100000 người đã dự lễ tang tại công trường thánh Phê Rô cầu nguyện cho Đức giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị, từ trần hôm thứ bảy, và đài truyền hình của Vatican đã cho chiếu hình ảnh ngài được quàn để đại diện công chúng đến viếng quan.

Một nhân vật được coi là có khả năng kế vị giáo hoàng, Hồng Y Angelo Sodano, chủ tọa buổi lễ cầu siêu trang nghiêm tại điện Vatican hôm chủ nhật.

Sau đó, những khúc phim được chiếu trên truyền hình cho thấy hình ảnh của ngài được quàn tại điện Vatican để làm lễ quốc táng. Nhiều đại diện của công chúng sẽ được phép viếng quan sau khi linh cữu của ngài được đưa tới vương cung thánh đường Phê Rô, theo dự trù, sẽ diễn ra vào hôm nay, thứ hai.

Hôm chủ nhật, tòa thánh Vatican xác nhận nguyên nhân sự ra đi của Đức giáo Hoàng là do nhiễm trùng và suy tim.

Đức giáo Hoàng, một cựu linh mục Ba Lan, là lãnh tụ phục vụ lâu hàng thứ ba trong giáo hội công giáo La Mã.

Ngài đã được rất nhiều người ca ngợi về tài lãnh đạo tinh thần và đạo đức, về vai trò của ngài trong việc khuyến khích đưa tới sự sụp đổ trong ôn hòa của chế độ cai trị của cộng sản đông Âu, cũng như những nỗ lực của ngài để chỉnh đốn lại mối quan hệ giữa giáo hội công giáo với người Do Thái và Hồi giáo, cũng như việc ngài tiếp cận với những giáo phái Thiên Chúa khác.

Hôm chủ nhật tại quê hương Ba Lan, dân chúng đã thương tiếc ngài, một lãnh tụ tinh thần và lãnh tụ quốc gia đã từng là nguồn cảm hứng để giúp dân chúng đứng dậy thoát khỏi quyền cai trị của cộng sản. Chừng 100 ngàn người đã dự thánh lễ ngoài trời ở công trường chính tại thủ đô Varshava. Đây cũng chính là địa điểm nơi mà chừng 1 triệu người đã tụ tập khi đức Giáo Hoàng chủ tọa thánh lễ đầu tiên năm 1979 trên quê hương của ngài kể từ khi ngài được bầu vào chức vụ chủ chiên của giáo hội công giáo La Mã.

Ở nước Nga, tổng thống Vladimir Putin gọi đức giáo Hoàng là một nhân vật xuất chúng đã để lại một di sản tinh thần và chính trị với một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử.

Cựu tổng thống Mikhail Gorbachev mô tả ngài là nhân vật hàng đâu theo thuyết nhân bản.

Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị của Anh quốc đã tôn vinh việc ngài thăng tiến sự đoàn kết các giáo phái Thiên chúa.

Tại Cuba, quốc gia cộng sản nơi Ðức Giáo Hoàng từng đến thăm, đã tuyên bố một khoảng thời gian tang chế chính thức.

Và tại Hoa Kỳ, tổng thống Bush nói rằng thế giới đã mất đi một nhân vật vô song tranh đấu cho quyền tự do và là một trong những lãnh tụ đạo đức vĩ đại nhất.

Tổng thống Bush đã ra lệnh treo cờ rũ.

Tuy đức giáo Hoàng bất đồng ý kiến về cuộc chiến Iraq do Hoa Kỳ lãnh đạo, nhưng tổng thống Bush và Đức Giáo Hoàng có cùng chung nhiều quan điểm bảo thủ về các vấn đề xã hội.


Tại Á châu, hàng triệu người cũng đang thương tiếc sự ra đi của đức Giáo Hoàng.

Hôm chủ nhật lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng, đức Lạt Lại Ðạt Ma đã ngỏ lời chia buồn về sự ra đi của giáo hoàng, nói rằng cả hai đều có chung ý hướng trong việc khuyến khích sự hài hòa giữa những truyền thống tôn giáo khác biệt.

Tất cả các phần đất như Philippines, Hồng Kông, Australia, New Zealand, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản và nhiều quốc gia Á châu khác đều đã lên tiếng chia buồn và bày tỏ lòng thương tiếc. Lúc sinh thời, Ðức Giáo Hoàng đã thực hiện ít nhất là cả chục chuyến đi thăm các quốc gia Á châu trong suốt 26 năm trong chức vị chủ chiên giáo hội Công Giáo La Mã.

Tại Phi châu, Tổng Giám Mục giáo hội Anh giáo tại Nam Phi Denmond Tutu đang thương tiếc sự mất mát của giáo hội Công giáo La Mã trong lúc ông nói rằng vị giáo hoàng kế tiếp nên là một vị xuất thân từ châu Phi.

Cũng vào chủ nhật, người đứng đầu giáo hội chính thống Ethiopia ca ngợi giáo hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị là một vĩ nhân lên tiếng cho hòa bình giữa mọi tôn giáo.

Các lãnh tụ khác tại châu Phi cũng đã ngỏ lời chia buồn. Trong số này có tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo và chủ tịch liên hiệp Phi châu, ông Alpha Oumar Konare.

Tai Zimbabwe, tổng thống Robert Mugabe mô tả cố giáo hoàng là một người thánh thiện . Ông cũng kêu gọi các quốc gia lớn hãy chú ý đến thông điệp hòa bình của cố giáo hoàng.

Ở châu Mỹ Latin, Những tín đồ tại tại châu lục này đang đến dự thánh lễ tại các nhà thờ để tưởng nhớ đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị, là người đã đến đây chỉ một thời gian ngắn sau khi ngài được bầu vào chức vụ lãnh đạo tinh thần của giáo hội Công giáo La Mã.

Theo dự liệu tổng thống Mehico sẽ đến dự tang lễ của Giáo Hoàng. .

Người đứng đầu giáo hội Công giáo chính thống Nga đã gửi lời chia buồn đến điện Vatican vì sự ra đi của giáo hoàng Gio An Phao Lồ đệ nhị, mặc dù vẫn còn có những bất hòa giữa hai giáo hội Thiên chúa này.

Giáo trưởng Alexy đệ nhị, trong một lá thư gửi Vatican hôm chủ nhật, nói rằng ngài rất đau buồn vì sự mất mát này.

Lúc sinh thời, Ðức Giáo Hoàng đã có những quan hệ khó khăn với Giáo trưởng giáo hội chính thống Nga, là người đã lên tiếng chỉ trích giáo hội Công giáo La mã tìm cách cải đạo dân chúng Nga và tại các quốc gia mà tín đồ Công giáo chính thống chiếm đa số.

Trong khi đó, chế độ Taleban đã bị lật đổ tại Afghanistan đã đưa ra lời khuyến cáo vị giáo hoàng sắp tới hãy dùng ảnh hưởng để ngăn chặn các vụ ngược đãi người Hồi giáo.

Abdul Latif Hakimi, lên tiếng với hãng thông tấn Reuters qua điện thoại di động từ một nơi rõ, nói rằng trong khi các thành viên Taleban không cảm thấy vui hay buồn về cái chết của đức giáo Hoàng, một số thành viên Taleban cảm thấy rằng thông điệp hòa bình của giáo hoàng đáng được xét tới.

Trên toàn thế giới, không những chỉ có giáo dân Công giáo La Mã, mà các cộng đồng tín ngưỡng khác đều bày tỏ lòng tiếc thương sự ra đi của ngài.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối cuộc chiến tại Iraq và thường xuyên lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và người Palestin. Điều này đã khiến ngài trở thành một nhân vật được yêu mến tại Trung Đông.

Ông Mahmoud Shakel làm chủ một tiệm bán giày ở trung tâm thủ đô Cairo. Ông là một tín đồ Hồi giáo thuần thành. Ông Shakel nói rằng đức Giáo Hoàng là một nhân vật cổ võ cho hòa bình, được tất cả các tín đồ thuộc mọi tôn giáo kính trọng.

Đức Giáo Hoàng đã nỗ lực khuyến khích mở đối thoại và dung chấp giữa các tôn giáo. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên chính thức viếng thăm một đền thờ Hồi Giáo. Vào năm 2000 ngài đến thăm đến thờ Ummayid tại Damascus.

Tổng giám Mục Youssef Ibrahim Sarraf, tại Nhà Thờ Đức Bà Fatima ở Cairo nói rằng chuyến thăm này là một khởi đầu cho một cuộc đối thoại mới giữa người Thiên chúa Giáo và người Hồi Giáo.

Tổng giám muc Sarraf nói rằng đây là một chuyến viếng thăm vô cùng quan trọng của ngài. Có thể đây là chuyến gặp gỡ trực tiếp đầu tiên với người Hồi giáo và có thể đây đã là khởi đầu cho một cuộc đối thoại trực tiếp giữa giáo hội Thiên Chúa và Hồi Giáo.

Trong chuyến đi thăm Trung Đông làn cuối, đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị cũng đã hội kiến với Sheikh Tantawi tại Ai Cập. Ông Tanwawi là đại giáo sỹ của đền thờ Al Azhar, một trong những học viện Hồi giáo cổ xưa và quan trọng nhất thế giới.

Sheikh Tantawi nói rằng đức Giáo Hoàng là một người thông thái, nỗ lực vận động cho Đại giáo sỹ Tantawi đã bày tỏ lòng tri ân của ông đối với lập trường của đức Giáo Hoàng về Iraq và nhân dân Palestin, và ông hy vọng rằng vị giáo hoàng kế tiếp sẽ đi theo bước chân của người tiền nhiệm.

Trong khi đó, người Írael và người Palestin đang cùng nhau bày tỏ lòng thương tiếc Ðức Giáo Hoàng.

Thủ tướng Israel Ariel Sharon đã khai mạc phiên họp nội các hàng tuần bằng lời vinh danh đức Giáo Hoàng, mô tả ngài là một người tận tụy cổ võ cho hòa bình và là một người bạn của nhân dân Do Thái.

Ông Sharon nói rằng đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ đệ nhị đã nỗ lực vận động tìm kiếm một hòa giải lịch sử giữa dân Do Thái và giáo hội Công giáo. Ông còn nói thêm rằng đức Giáo Hoàng đã thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và quốc gia Israel. Thủ tướng Sharon nói rằng: “Thế giới đã mất đi một trong những lãnh tụ quan trọng nhất của thời đại chúng ta”.

Ông Ehud Barak là thủ tướng Israel khi đức Giáo Hoàng thực hiện chuyến hành hương lịch sử đến vùng đất thánh 5 năm trước đây:

Cựu thủ tướng Israel nói rằng: "Thế giới đã mất đi một lãnh tụ tinh thần cao cả và cũng đã mất đi một vĩ nhân”.

Trong chuyến hành hương lần đó, Ðức Giáo Honag đã xin người Do Thái hãy tha thứ cho sự ngược đãi kéo dài nhiều thế kỷ của giáo hội Công Giáo La Mã đối với họ.

Cũng trong chuyến đi đó đức Giáo Hoàng đã để lại những ấn tượng khó quên nơi người Palestin khi ngài nói đến những thống khổ của họ, và kêu gọi thành lập một quốc gia Palestin. Ông Mohammed Kamal, một người Hồi giáo Palestin, nói với đài như sau:

Ông nói ngài đến thăm đây, cố tìm cách hòa giải tất cả các phe phái tại vùng đất Thánh này.

Lãnh tụ Mahmoud Abbas của người Palestin mô tả đức Giáo Hoàng Gio An Phao Lồ đệ nhị là một nhân vật tôn giáo vĩ đại, tận tụy hết cuộc đời vận động cho hòa bình, tự do, và công lý, và bênh vực cho quyền độc lập của người Palestin.