Liên hiệp Âu Châu sẽ hoãn lại việc thu hồi lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung quốc cho đến năm tới

Trong tuần qua, có nhiều dấu hiệu cho thấy là Liên hiệp Âu châu sẽ hoãn lại việc thu hồi lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung quốc cho đến năm tới. Nhiều nhà quan sát tình hình cho rằng các nhà lãnh đạo Âu châu đã quyết định như thế vì có áp lực mạnh mẽ của chính phủ Mỹ và vì sự quan tâm đối với việc Trung quốc thông qua đạo luật chống ly khai để tạo dựng cơ sở pháp lý cho mưu toan tấn công Đài Loan. Một số chi tiết về việc này sẽ do Duy Ái trình bày trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây. Xin mời quí vị cùng nghe.


Hồi đầu tháng này, một phái đoàn Liên hiệp Âu châu đã đến Washington để tìm cách thuyết phục chính phủ Hoa kỳ, đặc biệt là các thành viên quốc hội Mỹ, chấp thuận một kế hoạch của liên hiệp này nhằm hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung quốc đã được áp dụng từ năm 1989 sau khi Bắc kinh dùng binh lính và xe tăng đàn áp một cách dã man cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn. Trong các cuộc thảo luận tại Washington, các giới chức Âu châu cho biết họ sẽ thay lệnh cấm vận này bằng một đạo luật mới, được gọi là Bộ Qui tắc Hành xử, mà họ cho là sẽ hữu hiệu hơn trong việc kiểm soát mức độ công nghệ quân sự mà Trung quốc có thể mua từ các nước Âu châu. Nỗ lực của phái đoàn Liên hiệp Âu châu đã thất bại và các thành viên quan trọng trong quốc hội Mỹ vẫn tiếp tục phản đối kế hoạch của Liên hiệp Âu châu.

Người giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Richard Lugar, tuyên bố rằng ông là người lâu nay vẫn ra sức vận động cho việc siết chặt các mối quan hệ với những quốc gia đồng minh ở Âu châu đồng thời cũng là người có chủ trương tăng cường quan hệ với Trung quốc. Tuy nhiên, ông cho rằng những quyền lợi của Hoa kỳ trong lãnh vực an ninh quốc gia sẽ bị thương tổn nặng nề nếu các nước trong Liên hiệp Âu châu bán cho Trung quốc các kỹ thuật vũ khí tân tiến vào thời điểm này.

Một lãnh tụ của phe Dân chủ ở Thượng viện Mỹ và cũng là thành viên của Ủy ban Đối ngoại, thượng nghị sĩ Joseph Biden tán đồng nhận định vừa kể của ông Lugar. Ông Biden cho biết thêm rằng một số các nhà lập pháp ở Washington đã đe dọa thực hiện những hành động trả dữa về mặt thương mại để chống lại quyết định mà ông gọi là rất nguy hiểm của Liên hiệp Âu châu.

Các giới chức Liên hiệp Âu châu và một số nhà phân tích cho rằng mối quan tâm của Hoa kỳ đã được đặt không đúng chỗ. Phát biểu hôm thứ tư vừa qua tại hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp Âu châu tổ chức tại Brussels, người cầm đầu chính sách đối ngoại của liên hiệp này là ông Javier Solana nói rằng: việc tiếp tục áp dụng biện pháp chế tài sau khi sự việc làm phát sinh biện pháp này đã trôi qua hơn 15 năm là một việc mà ông gọi là ỏthiếu công bằng.õ Các nhà phân tích ở Âu châu cũng cho rằng Trung quốc sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quân sự của họ cho dù có hay không có sự trợ giúp của Âu châu; và vì thế cho nên, về lâu về dài thì việc mua bán vũ khí với Trung quốc sẽ có lợi vì các nước cung cấp vũ khí có thể gây ảnh hưởng phần nào đối với việc Trung quốc xử dụng sức mạnh quân sự trong tương lai.

Ông Dieter Dettke là một chuyên gia làm việc tại văn phòng ở Washington của Quĩ Friedrich Ebert, một tổ chức do đảng Dân chủ Xã hội Đức tài trợ. Ông cho rằng lệnh cấm vận hiện nay không rõ ràng và chỉ gây phương hại tới khả năng của Tây phương trong việc tạo ảnh hưởng lên đường lối đối ngoại của Trung quốc.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho Đài Tiếng Nói Hoa kỳ, ông Diettke cho biết rằng việc hủy bỏ lệnh cấm vận trên thực tế là một hành động có tính cách tượng trưng. Liên hiệp Âu châu hủy bỏ lệnh này để chứng tỏ là họ muốn có một mối quan hệ bình thường với Trung quốc. Bên cạnh đó, các nước Âu châu chẳng phải là thu hồi lệnh cấm vận một cách vô điều kiện và Âu châu có thể điều tiết các mối quan hệ với Trung quốc thông qua những chuẩn mực chung về việc xử dụng vũ lực và hành xử với thái độ tôn trọng hòa bình. Ông Diettke nói thêm rằng liên bang Nga hiện nay là nước cung ứng chính các loại vũ khí và thiết bị quân sự cho Trung quốc và đây là một tình trạng vô cùng bất lợi cho Hoa kỳ và Âu châu về cả hai phương diện chiến lược lẫn kinh tế.

Trong khi đó, một viên chức cao cấp của bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng: sở dĩ các nhà lãnh đạo Âu châu cho rằng việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí Trung quốc không tạo ra một mối nguy hiểm mới nào ở Á châu Thái bình dương là vì có phần chắc là các nước Âu châu sẽ không dính líu tới một cuộc chiến tranh ở khu vực này. Viên chức vừa kể nói thêm rằng trong những năm gần đây quân đội của Hoa kỳ và Trung quốc có những mối quan hệ khá vững mạnh tuy có một vài bất đồng về chính sách, và đây là một mối quan hệ có thể duy trì được mà không cần phải bán thiết bị quân sự cho Trung quốc.

Một số viên chức khác trong chính phủ Hoa kỳ cũng tỏ ý lo ngại là việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí có thể sẽ mang tới cho giới lãnh đạo ở Bắc kinh một tín hiệu sai lạc là cộng đồng quốc tế chấp nhận chính sách nhân quyền của Trung quốc trong lúc nhân quyền và dân quyền ở quốc gia này tiếp tục bị chà đạp một cách thô bạo. Tại cuộc họp báo ở Washington hồi tuần qua, phát ngôn viên Adam Ereli của bộ ngoại giao Mỹ nói rằng: tuy sự việc làm phát sinh lệnh cấm vận đã trôi qua hơn 15 năm nhưng giới hữu trách Bắc kinh cho đến nay chẳng những vẫn không chịu thừa nhận rằng vụ đàn áp đó là một hành động sai trái mà còn một mực cho rằng nhờ hành động quả quyết đó mà Trung quốc có được tình trạng ổn định và phát triển như hiện nay.

Một số các thành viên quốc hội Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc các kỹ thuật và thiết bị quân sự bán cho Trung quốc sẽ được chính quyền Cộng sản này mang đi bán cho Bắc Triều tiên hoặc cho những nước khác có thể gây phương hại tới an ninh của Hoa kỳ. Về việc này, thượng nghị sĩ Richard Lugar cho biết rằng mối quan tâm hàng đầu của Hoa kỳ là làm thế nào để ngăn chận nạn khuyếch tán công nghệ vũ khí. Nhưng trong quá khứ Trung quốc đã bán khí giới và kỹ thuật quân sự cho các nước bất hảo. Trong khi đó, quân đội Trung quốc đang tìm đủ mọi cách để có được những vũ khí tối tân và những hệ thống điện tử tinh vi trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội của mình; và các nước Âu châu trên thực tế sẽ không thể nào kiểm soát được việc Trung quốc sẽ xử dụng các công nghệ tiên tiến của Âu châu vào những mục đích gì.

Bên cạnh những mối quan tâm vừa kể, các giới chức Hoa kỳ còn đề cập đến một mối lo ngại có tính cách cấp thiết hơn liên quan tới tình hình trong vùng eo biển Đài Loan. Lý do là vì quốc hội Trung quốc mới đây đã thông qua dự luật chống ly khai mà nhiều nhà quan sát cho rằng tạo ra một cơ sở pháp lý để Bắc kinh xâm chiếm Đài Loan trong trường hợp đảo quốc này tiến tới chỗ chính thức tách khỏi Trung quốc để độc lập. Về việc này, Tổng thống George W Bush của Mỹ đã tuyên bố rằng giới hữu trách ở Washington thật sự lo ngại là việc bán vũ khí có thể trở thành việc chuyển giao công nghệ cho Trung quốc và làm thay đổi tình trạng cân bằng của các mối quan hệ giữa Trung quốc và Đài Loan.

Tổng thống Bush tuyên bố như thế trong lúc các chuyên gia quân sự ở Mỹ thừa nhận rằng cán cân sức mạnh ở eo biển Đài Loan đã nghiêng hẳn về phía Trung quốc từ 5 năm nay; và vì thế, việc hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sẽ khiến cho quân đội Hoa kỳ gặp nhiều khó khăn hơn trong trường hợp Washington quyết định ra tay trợ giúp Đài Loan nếu đảo quốc này bị Trung quốc tấn công.

Trong tuần qua, trước sự chống đối khá mạnh mẽ của Hoa kỳ, và vì mối quan tâm đối với chính sách của Trung quốc về vấn đề Đài Loan, các nhà lãnh đạo Âu châu cho họ sẽ đình hoãn kế hoạch thu hồi lệnh cấm vận để thực hiện những cuộc thảo luận với chính phủ ở Washington mà họ gọi là ỏmột cuộc đối thoại chiến lược về Trung quốc.õ Các nhà quan sát cho rằng kế hoạch có phần chắc sẽ được hoãn cho đến ít nhất là đầu năm 2006, khi Anh quốc kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Liên hiệp Âu châu.